(HBĐT) - Từ năm 2006 - 2010, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về khởi công công trình nhà máy thủy điện Sơn La - công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam á, Quỳnh Nhai là vùng trọng điểm của di dân tái định cư thủy điện.
Vươn lên từ… hồ
Công cuộc di chuyển về trung tâm hành chính, chính trị tại Phiêng Lanh, xã Mường Giàng trên trục đầu nối QL279 với tỉnh lộ 107 (Sơn La) nay là QL6b được hoàn thành năm 2010 cùng với việc phải di chuyển tới 9/11 xã, 99 bản, 8.435 hộ dân, hơn 38.000 nhân khẩu. Cũng từ đây, nhân dân các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Dao, La Ha, Khơ Mú đoàn kết một lòng xây dựng cuộc sống tại nơi định cư mới tại vị trí gần như được bao bọc bởi lòng hồ sông Đà và núi non hùng vĩ.
Hồ Quỳnh Nhai cũng là tiềm năng, lợi thế lớn nhất đang được nhân dân các dân tộc khai thác để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và làm giàu. Trong chuyến thăm mô hình nuôi trồng thủy sản trên hồ, đoàn chúng tôi ấn tượng bởi con số do Văn phòng HĐND & UBND huyện trao đổi, cung cấp đến nay đã có tới 3.800 lồng cá nuôi, trong đó có hơn 3.000 lồng đạt quy chuẩn, định hướng đến năm 2020 sẽ phát triển đạt 5.000 lồng. Hồ còn cung cấp sản lượng cá, tôm đánh bắt không nhỏ. Đồng thời cung cấp nguồn nước tưới cho sản xuất trồng trọt. Nghề khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản bước đầu phát triển. Chúng tôi được thưởng thức một trong những món ăn đặc sản của vùng hồ này, đó là cá tép dầu đã được sơ chế sạch sẽ, ướp gia vị và sấy khô, muốn ăn chỉ việc chiên giòn. Theo anh Lò Văn Khanh ở xã Mường Giàng, bắt đầu từ ý tưởng của một thanh niên khởi nghiệp trong vùng, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn vùng hồ đã chuyển đổi làm theo. Mỗi kg cá tép dầu thành phẩm sau chế biến có giá bán cao gấp nhiều lần, bình quân 180.000 – 200.000 đồng/kg. Từ khi phát triển nghề này, bà con có thêm việc làm, thu nhập, sản phẩm được bán rất chạy và ai đã từng nếm thử mùi vị thơm ngon của cá tép dầu đều tấm tắc.
Một góc bản làng Quỳnh Nhai - nơi định cư mới được bao bọc bởi hồ.
Phát triển thủy sản cũng là định hướng mới, chủ đạo trong phát triển kinh tế của huyện. Theo thống kê toàn huyện có 19 doanh nghiệp tư nhân, 3 công ty cổ phần, 60 HTX, trong đó, 45 HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản xuất trên địa bàn huyện năm 2017 ước thực hiện gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 36,7%.
Từng bước đổi thay diện mạo
Hơn 7 năm sau di dân tái định cư, cuộc sống của đồng bào 6 dân tộc anh em trên vùng hồ này đã ổn định. Hạ tầng cơ sở được kiến thiết đàng hoàng, to đẹp hơn. Đến Quỳnh Nhai, các tuyến đường bộ đi nội huyện, liên xã, liên xóm được đầu tư khá hoàn chỉnh. Kết cấu hạ tầng được quy hoạch, tập trung cao trong cải cách hành chính. Đặc biệt, Trung tâm hành chính công của huyện vừa thành lập và ra mắt vào đầu tháng 10/2017 tạo bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, thực hiện thắng lợi kế hoạch cải cách hành chính của huyện năm 2017 và các năm tiếp theo.
Quỳnh Nhai là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ hiện bao gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã, 196 bản, xóm, trong đó có 2 xã vùng đặc biệt khó khăn, 8 xã vùng 2 và 1 xã vùng 1. Tuy nhiên, với việc phát huy tiềm năng sẵn có, vượt khó vươn lên, an sinh xã hội, đời sống của người dân đã cải thiện đáng kể. Huyện đã có 3 xã đạt chuẩn NTM là Mường Chiên, Mường Giàng và Chiềng Bằng. 100% xã có đường nhựa ô tô đi được 4 mùa. Mạng lưới điện, trường, trạm đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Các chính sách về dân tộc, người có công, bảo trợ xã hộ, hỗ trợ sản xuất thuộc Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a được triển khai hiệu quả…
Tính đến năm 2016, thu nhập bình quân của huyện đạt 26 triệu đồng/người/ năm. Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Với mức thu nhập bình quân như vậy, Quỳnh Nhai vẫn là 1 trong 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Trong định hướng những năm tiếp theo, đẩy mạnh phát triển thủy sản và du lịch sẽ là bước đi đột phá để cuộc sống của người dân đảm bảo hơn, diện mạo vùng hồ này sẽ còn nhiều đổi khác.
Bùi Minh