Các nghệ nhân trao đổi về tác phẩm "12 con giáp” của nghệ nhân Trần Văn Thuần - làng nghề xã Lâm Sơn (Lương Sơn).
Những ngày cuối năm, không khí tại làng nghề tất bật, rộn rã hơn. Đưa chúng tôi đi thăm các hộ làm nghề, ông Bùi Văn Diệp, Trưởng xóm Đoàn Kết giới thiệu: Nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh xuất hiện ở xóm cách đây mấy chục năm, đầu tiên là làm đá cảnh, sau mới làm gỗ lũa. Tuy xuất hiện sau nhưng nghề làm gỗ lũa lại phát triển nhanh, mạnh, chiếm ưu thế hơn so với nghề chế tác đá cảnh. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay, làng nghề phát triển lên 51 hộ, trong đó có khoảng chục hộ làm đá cảnh, còn lại làm nghề gỗ lũa. Từ chế tác đơn giản, đến nay, nhiều sản phẩm của làng nghề đạt đến độ tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao. Thời điểm cuối năm, nhiều hộ tham gia hội chợ thương mại, hội chợ xuân ở các tỉnh, thành phố nên khá bận rộn, khó gặp.
Kết nối điện thoại với anh Đoàn Xuân Thành, trưởng làng nghề, anh cho biết đang đi hội chợ ở Phúc Thọ - Sơn Tây sau đó có thể đi tiếp hội chợ ở Nam Định, Thái Nguyên... Hội chợ này làng nghề có 7 gian hàng. Tuy bận đi hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhưng tại các xưởng chế tác vẫn duy trì hoạt động. Những người thợ miệt mài đục, đẽo, tạo hình, tạo dáng, thổi hồn vào những gốc cây, cành cây đơn điệu cho ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Tại xưởng của anh Trần Văn Thuần, hàng trăm sản phẩm đã, đang được hoàn thiện, anh đang sắp xếp để chuẩn bị tham gia các hội chợ. Dịp này đi hội chợ xuân thường đến giáp Tết. Qua trò chuyện, anh chia sẻ: Không phải ngay từ đầu làng đã hình thành nghề làm gỗ lũa, khởi nguồn là từ một vài hộ chơi, bán các loại gốc cây, rễ cây ở dạng phôi, để gần như tự nhiên, sau đó từng bước chỉnh sửa cho sản phẩm đẹp hơn, dần dần phát triển thành nghề. Quá trình hình thành nghề cũng do tự học, tự làm là chính, rồi người biết làm chỉ dạy cho người chưa biết làm, học hỏi lẫn nhau mà số lượng người làm nghề ngày một tăng thêm. Bản thân tôi phải trải qua gần 10 năm đi làm thợ, vừa học vừa làm đến năm 2008 mới tách ra tự làm chủ.
Theo anh Thuần, để có một sản phẩm gỗ lũa đẹp cùng với đôi tay khéo léo thì sự cảm nhận, trí tưởng tượng của người thợ hết sức quan trọng. Khi nhìn vào gốc cây, cành cây, người thợ phải hình dung được có thể làm ra sản phẩm gì. Điều này thật sự rất khó và chỉ có trí tưởng tượng của người thợ mới tạo ra được sản phẩm. Cùng một nguyên liệu nhưng dưới bàn tay, khối óc của mỗi người thợ lại cho sản phẩm khác nhau. Chính vì thế mà với trí tưởng tượng phong phú, đôi bàn tay khéo léo của những người thợ, nghệ nhân đã biến những gốc, cành cây xù xì, thô ráp, đơn điệu thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang đầy tâm hồn, cốt cách. Sản phẩm từ đơn giản, không cầu kỳ, ít đường nét mà ngày càng đạt đến độ tinh xảo, tính nghệ thuật cao. Ban đầu là sản phẩm gỗ lũa đơn thuần, tay nghề nâng lên làm hàng mỹ nghệ cao cấp, rồi kết hợp cả mỹ nghệ, lũa trong một sản phẩm… Nhiều sản phẩm đã đoạt các giải thưởng lớn tại các hội thi, festival như tác phẩm "Thần kim quy” của nghệ nhân Trần Văn Thể đoạt giải A tại nhiều triển lãm, festival sinh vật cảnh trong nước. Tác phẩm "Ngũ phúc” của nghệ nhân Bạch Văn Đức, đoạt huy chương vàng Festival hội làm vườn và sinh vật cảnh tỉnh lần thứ nhất năm 2016 - một hoạt động trong chuỗi Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh...
Nghệ nhân Bạch Văn Đức, Phó trưởng làng nghề cho biết: Hầu hết sản phẩm được làm thủ công, không dùng máy móc để sản xuất hàng loạt được. Có sản phẩm làm nhanh nhưng cũng có sản phẩm phải mất hàng tháng mới hoàn thành. Mỗi thế lũa là độc nhất vô nhị nên mỗi sản phẩm dù đơn giản hay phức tạp, có thể chỉ là một cái gạt tàn nhỏ, ống đựng tăm, một bình hoa, bộ bàn ghế, tấm bản đồ Việt Nam hay tượng phật di lặc, thần tài, ngũ phúc tùng hạc, 12 con giáp… đều được thể hiện chau chuốt, tinh xảo, không cái nào giống cái nào, không lặp lại cái thứ hai. Nét độc đáo đã tạo cho mỗi sản phẩm thấm đẫm chất nghệ thuật. Hiện làng nghề có 51 hội viên, 6 nghệ nhân, trong thời gian tới, làng nghề sẽ thu hút thêm thành viên, đến năm 2020 có khoảng 100 hộ tham gia. Đồng thời xây dựng trang web giới thiệu, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường, cung cấp sản phẩm tinh xảo đến khách hàng trong nước và nước ngoài.
ông Bùi Văn Diệp, Trưởng xóm Đoàn Kết cho biết thêm: Hoạt động làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Năm 2017, bình quân thu nhập đầu người của xóm đạt 30 triệu đồng, trong đó, nhiều hộ làng nghề có thu nhập bình quân gấp đôi, gấp ba bình quân chung của xóm.
Xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) quanh năm làm nông nghiệp. Bà con dân tộc Mường nơi đây cũng như nhiều nơi khác trong vùng có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng cuộc sống hiện đại đến với các làng quê nên nghề dệt dần mai một. Với mong muốn khôi phục nghề dệt truyền thống và đưa những sản phẩm thủ công trở thành hàng hóa, năm 2010, chị Dương Thị Bin đã thành lập Công ty TNHH Lục Nghiệp Thành chuyên SX -KD những sản phẩm thổ cẩm. Chị Bin chia sẻ: Dệt thổ cẩm là niềm đam mê của tôi. Từ xưa đến nay phụ nữ trong làng luôn gắn bó với nghề dệt nên tôi mong muốn gìn giữ được nghề và truyền dạy cho mọi người. Cơ hội đến là năm 2008, Hội LHPN huyện hỗ trợ 50 triệu đồng từ quỹ giải quyết việc làm giúp 50 hội viên phụ nữ xã với mức 1 triệu đồng /người để làm khung cửi. Chị bàn với gia đình quyết định thành lập Công ty, mạnh dạn đầu tư, tìm bạn hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm, giúp nhiều chị em có việc làm. Khi mới thành lập, Công ty đối mặt với không ít khó khăn. Số chị em thành thạo nghề dệt không nhiều, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm nên chị em không mấy mặn mà với nghề. Chị Bin đã kiên trì đến từng gia đình vận động chị em, thành lập tổ gồm những nghệ nhân giỏi để hướng dẫn, hỗ trợ chị em về kỹ thuật, tích cực xin các nguồn hỗ trợ phát triển nghề truyền thống. Được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ 2 lớp dạy nghề cho 200 học viên, sau khóa học được cấp chứng chỉ. Có nguồn lao động, chị Bin năng động tìm thị trường tiêu thụ, tham gia các hội chợ trong, ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Bằng tấm lòng của người con đất Mường mang sản phẩm của dân tộc mình đi chào hàng, bước đầu chị Bin đã thành công. Sản phẩm của chị em làm ra đều bán hết. Đến nay, Công ty có nhiều thợ dệt lành nghề, sản phẩm ngày càng đa dạng, tinh xảo, màu sắc, hoa văn đẹp mắt, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng như khăn, váy, áo thổ cẩm, túi xách, mũ, túi đựng điện thoại… Hiện, Công ty đã hình thành 6 tổ sản xuất với hơn 600 khung dệt trong xã và các xã lân cận, mỗi năm sản xuất trên 50 nghìn sản phẩm, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm chị em với mức thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng /người/tháng. Đặc biệt, tháng 12/2012, xóm Lục được công nhận làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đầu tiên của tỉnh. Chị Bin lại không ngừng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đưa thổ cẩm làng Lục có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước như: Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh…
Rời làng nghề trong ánh nắng chan hòa giữa ngày đông lạnh giá, tin tưởng rằng với lòng yêu nghề, tinh thần gìn giữ nghề truyền thống của những nghệ nhân sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy làng nghề ngày càng phát triển hơn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn, giải quyết việc làm, XĐ-GN, xây dựng NTM. Để mỗi mùa xuân sang, nhịp sống của các làng nghề thêm sôi động, rộn ràng, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc, độc đáo làm đẹp cho đời.
Chị Dương Thị Bin (thứ hai bên trái) giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).
Hà Thu
(HBĐT) - Chợ Tết vẫn là nơi mua sắm lý tưởng được bà con lựa chọn trong những ngày giáo Tết
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là hồ lớn nhất Đông Nam Á, là 1 trong 47 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng thủ đô, vùng trung du miền núi Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình