(HBĐT) - Hà Giang là mảnh đất biên cương, địa đầu cực Bắc Tổ quốc, nơi hội tụ 19 dân tộc anh em với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo đang được gìn giữ, phát huy. Đây cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đó không chỉ là tài sản quý giá để thúc đẩy phát triển KT-XH, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.


Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) - dấu ấn linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch độc đáo, gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp (TP Hà Giang, các huyện: Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, nông nghiệp, nhất là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh. Tiếp đến là không gian du lịch đồi núi đất phía Tây, gồm các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, gắn với di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cùng các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng. Riêng không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc trải dài 4 huyện, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là vùng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia; nơi đây gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa và thể thao mạo hiểm. Đặc biệt, Hà Giang còn là 1 trong 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam do hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn đầu năm 2021. Những yếu tố đó đã kết tinh lợi thế để Hà Giang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không khói, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách.

Hà Giang được du khách biết đến với nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn, như: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế… Trong những năm gần đây, nhờ các chính sách phát triển du lịch hiệu quả, Hà Giang đã trở thành một trong những địa phương phát triển du lịch cộng đồng nổi bật nhất cả nước, cung cấp nhiều trải nghiệm, khám phá về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, thu hút du khách trong, ngoài nước. Nhiều khu, điểm du lịch đã, đang được đầu tư xây dựng quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, như: khu nghỉ dưỡng H’Mông Village và làng văn hóa du lịch Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); làng văn hóa du lịch Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) gắn với văn hóa truyền thống dân tộc Dao Đỏ, hay làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn) gắn với văn hóa truyền thống dân tộc Mông…

Nói về ẩm thực Hà Giang khi trải nghiệm các không gian du lịch, chị Nguyễn Vân Anh, Việt kiều trở về từ thủ đô Praha, Cộng hòa Séc chia sẻ: Đồng bào vùng cao ở Hà Giang thường sử dụng các vật dụng như ống tre, nứa, lá chuối, bếp than củi… để nấu món ăn. Tận dụng nguyên liệu từ rừng cũng là một cách đặc biệt để tạo nên hương vị riêng biệt, hấp dẫn cho món ăn. Trong đó, mèn mén, thắng cố, cháo ấu tẩu, bánh chưng gù… không chỉ hấp dẫn du khách mà còn mang đậm tinh hoa ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây. Tôi rất vui khi được biết 2 món ăn cháo ấu tẩu, mèn mén đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi danh trong top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam; 2 sản phẩm mật ong bạc hà, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì nằm trong top 100 sản phẩm quà tặng đặc sắc ở Việt Nam. Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại đây và giới thiệu để bạn bè biết về vùng đất này.

Trên địa bàn tỉnh có 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Giấy, Bố Y, La Chí. Toàn tỉnh có hơn 50 lễ hội truyền thống, lưu giữ phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc, như: cúng Thần rừng của đồng bào Pu Péo, Gầu Tào của người Mông, cấp sắc của người Dao, Lồng Tồng của người Tày, lễ hội mừng cơm mới của người La Chí… Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, đặc trưng được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, như: Lễ hội Khèn Mông, chợ phong lưu Khâu Vai hay Lễ hội hoa tam giác mạch…

Với quan điểm xuyên suốt, lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Các giá trị văn hóa truyền thống như: Kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian... được bảo tồn, phát huy. Toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bia đá chùa Sùng Khánh, chuông chùa Bình Lâm và đôi trống đồng Lô Lô; 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh); 22 di sản được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, di sản văn hóa thực hành then Tày được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Bên cạnh đó, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được các cấp, ngành quan tâm, có 29/61 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo; 34 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng…


Cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài thành một vùng trời hồng thắm tại Phố Cáo (Đồng Văn) là điểm đến cuốn hút du khách.

Hà Giang không chỉ đẹp bởi phong cảnh hùng vĩ, nên thơ mà còn đẹp bởi sắc hoa và tình người vùng cao, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Trong đó phải nhắc đến mùa hoa tam giác mạch làm đắm say lòng biết bao lữ khách gần xa. Nếu muốn ngắm hoa tam giác mạch ở Hà Giang có thể sắp xếp thời gian đến đây vào khoảng tháng 10 - 12. Mùa hoa nở kéo dài khoảng 3 tháng nhưng sắc hoa sẽ thay đổi dần theo thời gian, từ màu trắng sang hồng nhạt, hồng đậm và cuối cùng là đỏ tím. Trên cao nguyên đá Đồng Văn, những ruộng hoa tam giác mạch rộng lớn, trải dài với cánh hoa mỏng manh phớt hồng như tô điểm thêm nét sinh động cho vùng cao nguyên đá. Màu hoa tam giác mạch như biến cả khoảng trời đơn điệu, vùng đá xám khô cằn trở nên trữ tình, thơ mộng.

Địa điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất ở Hà Giang là làng văn hóa Lũng Cẩm. Đó là ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa thung lũng Sủng Là. Đến với làng văn hóa Lũng Cẩm, du khách có thể thỏa mãn sở thích sống ảo khi chụp ảnh cùng những bối cảnh của bộ phim nổi tiếng "Chuyện của Pao”, check in ruộng hoa tam giác mạch đẹp mê hồn và lưu giữ kỷ niệm cùng những em bé vùng cao với nụ cười trẻ thơ trong sáng. Đèo Mã Pí Lèng, một trong "tứ đại đỉnh đèo” nức tiếng gần xa cũng là điểm đáng lựa chọn để ngắm hoa tam giác mạch. Dưới chân đèo là dòng sông Nho Quế trong xanh uốn lượn, xa xa là ruộng hoa tam giác mạch phớt hồng dịu dàng làm cho không gian vốn hùng vĩ thêm phần trữ tình. Đặc biệt, dưới chân Cột cờ Lũng Cú - dấu ấn linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc là cánh đồng hoa tam giác mạch níu chân lữ khách muôn nơi với những dải hoa xếp thành nhiều lớp ruộng bậc thang độc đáo.

Một điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất ở Hà Giang nữa là tại Phố Cáo (Đồng Văn). Những cánh đồng hoa tam giác mạch nối tiếp nhau trải dài, bạt ngàn thành một vùng trời hồng thắm. Cảm giác đi giữa cánh đồng hoa thưởng thức sắc màu e ấp và lắng nghe đất trời bình yên chưa bao giờ là trải nghiệm dễ quên trong lòng du khách.


Đức Phượng

 


Các tin khác


Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục