(HBĐT) - Thung Nai (Cao Phong) là địa điểm lý tưởng cho những du khách yêu thích và muốn tận hưởng nét hoang sơ, vẻ đẹp non nước hồ Hòa Bình. Chúng tôi trở lại thăm Thung Nai vào sáng thu nắng nhẹ. Con đường tới Thung Nai uốn lượn, chìm trong nắng vàng, trời trong veo, thấp thoáng những bến nước trong xanh. Một vài chòm xóm yên lành ẩn hiện sát mép hồ.



Đến các điểm du lịch khu vực xã Thung Nai (Cao Phong) bạn sẽư được thưởng thức những tiết mục văn nghệ do chính người dân địa phương biểu diễn.

Nghe kể, xưa kia, Thung Nai là một thung lũng rộng lớn có núi cao, rừng rậm bao quanh, hươu, nai nhiều vô kể nên mới gọi là Thung Nai. Sau này, khi ngăn sông, đắp đập xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhiều phần diện tích của Thung Nai chìm sâu dưới hồ, những ngọn núi cao phải ngửa mặt lên trời chẳng thấy ngọn, giờ thành những đảo lớn, nhỏ trong lòng hồ rộng lớn mênh mang được ví như "Hạ Long trên cạn”. Nếu bạn muốn tận hưởng đầy đủ cảm giác thi vị và trải nghiệm không gian văn hóa Thung Nai chí ít cần dành một ngày trọn vẹn.

Sẽ rất thi vị khi bạn khám phá Thung Nai bằng thuyền du lịch. Từ bến Thung Nai, bạn có thể đi trên chiếc thuyền du lịch của người dân, chầm chậm lênh đênh trên mặt hồ để tận hưởng khung cảnh bình yên trong trong làn gió nhẹ mơn man hơi nước mát lạnh của lòng hồ. Thung Nai đem lại cảm giác thư thái, nhất là vào những ngày mùa thu, trời nắng nhẹ, thời tiết chan hòa, mát mẻ. Không gian, mây nước của mùa thu càng đem lại cho Thung Nai vẻ đẹp hoang sơ, say đắm lòng người.

Người ta bảo Thung Nai là sự kết hợp hoàn mỹ của núi, của rừng xanh thẳm, của các đảo lớn nhỏ và màu nước bao la bất tận in bóng mây trời. Cảnh sắc hư hư, thực thực như lạc chốn bồng lai trên phim ảnh vậy. Có nhiều địa điểm để bạn khám phá thưởng ngoạn. Bạn có thể đi thuyền mất khoảng 30 phút để thăm quan, thắp hương thành kính tìm hiểu sự tích đền Chúa Thác Bờ; khám phá sự huyền bí, quyến rũ của động Thác Bờ với muôn hình vạn trạng thạch nhũ, thỏa sức chiêm ngưỡng và tưởng tượng ra những hình thù khác nhau của nhũ đá như cá chép hóa rồng, cây vàng, cây bạc, ô trời, lọng trời, dàn đàn đá, dàn cồng chiêng Mường thánh thót, trầm bổng... Và cũng có thể đến thăm quan, hưởng thụ các điểm vui chơi, ẩm thực tại đảo Dừa, đảo Xanh, đảo Quạ, đảo Dê…

Đảo Dừa nằm gần với điểm du lịch tâm linh đền Bờ và động Thác Bờ, ẩn hiện trong màu xanh của cây cối và sông nước bao la. Trên đảo có những ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền người Mường, chủ đảo cung cấp các dịch vụ du thuyền, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực dân gian.

Còn đến Cối xay gió cũng đem lại cảm giác thú vị không kém. Bạn có thể phóng tầm mắt ra xa, thu toàn bộ bức tranh thủy mặc Thung Nai vào trong tầm mắt, Thung Nai sẽ hiện ra mờ ảo trong sương sớm, trong bát ngát xanh tươi khi nắng vàng lấp lánh mặt hồ. Tại các điểm du lịch trên Thung Nai, bạn có thể hòa đồng trong những đêm văn nghệ đốt lửa trại, thưởng thức màn văn nghệ của chính người dân biểu diễn cũng rất thú vị. Nếu muốn, bạn có thể cùng tham gia sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, cùng thưởng thức các món do chính người dân nuôi, trồng và chế biến theo cách thức, gia vị truyền thống riêng có của người dân bản địa như: cá hun khói, rau rừng đồ chấm lòng cá, thịt lợn nướng... Nếu muốn buông cần thả câu, chắc chắn bạn phải nhờ người dân hỗ trợ chèo thuyền, tìm kiếm những vịnh nhỏ để thỏa sức tìm kiếm, chinh phục những con cá ham mồi để rồi mang về nướng, nấu chuối với rau rừng sẽ để lại ấn tượng không thể nào quên cho chuyến du ngoạn Thung Nai.

Thưởng thức cá sông Đà, du ngoạn cảnh hồ, nhấp vài chén rượu thì không gì bằng, nhất là những ngày trăng rằm có thể thưởng trăng tròn dát bạc lòng sông rất đẹp. Chắc chắn bạn sẽ tự hứa với lòng mình khi sẽ trở lại Thung Nai để được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, chèo thuyền lênh đênh giữa lòng hồ sông Đà, len lỏi trong những khu rừng rậm rạp, khám phá những hang động kỳ bí, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, trải nghiệm, tìm hiểu đời sống sản xuất, văn hóa truyền thống độc đáo của người dân địa phương và thưởng thức những món đặc sản núi rừng…

L.C


Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục