(HBĐT) - Thác Trăng, xã Do Nhân (Tân Lạc) được biết đến là một trong những thác nước đẹp của tỉnh. Nhìn từ xa đã thấy thác nước từ trên cao chảy xuống tung bọt trắng xóa tựa như một dải lụa trắng. Có người đã ví: đứng từ xa chiêm ngưỡng, thác Trăng đẹp giống như nàng công chúa ngủ quên trong rừng.


Du khách thích thú khi đến thăm quan và trải nghiệm tại thác Trăng (Tân Lạc).

Theo các cụ cao niên trong vùng truyền lại, thác Trăng có từ lâu lắm rồi. Có lẽ từ thời đẻ đất, đẻ nước. Dòng suối Trăng bắt nguồn từ núi Bó Bụt, thuộc dãy núi đá hùng vĩ của xã Do Nhân. Tại đây có 2 mạch nước ngầm lớn từ lòng núi phun lên. Nước từ đây chảy xuống, lọc qua khe đá, rễ cây rừng nên trong vắt. Hai mạch nước đổ thành những dòng suối nhỏ chảy dọc theo những thửa ruộng bậc thang rồi hợp thành dòng suối Trăng.

Suối Trăng chảy quanh co, xuôi về thung lũng bên dưới, qua địa hình gập ghềnh nơi cao, nơi thấp. Ở mỗi điểm địa hình phân bậc, dòng suối lại tạo ra một điểm thác. Đến với suối Trăng và thác Trăng, du khách sẽ cảm nhận được các vẻ đẹp riêng theo mùa. Khi mùa khô đến thác nước khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng, dòng thác như buông nhẹ xuống hồ nước trong xanh và suối chảy róc rách. Còn khi mùa mưa về, dòng thác mang vẻ đẹp hùng vĩ, dòng nước tuôn đổ ầm ầm, tung bọt trắng xóa.

Thác Trăng có tới 3 điểm thác, điều đó tạo ra những điều mới lạ, hấp dẫn, càng khám phá khiến càng hứng thú như bị hút hồn. Với dòng nước mát chảy mãi không ngừng, nơi đây được ví như chốn bồng lai, tiên cảnh giữa đại ngàn. Tại điểm thác thứ nhất, nước từ dòng suối chảy tràn trên lớp đá trầm tích, rồi từ độ cao 5 m đổ theo vách đá, tung bọt trắng xóa như vũ điệu của núi rừng. Đứng ở chân thác, du khách không khỏi ngới lời trầm trồ khen ngợi một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, những màn nước buông xuống tạo thành dải trắng xóa đẹp mắt, dòng nước mang theo luồng không khí đầy bụi nước. Ngay dưới chân thác có hồ nước sâu hơn 2 m. Phía dưới điểm thác thứ nhất, dòng suối hiền hòa chảy róc rách dưới tán cây. Theo dòng nước chảy về phía hạ nguồn khoảng 200 m hướng Đông Nam, điểm thác thứ 2 của thác Trăng hiện lên lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nếu điểm thác thứ nhất được ví như một chàng trai khỏe khoắn, năng động thì điểm thác thứ hai tựa như một thiếu nữ e thẹn, giấu mình dưới bóng cây, không ào ạt mà nhẹ nhàng, đằm thắm. Tiếng nước chảy qua từng bậc đá, tiếng lá cây xào xạc và tiếng chim hót trong trẻo... tất cả như hòa vào nhau, tạo nên một bản nhạc sống động. Cũng như dưới chân điểm thác thứ nhất, ngay dưới chân điểm thác này sau bao năm nước chảy xuống đã tạo một bể bơi tự nhiên. Mực nước ở đây rất sâu và xanh. Vì vậy, du khách có thể nhảy xuống vùng vẫy thỏa thích trong dòng nước mát lành, tinh khiết.

Sau khi thỏa sức bơi lội với dòng nước trong xanh, du khách đi tiếp theo dòng suối đến điểm thác thứ 3. Đây là điểm thác đẹp nhất trên dòng suối Trăng - là nơi hội tụ của những dòng nước len lỏi trong những cánh rừng, triền ruộng bậc thang cách hàng km đổ về đây. Thác có vẻ đẹp nên thơ, với ngọn thác đổ xuống mạnh mẽ tạo thành một dải lụa trắng xóa đẹp tuyệt. Đến đây du khách như lạc vào một thế giới khác, một thế giới huyền ảo như chốn bồng lai tiên cảnh. Thác thứ 3 được chia thành 5 tầng, với độ lồi lõm và phân khúc nhìn thấy rõ. Vì vậy, vào mùa nước, thác chảy ầm ầm, tung bọt trắng xóa nhìn kỳ vĩ và đẹp mắt, nước chảy xuống qua 5 tầng vách đá uốn lượn tựa như một mái tóc tiên trải dài.

Thác nước ở tầng thứ nhất cao 3 m đổ xuống, tung bọt trắng xóa giữa màu xanh tươi mát của thiên nhiên. Ở tầng thứ 2, thứ 3 có độ dốc thoai thoải với những bậc lên xuống, nước chảy tuôn trào. Đến tầng thứ 4 và thứ 5, dòng nước uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh dưới tán cây cổ thụ, trong khung cảnh hoang sơ đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ngoài vẻ đẹp hiếm có, điểm nhấn của điểm thác này chính là đoạn chân thác, sau bao năm nước chảy xuống đã tạo ra vịnh nước trong xanh giống một bể bơi tự nhiên khá rộng. Mực nước ở đây chỉ hơn 1 m nên du khách có thể thỏa sức bơi lội. Đây cũng là một trong những điểm tắm của du khách khi đến thăm thác Trăng. Đắm mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh, lắng tai nghe tiếng gió, tiếng nước, mọi mệt mỏi của tuyến đường dài, của cuộc sống như bị lãng quên.

Ghé thăm thác Trăng vào bất cứ thời điểm nào trong năm cũng đều khiến du khách hài lòng vì hầu như lúc nào nơi đây cũng đẹp, mê đắm lòng người. Mùa mưa ở thác Trăng kéo dài từ tháng 4 tới tháng 9. Đây là thời điểm nước thác cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa vô cùng hùng vĩ. Từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa khô, dòng nước hiền hòa, thanh bình hơn, các cung đường phượt cũng dễ đi lại hơn.

Cho đến nay, thác Trăng vẫn còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ. Cũng bởi vậy, nơi đây phù hợp với những ai thích phiêu lưu, đam mê khám phá. Du khách có thể đến và tận hưởng cảm giác thư thái, dễ chịu của một chuyến đi trở về với thiên nhiên, hòa mình và tận hưởng sự trong lành, khoáng đạt của núi rừng.

Hồng Ngọc


Các tin khác


Ngành du lịch tỉnh tăng cường phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra

(HBĐT) -   Ngay từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Sở VH - TT&DL tỉnh đã tích cực tuyên truyền tới các đơn vị kinh doanh và khách du lịch về cách phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 23/1 - 29/1 (tức ngày 29/12/2019 - 5/1/2020 Âm lịch) tổng khách du lịch đến tỉnh ước khoảng 95.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 4.100 lượt khách và khách nội địa là 90.900 lượt khách. Theo ghi nhận của Sở VH-TT&DL thì trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm ngày 3/2 không phát hiện bất cứ trường hợp khách du lịch nào có triệu chứng nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra.

Ngành du lịch cần chuẩn bị phương án phục hồi khi hết dịch nCoV

Theo các doanh nghiệp du lịch, khách sạn tại Hà Nội, nhiều đoàn khách hủy tour đến cuối tháng 3, thậm chí đến cuối tháng 4 trước thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Hương sắc Miền Đồi

(HBĐT) - Những ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp về xã Miền Đồi (Lạc Sơn). Nhìn từ trên cao, Miền Đồi đẹp như một bức tranh sơn thủy, yên bình. Những cung ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại quanh các sườn đồi như những con sóng. Hương sắc mùa xuân lan tỏa khắp vùng, cuộc sống người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Hòa Bình đón 95 nghìn lượt khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán

(HBĐT) - Trong 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán, từ ngày 23/1 - 29/1 (tức ngày 29/12/2019 - 5/1/2020 âm lịch), tổng khách du lịch đến Hòa Bình ước khoảng 95.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 4.100 lượt khách và khách nội địa là 90.900 lượt khách. Tổng thu nhập từ du lịch ước đạt 42 tỷ đồng.        

Sắc màu du lịch vùng đất “chén vàng”

(HBĐT) - Huyện Kim Bôi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Huyện có nguồn nước khoáng nóng quý giá được thiên nhiên ban tặng, được đánh giá là một trong những nguồn nước khoáng tốt nhất Đông Nam Á. Đây là tiềm năng, thế mạnh để vùng đất "chén vàng” phát triển du lịch. Theo đó, cùng với 2 huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, huyện Kim Bôi trở thành cụm du lịch trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Lượng khách quốc tế đến Hà Nội giảm nhẹ

Theo Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách quốc tế đến Hà Nội trong những ngày tết Nguyên đán Canh Tý giảm nhẹ do nhiều đoàn khách Trung Quốc hủy tour.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục