(HBĐT) - Từ Côn Minh ngược lên thành phố cổ Đại Lý (tỉnh Vân Nam) - một địa danh phía Tây Nam Trung Quốc vào đúng buổi trưa nắng rực rỡ. Nơi miền cao cách mặt nước biển 2.000 m, nắng giữa một ngày đông vàng ruộm như rót mật xuống thung lũng thành phố. ùa vào mắt là những hàng cây hạnh ngân, liễu vàng rực như dát vàng, hòa màu tím đỏ của hoa Đào Đông trải dài dọc những con phố cổ. Cỏ cây, hoa lá như reo ca, chào đón. Không tòa nhà nào vượt quá 3 tầng, mái ngói cong vút màu nâu, rêu phong cổ kính; trộn lẫn màu trắng của những bức tường mang đậm màu sắc yêu thích của dân tộc Bạch nơi đây.


Tam Tháp - được coi là biểu tượng của thành phố cổ Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc).

 

Những cư dân thân thiện, hiền hòa và nhẹ nhàng như chính thành phố nhỏ dưới chân dãy núi Điểm Thương. Cô hướng dẫn viên du lịch họ Dương miệng cười, mắt cười, giọng trong vắt, say sưa kể về thành phố quê hương. "Chúng tôi hy vọng thành phố cổ Đại Lý sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, khó quên”… Đại Lý thực chất là thủ phủ của châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, Đại Lý từng là trung tâm chính trị - văn hóa - lịch sử của tỉnh Vân Nam. Du khách đến Đại Lý đều biết đến 2 phần: phía phố mới hiện đại và phía cổ thành nhuốm màu thời gian xưa cũ cùng nét độc đáo không thể trộn lẫn…

 

Tam Tháp - Chưa đến coi như chưa đến Đại Lý

 

Mùa này, du khách dập dìu đến khu du lịch Tam Tháp - chùa Sùng Thánh đông hơn mọi khi. Trong trang phục sặc sỡ của dân tộc Bạch, cô hướng dẫn viên trẻ trung trò chuyện với nhóm du khách châu âu: "Chưa đến Tam Tháp coi như chưa đến Đại Lý… Bởi Tam Tháp là sự kết nối với thành cổ, phố cổ Đại Lý cùng cuộc sống của dân tộc Bạch từ hàng nghìn năm qua ở vùng núi cao này”. Trong khuôn viên rộng 60 ha dưới chân núi Điểm Thương, bạt ngàn cây cối đang giao mùa, 3 tháp - công trình kiến trúc cổ, độc đáo hiện lên nổi bật giữa trời xanh. Tháp Thiên Thuần 16 tầng, cao 69, 13 m được xây dựng từ thời nhà Đường. Hai tháp còn lại 11 tầng, cao 42,19 m, được xây dựng vào đời nhà Tống.

Theo người dân bản địa, dù đã trải qua 30 trận động đất nhưng suốt 13 thế kỷ qua, Tam tháp vẫn uy nghi trụ vững cùng đất trời. Câu chuyện tạo dựng tháp bằng công nghệ gì vẫn còn là điều bí ẩn cho nhiều du khách. Điều kỳ thú là trong quần thể này còn có khá nhiều ngôi chùa cổ kính với những pho tượng khổng lồ. Sùng Thánh Tự được xem là lớn nhất Trung Quốc với 3 ngôi chính điện, 9 điện thờ và 11.400 tượng Phật, La Hán vừa đúc bằng chất liệu đồng, vừa dát vàng… Khu vực này còn là nơi phim trường của bộ phim "Thiên Long Bát độ” gắn với bộ tiểu thuyết kiếm hiệp cùng tên của Kim Dung.

Những chỉ dẫn, giới thiệu về địa danh này không chỉ bằng tiếng Trung mà còn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn… điều khác biệt so với một số danh thắng khác ở nơi này. Đứng phía tòa tháp nhìn những chiếc máy bay lên xuống ở sân bay Đại Lý cũng thật thú vị…

 

Nhĩ Hải Hồ - gặp biển trên vùng núi cao…

 

Từ trên núi cao Thương Sơn nhìn xuống, hồ trông giống như một vành tai nên không khó hiểu với cái tên "Nhĩ Hải Hồ”. Anh Hoàng Trấn - một người bạn mới gặp khẳng định như đinh đóng cột: "Đến đây mà không đến hồ Nhĩ Hải coi như chưa biết hết… Đại Lý”. Hiếm có thành phố nào trên thế giới lại có đặc ân khi nằm sát một hồ lớn, rộng hàng trăm km2 (dài 42 km, rộng từ 6 - 9 km, nơi sâu nhất 22 m, trung bình có độ sâu 10 m). Hồ trải dài như ôm trọn, bao học thành phố và những thị trấn, thị tứ, xóm làng. Hồ Nhĩ Hải lớn thứ 7 ở Trung Quốc và lớn thứ 2 ở Vân Nam.

Anh Dương, người dân bản địa chia sẻ: "Tôi lái tàu chở khách thăm quan Nhĩ Hải đã gần 15 năm. Hôm nay, là sóng nhẹ thôi, nhiều hôm gió lộng, sóng mạnh không khác gì sóng biển”. Đúng, gọi là sóng nhẹ nhưng có khác gì biển đâu, khi lớp lớp sóng ào vào bờ, khi hàng trăm con chim Hải âu chao liệng trên đỉnh sóng, đỉnh tàu khách. Phía sát bờ, những đàn chim le le cũng ngụp lặn góp vào điểm nhấn ấn tượng cho hồ Nhĩ Hải.

Anh Dương cho biết thêm: "Hàng năm, Hải âu đến và đi theo mùa. Tháng 3 âm lịch, là mùa chim di”… Chim di theo mùa, nhưng du khách đến đây thì quanh năm, đông nhất vào các dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, nghỉ đông và ngày Quốc khánh.

Một vị khách nhìn xa xăm về phía cuối nguồn chia sẻ: "Hồ Nhĩ Hải cũng là một trong các nguồn nước đổ vào dòng Lan Thương, rồi hòa vào dòng Mê Kông huyền thoại chảy về xuôi”… Người tài công còn náo nức chia sẻ thêm: "Nếu các bạn trở lại vào những đêm trăng huyền diệu, ngồi thuyền câu sẽ thấy ánh trăng ở hồ Nhĩ Hải thật đẹp, lung linh hơn bao giờ hết”. Tiếng người, tiếng sóng, tiếng chim xao xác… hòa trong tiếng gió khiến chuyến du thuyền trên hồ Nhĩ Hải thật khó quên… Đúng như mệnh danh "Thiên đường nơi hạ giới” theo nhìn nhận của người Bạch.


   Những cánh chim hải âu ở Hồ Nhĩ Hải

Ba chén chè của người dân tộc Bạch…

 

Cả Đại Lý, cư dân có chừng 3, 5 triệu người, trong đó, khu vực cổ Thành có khoảng 600.000 người, hầu hết là dân tộc Bạch - 1 trong 10 dân tộc ở Đại Lý. Hôm đến Hỷ Châu cổ trấn, một làng cổ kính của dân tộc Bạch, chúng tôi được mời uống trà theo phong cách "Tam trà đạo”… Mỗi vị khách được mời 3 chén trà. Chén thứ nhất thấy đắng, chén thứ hai thấy ngọt và chén thứ ba là chén ngẫm nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, về những gì đã trải qua… Từ nghi lễ đón khách đặc sắc của dân tộc Bạch, câu chuyện về người Bạch đã thu hút sự tò mò, thích thú của nhiều người, nhất là "con đường Trà đạo” nối lên Tây Tạng cách đây 800 năm, cuộc sống sinh hoạt của người Bạch trong nhịp sống hiện đại… Mỗi nếp nhà cổ, nét kiến trúc đều mang ý nghĩa.

Cô Dương nhắc: Khi bước vào nhà của người Bạch không nên dẫm lên bậc cửa mà phải bước qua. Còn trước mỗi ngôi nhà, nhìn lên trang trí nếu thấy con long xếp trên cao hơn con phượng thì chủ nhà cầm trịch là đàn ông. Còn ngược lại do người phụ nữ là chủ nhà. Nhưng ở Đại Lý, hầu hết các ngôi nhà đều do phụ nữ làm chủ. Người phụ nữ được tôn vinh. "Phụ nữ là thiên đường của đàn ông đấy. Câu này được người Đại Lý thích thú lắm” - Cô Dương hướng dẫn viên du lịch cười giòn tan cho hay.

Đàn ông lo việc ở nhà, thậm chí cơm nước, chăm con, còn phụ nữ ra ngoài xã hội để làm ăn, kiếm sống, lập nghiệp. Đàn ông dân tộc Bạch rất khéo tay trong nghề thủ công (đồ mộc, mỹ nghệ vàng bạc…

Đi trong đêm phố cổ, bóng dáng các cô gái người dân tộc Bạch trong trang phục rực rỡ hướng dẫn du khách lựa chọn đồ thấy bình yên quá đỗi. Tiếng các cô hòa vào tiếng róc rách của 2 dòng suối nhỏ trong vắt, được dẫn từ hồ Nhĩ Hải chảy 2 bên đường khiến không gian như ngừng trôi. Tất cả những tuyến phố đều rực lên trong ánh điện, ánh lá cây hạnh ngân mùa lá vàng… Bên kia đường, 3 chàng trai người dân tộc say sưa nhảy với màn làm kẹo kéo theo tiếng nhạc sôi động. Còn góc đường kia, một cửa hiệu trống cổ đang bập bùng tiếng vỗ của nghệ nhân. Người đi đường cứ đi, người bán hàng - kiêm chơi trống vỗ theo nhịp chân du khách. Không vội vàng hay tấp nập thái quá, không vồ vập, chèo kéo, nhịp sống người phố cổ Đại Lý cứ vậy trôi, chảy vào tiếng sóng đêm bất tận của hồ Nhĩ Hải phía xa…

Đêm như dài ra, tiếng hát của cô Dương, hướng dẫn viên du lịch bỗng trở nên da diết hơn. Cô nói (qua phiên dịch): "Mai đoàn về rồi, muốn hát tặng 1 bài hát về quê hương Đại Lý. Đây là bài hát trong bộ phim Ngũ bông kim hoa: "Tháng ba sang năm, mùa xuân hoa nở / Em lên núi Điểm Thương đến bên dòng suối uyên ương hồ điệp, đợi anh /Anh nhớ đến tìm em là Kim Hoa, anh nhé!”… Lời mời chào tình tứ, tha thiết gắn với một mùa xuân và lễ hội tình yêu của người dân tộc Bạch nơi vùng núi cao khiến lòng du khách lâng lâng, ấm áp. Không thể hiểu hết Đại Lý chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi nhưng những gì đã biết lại hết sức ý nghĩa, ấn tượng, đáng nhớ. Đại Lý gió lộng, sương khói, Đại Lý quyến rũ, mê hoặc, ân tình… Đó cũng là điều dễ hiểu khi châu Đại Lý có 3, 5 triệu dân nhưng hàng năm đều đón 7 triệu lượt du khách.


Người dân tộc Bạch ở Đại Lý (Vân Nam) lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa dân tộc (trang phục, nghệ thuật, phong tục tập quán…).

 Tưởng Văn

 

Các tin khác


Phú Quốc khai trương cáp treo vượt biển dài nhất thế giới

UBND tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc và Tập đoàn Sun Group đã khai trương tuyến cáp treo ba dây hiện đại nối thị trấn An Thới với đảo Hòn Thơm - hòn đảo lớn nhất cụm đảo An Thới ở phía Nam đảo Ngọc.

Vân Hồ sẵn sàng cho Ngày hội hoa đào năm 2018

Theo kế hoạch, Ngày hội hoa đào năm 2018 huyện Vân Hồ diễn ra trong 2 ngày (2 và 3 tháng 2) dự kiến tổ chức tại sân vận động bản Pa Kha, xã Lóng Luông, với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, học sinh các dân tộc huyện Vân Hồ.

Phát triển tour du lịch tâm linh trải nghiệm Hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Khu du lịch hồ Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với diện tích mặt nước 8.000 ha. Hồ có nhiều đảo lớn, nhỏ với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, gắn với các điểm du lịch tâm linh. Nhằm phát huy lợi thế, tỉnh Hòa Bình đã và đang đầu tư phát triển du lịch tâm linh trải nghiệm vùng hồ Hòa Bình. Nhằm đưa du lịch Hòa Bình trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đào Nhật Tân khoe sắc rạng rỡ trên cao nguyên Lâm Đồng

Lâm Hà – cái tên gợi nhớ đến Hà Nội và Lâm Đồng, là vùng đất mà người Hà Nội đã di cư vào từ những năm 1954. Nhờ có khí hậu tương đối mát mẻ nên loài đào Nhật Tân đã được di thực đến và gây trồng. Những ngày cuối năm, hoa đào chúm chím nở, khoe sắc hồng rạng rỡ tạo nên một khí Tết xứ Bắc nơi cao nguyên.

Hấp dẫn du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là hồ lớn nhất Đông Nam Á, là 1 trong 47 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng thủ đô, vùng trung du miền núi Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình

Thăm Đà Lạt mùa hoa mai anh đào nở

(HBĐT) - Tạm biệt cái lạnh của mùa đông Tây Bắc, tôi chọn Đà Lạt là điểm đến trước khi xuân sang. Đặt chân xuống sân bay Liên Khương, không khí ấm áp, trong lành khiến chúng tôi cảm thấy hứng khởi, dễ chịu. Từ sân bay Liên Khương về trung tâm thành phố Đà Lạt, dọc hai bên đèo Prenn, trên các triền đồi ngoại ô bắt đầu xuất hiện những bông hoa mai anh đào khoe sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục