(HBĐT) - Nơi đây, thời gian như dừng lại. Đến hơi thở, nhịp tim của con người dường như cũng thật nhẹ êm để hòa vào bầu không khí an yên, tịch lặng của khu phố cổ. Lần nào đến với Hội An - và chỉ khi đến với Hội An, tôi mới cảm nhận được sâu sắc sự bình yên trong tâm hồn. Sự bình yên làm mềm con tim, khiến tôi cảm thấy từng giọt thời gian đang ngưng đọng…


 Du khách trải nghiệm ở Hội An (Quảng Nam).

 Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Đây từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII, XVIII. Cho đến nay, đô thị cổ Hội An vẫn được xem là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống Đông Nam Á, duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, nơi thể hiện sinh động nền văn hóa giao thoa Đông - Tây, hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa và chính vì thế, năm 1999 đã vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Anh Lưu Hà Nguyên là một nhiếp ảnh gia tự do đang sinh sống tại thành phố Berlin (Đức) tâm sự: Lần nào về Việt Nam, dù bận đến mấy tôi cũng phải sắp xếp thời gian để đến phố cổ Hội An "săn ảnh”. Đây là lần thứ 8 tôi trở lại nơi này. Hội An luôn thu hút tôi theo một cách rất đặc biệt. Không chỉ là những giá trị văn hóa đa sắc màu, những công trình kiến trúc cổ tuyệt đẹp, mà đến cả những món ăn, nụ cười của người dân bản địa cũng khiến tôi đặc biệt yêu mến.

Quả thật, phố cổ Hội An luôn biết cách khiến biết bao du khách mềm lòng và hẹn ngày quay lại. Ấn tượng nổi bật đầu tiên có lẽ là hàng loạt công trình kiến trúc "độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Đúng với đặc trưng của một đô thị cổ điển hình, phần lớn những ngôi nhà ở Hội An là kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc… minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị Hội An. Đây là Hội quán Phúc Kiến - được khởi công xây dựng năm 1679, nơi có những bức hoành phi được chạm trổ tinh xảo; là Hội quán Quảng Đông - được khởi công xây dựng năm 1885, sở hữu kiến trúc hài hòa với những họa tiết trang trí công phu, tinh xảo; là Nhà thờ tộc Trần với những nét kiến trúc rất đặc trưng, được xem là một trong những nhà thờ cổ nhất với hàng trăm năm tuổi; là Nhà cổ Phùng Hưng - có tuổi đời hơn 100 năm, được xây dựng từ thế kỷ XIX với kết cấu đặc biệt; đây là Nhà cổ Tần Ký với phong cách kiến trúc độc đáo, kết hợp 3 nền văn hóa Trung - Nhật - Việt, các hoa văn và họa tiết đều được các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng khắc họa theo phong cách triết lý Phương Đông, là một trong những ngôi nhà cổ được vinh danh là di sản văn hóa quốc gia. Chùa Cầu - nằm ngay trung tâm phố cổ, vắt ngang dòng sông Hoài mộng mơ, là biểu tượng không thể tách rời mỗi khi nhắc đến Hội An… Tất cả những di tích kiến trúc đặc biệt đó đang được lưu giữ gần như nguyên vẹn với số lượng lên đến hơn 1.000 công trình, cùng tạo nên một quần thể phố Hội An vừa cổ kính vừa đa sắc, vừa hài hòa vừa nổi bật.

Không chỉ sở hữu một quần thể công trình kiến trúc tuyệt vời, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục, tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, ẩm thực, nghề truyền thống… vẫn đang được bảo tồn và phát triển, tạo nên một "bảo tàng sống” về kiến trúc, lối sống đô thị cổ. Với phương châm dựa vào Nhân dân để phát triển du lịch di sản một cách bền vững, nơi đây đã chú trọng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với sự tham gia tích cực của người dân. Cùng với sự vào cuộc hiệu quả của ngành du lịch, người dân Hội An đã chung tay xây dựng một hình ảnh du lịch Hội An hấp dẫn du khách bởi chính những giá trị cổ truyền độc đáo, nổi bật của riêng mình. Nơi đây, dường như dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái không khí cổ xưa đã được kiến tạo từ hàng trăm năm trước. Những mái ngói màu nâu cũ phủ đầy rêu phong, trầm mặc khi ánh hoàng hôn buông xuống. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, dãy phố dọc hai bên bờ sông Hoài đẹp lung linh, ngập trong sắc đỏ đèn lồng, đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước. Thế giới đó giúp ta cảm nhận được sâu sắc, trọn vẹn những giá trị dường như bất biến trước thời gian. Thế giới đó khiến ta cảm thấy thời gian đang ngưng đọng, thấy con tim thật bình yên trước một Hội An không tuổi.

 

Thu Trang

Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục