(HBĐT) - Du lịch sinh thái cộng đồng tại Tử Nê (Tân Lạc) thực sự hình thành khi CECAD (Trung tâm môi trường và phát triển nguồn lực cộng đồng, trực thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam) triển khai dự án phục hồi, bảo tồn văn hóa Mường và chương trình nâng cao năng lực của người nghèo tại địa bàn vào năm 2008.



  Ảnh: Du khách nước ngoài trải nghiệm tại địa bàn xã Tử Nê (Tân Lạc)

Bà Lê Thị Vân Huệ, Phó giám đốc CECAD cho biết: Mục tiêu của dự án là thúc đẩy các hoạt động du lịch cộng đồng nhằm cải thiện đời sống người dân nơi đây, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường cũng như bảo vệ môi trường. Thực hiện dự án, CECAD đã phối hợp cùng Công ty du lịch HG travel (Hà Nội) tài trợ cho xóm Cú (Tử Nê) 1 ngôi nhà sàn khang trang nhằm phục vụ sinh hoạt văn hóa và khai thác du lịch cộng đồng. Đồng thời Công ty du lịch HG travel đã mở tour du lịch sinh thái Tử Nê - Thanh Hối 2 ngày, 1 đêm phục vụ du khách.

Ngoài căn nhà sàn kể trên, một số gia đình sinh sống trên địa bàn xã Tử Nê đã tự bỏ tiền túi đầu tư xây dựng nhà sàn để khai thác du lịch. Hiện nay, cả xã có 4 ngôi nhà sàn phục vụ du khách theo hình thức homestay. Tham gia tour của HG travel, trong ngày đầu, du khách dùng bữa trưa với gia đình người dân bản địa, thưởng thức ẩm thực dân tộc Mường truyền thống; vào buổi chiều, dạo chơi, khám phá cuộc sống của người Mường thông qua hoạt động thăm quan, giao lưu cùng các gia đình làm nghề đan lát, dệt vải, nuôi ong; về nhà dân, khách du lịch có thể trải nghiệm ngâm chân bằng nước ấm với các loại thảo mộc; sau bữa tối, xem biểu diễn ca nhạc truyền thống của người Mường và cùng tham gia nhảy sạp. Sang ngày thứ hai, du khách đi bộ đến xã Thanh Hối thăm một trong những cây đa lớn nhất Việt Nam.

Nằm cách Hà Nội chỉ 100 km, giao thông đi lại thuận tiện với nhiều nét văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống của người Mường… cùng với sự đầu tư, hỗ trợ từ CECAD và HG travel là những điều kiện thuận lợi để xã Tử Nê phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, du lịch sinh thái cộng đồng tại Tử Nê đang phát triển không tương xứng với tiềm năng.

Chúng tôi ghé xóm Cú, thăm ngôi nhà sàn do CECAD và HG travel tài trợ. Từ năm 2012, căn nhà được giao cho gia đình bác Bùi Văn ành quản lý. Bác cho biết: Vợ chồng tôi nhận nhiệm vụ trông nom kết hợp khai thác căn nhà này để làm du lịch cộng đồng cùng bà con trong xã, không hề phải mất bất cứ chi phí nào, đón được bao nhiêu khách thì phục vụ và hưởng bấy nhiêu.

Tuy nhiên cũng theo bác ành, trung bình mỗi năm, gia đình chỉ đón được khoảng 20- 25 đoàn khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Đoàn ít thì 2-3 người, đông nhất 25 người. Do vậy, thu nhập vẫn còn khá khiêm tốn, trung bình khoảng 500.000 đồng/ người/tháng.

Vừa kết thúc chuyến du lịch tại Tử Nê, Hà Thị Thu Huyền (nhân viên Công ty TNHH FIL Việt Nam) cảm nhận: Nhược điểm lớn nhất trong du lịch homestay ở đây là vấn đề vệ sinh. Từ chăn, gối, đồ dùng cho tới nhà vệ sinh chưa thực sự sạch sẽ, vườn tược rợp cỏ mọc hoang. Dường như làm du lịch cộng đồng tại đây hoàn toàn mang tính tự phát, chưa có kế hoạch bài bản, chỉ khai thác chứ chưa đầu tư.

Trao đổi cùng đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Tử Nê, chúng tôi được biết, hiện nay, xã vẫn chưa có cơ chế cụ thể để giám sát, đào tạo nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng; việc trích quỹ để sử dụng vào tái đầu tư cho các công trình phục vụ du lịch cộng đồng còn bị các hộ dân bỏ ngỏ. Cùng chung quan điểm với lãnh đạo xã Tử Nê, đại diện CECAD cho hay, đây cũng là điều trung tâm trăn trở. Trong thời gian tới, 2 bên sẽ cùng nỗ lực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cho người dân; tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn nhằm định hướng cách làm du lịch để du khách cảm nhận được nét đặc sắc, nét đẹp trong văn hóa cộng đồng bản địa.

H.Y


Các tin khác


Độc đáo động thác Bờ

(HBĐT) - Động thác Bờ nằm trong quần thể di tích Chúa thác Bờ, là điểm dừng chân lý tưởng được nhiều người biết đến, thu hút đông đảo du khách đến chốn Lâm linh đền Bờ, thưởng ngoạn hồ Hòa Bình.

Thưởng thức cá sông Đà

(HBĐT) - Do nguồn nước sông Đà hầu như chưa bị ô nhiễm, tất cả các loại cá sinh sống khu vực sông Đà đều quý. Cũng là các loại cá thông thường như mương, chép, mè, trôi, trắm, rô phi… nhưng sống ở khu vực sông Đà có sức hấp dẫn lạ kỳ.

Lên Hà Giang...không phải mùa hoa tam giác mạch

(HBĐT) - Cách đây cũng khá lâu, khi Nguyễn Phương, một người bạn ở thành phố Hà Giang nhắn nhủ: "Lên Hà Giang đúng vào mùa hoa tam giác mạch, các anh sẽ được đắm mình trong không gian sắc tím nhẹ như miền cổ tích. Lễ hội thì lên nhé.”Lời mời đó khiến bước chân dẫn dụ trở lại một thời nhỏ, khi được ngắm nhìn bức ảnh "Đường về Đồng Văn” vào những năm 70 của thế kỷ trước. Thôi, lên đường, dẫu Hà Giang chưa phải vào mùa hoa tam giác mạch…

Huyện Cao Phong khai thác tiềm năng phát triển du lịch

(HBĐT) - Huyện Cao Phong nằm trên các tuyến đường giao thông thủy, bộ quan trọng, thuận lợi cho việc giao lưu đi lại, phát triển KT-XH của huyện và có hạ tầng cơ sở quan trọng cho phát triển du lịch, dịch vụ như: QL 6A, tỉnh lộ 12B, tỉnh lộ 435B và tuyến đường thủy rất thuận lợi cho việc đi lại trong lòng hồ Hòa Bình và đi đến thành phố Sơn La.

Mê mẩn Xím Vàng

Đến mùa lúa chín năm nay, chúng tôi tìm đến và khám phá vẻ đẹp của Xím Vàng - xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La), một phần thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục