(HBĐT) - Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) được mệnh danh là "Đà Lạt của Tây Bắc” có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Nơi đây có khí hậu cao nguyên trong lành, mát mẻ với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Bản Áng còn lưu giữ được những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa truyền thống kết hợp với sự sáng tạo của đồng bào Thái trong làm du lịch cộng đồng homestay đã tạo cho nơi đây sức hấp dẫn riêng.



Lễ hội Hết Chá được tổ chức hàng năm tại rừng thông bản áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La).

Từ thị trấn Mộc Châu, theo quốc lộ 43 khoảng 2 km về phía nam sẽ đến bản Áng. Nhìn từ trên cao, bản Áng đẹp như bức tranh thủy mặc với những nếp nhà sàn truyền thống nằm thấp thoáng, ẩn hiện dưới bạt ngàn tán lá xanh tươi. Cạnh bản là hồ nước tự nhiên được bao quanh bởi rừng thông. Phía xa xa, khung cảnh cao nguyên Mộc Châu với những đồi chè, đồng cỏ xanh mướt tô điểm cho bản áng thêm lung linh, thơ mộng. Điều đặc biệt khiến nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng là sự thay đổi cảnh quan trong ngày của hồ bản áng. Hồ như tấm gương phản chiếu đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Sáng sớm, mặt hồ được bao phủ bởi màn sương sớm mỏng tinh khôi. Buổi trưa, khi mặt trời lên cao, nắng rực rỡ màu vàng chói chang.

Chiều buông xuống, sương phủ mặt hồ mơ màng se lạnh như mùa thu. Đêm về, sương huyền ảo tĩnh mịch như bóng đêm bí ẩn trong những ngày đông buồn.

Với những tiềm năng sẵn có, từ năm 2009, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình du lịch với sự hỗ trợ của Sở VH - TT&DL tỉnh Sơn La, bản Áng bắt đầu làm quen với du lịch cộng đồng homestay.

Chị Trần Minh Trang, du khách đến từ Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Đến bản Áng, tôi được trải nghiệm ở nhà sàn, nằm đệm bông gạo, lên đồi hái chè, xuống suối bắt cá…Ngoài ra, tôi cùng bạn bè thỏa thích khám phá khung cảnh núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là cưỡi ngựa dạo chơi rừng thông và thưởng thức các món đặc sản địa phương như: rượu cần, cơm lam, cá nướng, bê chao, xôi tình yêu, các món từ rau rừng... Khi màn đêm buông xuống, trong men say của chum rượu cần, chúng tôi được cùng nắm tay trong vòng xòe bên bập bùng lửa trại giữa rừng thông thơ mộng. Tiếng trống rộn ràng, tiếng khèn, những bài dân ca trữ tình đã tạo sức hấp dẫn diệu kỳ đối với du khách.

Bản Áng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống với những điệu xòe thôi thúc mời gọi, những làn điệu dân ca cổ, các lễ hội "Mừng cơm mới” "Hết Chá”... Khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, chùm hoa mạ nở vàng, đồng bào lại tổ chức lễ hội "Hết Chá” diễn ra thường niên từ 23 - 26/3 âm lịch. Theo truyền thống, các nghi lễ trong lễ hội sẽ do các cá nhân, hộ gia đình có điều kiện luân phiên đứng ra tổ chức với sự tham gia của cộng đồng làng bản. Buổi lễ được bắt đầu bằng lời tuyên bố của ông chủ tế. Khi mọi thứ đã ổn định, 3 thầy mo sẽ khấn mời thầy mo về dự lễ. Lễ hội "Hết Chá” là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, có ý thức gắn kết cộng đồng cùng nhau tự tin bước vào mùa vụ mới; đoàn kết làng bản trước mùa xuân sang, mùa của vạn vật cỏ cây đâm chồi nảy lộc, mùa của hoa ban nở trắng rừng, mùa của tình yêu đôi lứa. Đây cũng là ngày lễ tạ ơn đất trời, tạ ơn sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành.

Bản Áng còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm. Đôi bàn tay khéo léo của các cô gái Thái xinh đẹp, cần cù dệt nên những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh tế, đa dạng, nhiều màu sắc. Ngày nay, nghề dệt được đầu tư phát triển hình thành làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Các sản phẩm như chiếc khăn piêu, áo cóm, túi xách… đã tạo được thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Đông Sang.

Vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình, những nét văn hóa truyền thống của người Thái kết hợp với sự sáng tạo trong cách làm du lịch homestay đã tạo nên sức hấp dẫn của bản áng đối với du khách. Huyện Mộc Châu đang kêu gọi và có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư để phát triển du lịch. Trong tương lai, khu du lịch bản Áng sẽ hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa.

 

Thu Thủy


Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục