Không chỉ thu hút công chúng bằng những trưng bày chuyên đề sâu sắc, sinh động về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn là đơn vị tiên phong "đánh thức" những câu chuyện gắn liền tài liệu, hiện vật thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Đây là hướng đi dài hơi được đơn vị xác định sẽ tập trung phát triển thời gian tới, nhằm đa dạng hóa trải nghiệm, đưa bảo tàng trở thành điểm đến thu hút du khách trên bản đồ du lịch Thủ đô.


Chương trình trải nghiệm văn hóa "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp Công ty Mind Group ra mắt Chương trình trải nghiệm văn hóa "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui" ngay trong không gian trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu tại tầng ba của bảo tàng.

Sau khi tìm hiểu những giá trị cốt lõi về tín ngưỡng thờ Mẫu với các hiện vật được sắp xếp theo bốn chủ đề Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui tương ứng bốn mầu đặc trưng của tứ phủ như: Mầu đỏ (Thiên Phủ - miền Trời), mầu trắng (Thoải Phủ - miền Nước), mầu vàng (Địa Phủ - miền Đất), mầu xanh (Nhạc Phủ - miền Rừng), chương trình đưa người xem đến với 90 phút trải nghiệm thực tế để được "chạm" vào vẻ đẹp của di sản văn hóa đặc sắc này.

Trong không gian phảng phất hương trầm, người xem mãn nhãn với phần trình diễn sống động về khăn chầu áo ngự, được hòa mình vào không gian âm nhạc chầu văn - thành tố không thể thiếu khi thực hiện nghi lễ hầu đồng, và được trực tiếp trải nghiệm phần diễn xướng các giá hầu mang đậm vẻ đẹp của tâm linh và nghệ thuật, chiêm ngưỡng sự lấp lánh của trang phục hầu đồng, của bộ sưu tập búp họa tứ phủ..., từ đó đón nhận sự hoan hỉ, an yên trong tâm hồn.

Trưng bày "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui" được thực hiện từ năm 2012 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhận về sự đánh giá cao của các nhà ngoại giao cũng như du khách trong nước, quốc tế. Nhưng phải đến thời điểm hiện tại, chương trình trải nghiệm gắn liền không gian văn hóa này mới được xây dựng, đem đến cho công chúng những tương tác sâu sắc, trực tiếp hơn với thông tin từ tài liệu, hiện vật.

Đảm nhận vai trò là giám đốc chuyên môn, đồng thời là người trực tiếp diễn xướng hầu đồng trong chương trình, Tiến sĩ, Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển cho biết, điểm đặc biệt là không gian trưng bày có bài trí hình ảnh ban thờ giống như ban thờ công đồng trong các đền phủ, cho nên việc tái hiện nghi lễ tại đây bảo đảm được tính thiêng, bên cạnh đó phô bày được nhiều tinh hoa nghệ thuật độc đáo thể hiện từ nét mặt, động tác đến âm nhạc, trang phục khi diễn xướng, góp phần tôn vinh, lan tỏa vẻ đẹp di sản tới công chúng trong nước, quốc tế. Chương trình sẽ được đưa vào phục vụ đông đảo khách tham quan bảo tàng vào các tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần, bắt đầu từ ngày 14/6.

Trước đó, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét cho du khách khi kết hợp cùng đạo diễn Lê Quý Dương ra mắt vở diễn "Huyền thoại tuổi thanh xuân". Ngay tại không gian bảo tàng, bối cảnh chiến trường khốc liệt được tái hiện bằng công nghệ hình ảnh, hiệu ứng 3D cùng những hố bom, căn hầm chữ A, trận địa pháo, và những bao tải đựng 5 tấn đất được lấy từ chính Ngã ba Đồng Lộc... Từ đây, vở diễn kể câu chuyện về những ngày cuối cùng của 10 cô gái thanh niên xung phong nơi đây - 10 đóa hoa bất tử đã anh dũng hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông nối liền hậu phương miền bắc với chiến trường miền nam.

Điểm nhấn độc đáo là trong suốt 60 phút của vở diễn, ê-kíp sáng tạo không kể về sự cam go của những trận đánh, mà tập trung thể hiện những tâm tình, suy nghĩ của các cô gái đang ở tuổi mới mười tám, đôi mươi. Đó là những mối tình thầm kín, những mơ mộng giận hờn và cả những tếu táo hồn nhiên rất đỗi đời thường, bình dị được các cô mang đến nơi chiến trường ác liệt để cùng làm nên những điều phi thường, biến Ngã ba Đồng Lộc trở thành địa danh huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cũng chính cách tiếp cận này đã giúp vở diễn gây xúc động mạnh mẽ, lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Kể từ khi ra mắt vào tháng 10/2023, "Huyền thoại tuổi thanh xuân" đã phục vụ công chúng tham quan bảo tàng với hàng chục suất diễn. Chương trình trải nghiệm đặc biệt này đã lọt tốp 15 sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội công bố tháng 11/2023. Ê-kíp của chương trình cũng vừa hoàn thiện phần phụ đề bằng tiếng Anh để có thể tiếp cận nhiều hơn khách du lịch quốc tế.

Đây là những minh chứng sống động cho thấy nỗ lực của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong hành trình chủ động gia tăng tính tương tác, mức độ trải nghiệm để thu hút, chinh phục du khách hiện đại.

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, bảo tàng đang lưu giữ hơn 40.000 tài liệu hiện vật, trong đó, trên hệ thống trưng bày đã có những nhân vật, bức ảnh, câu chuyện... nhưng không phải cứ trưng bày xong là có thể bằng lòng, vẫn cần nhiều hơn những cách kể chuyện sáng tạo để chạm đến trái tim của công chúng hôm nay. Đó là lý do bảo tàng quyết định đặt mình vào vị trí của những người thụ hưởng văn hóa để tìm ra phương pháp tiếp cận sao cho vừa ấn tượng, vừa gần gũi. Thời gian qua, hàng loạt trải nghiệm hấp dẫn đã được bảo tàng phối hợp các đơn vị đối tác, chuyên gia văn hóa thực hiện, góp phần gia tăng sức hút cho bảo tàng như: Workshop vẽ hoa văn sáp ong trên vải, cắm hoa, làm bánh, làm đèn trung thu, vẽ tranh..., và gần đây là những chương trình đưa nghệ thuật biểu diễn vào bảo tàng như "Huyền thoại tuổi thanh xuân", "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui". Đây đều là những trải nghiệm có sự kết nối chặt chẽ với nội dung trưng bày của bảo tàng, góp phần mang lại nhiều dấu ấn cảm xúc cũng như hiểu biết sâu sắc hơn cho du khách tham quan.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cho hay, tín hiệu vui là hiện nay lượng khách đến bảo tàng đã hồi phục như thời điểm trước dịch Covid-19, thành phần khách tham quan đã đa dạng hơn, có rất nhiều học sinh, sinh viên đến để tìm hiểu, học tập và nghiên cứu. Hiện bảo tàng vẫn còn nhiều tư liệu kể những câu chuyện xúc động về các nhân vật nữ lịch sử, cho nên thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện thêm các chương trình trải nghiệm bằng ngôn ngữ nghệ thuật để làm phong phú hơn trải nghiệm cho du khách. Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bày tỏ mong muốn có thể kết nối chặt chẽ hơn với các hãng lữ hành để ngày càng có nhiều du khách trong, ngoài nước đến đây.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, trên thế giới có rất ít bảo tàng chuyên đề về phụ nữ, cho nên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách quốc tế. Việc đầu tư để có thêm những sản phẩm giàu tính trải nghiệm sẽ càng gia tăng sức hút cho điểm đến này, giúp du khách ấn tượng và muốn quay lại nhiều lần hơn. Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý có nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau, cho nên việc xây dựng các chương trình trải nghiệm cần bảo đảm có thể điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu của từng đối tượng du khách.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh

Du lịch thông minh là xu hướng tất yếu trong thời kỳ công nghệ số. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch, đòi hỏi ngành du lịch cần có những thay đổi nhanh chóng, phù hợp.

Toàn tỉnh có 520 cơ sở lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch

Hiện nay, nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, như: Mandala Retreat (Kim Bôi), Lương Sơn Retreat (Lương Sơn), Homestay Nhà Tím, Homestay Thung Mây (Cao Phong), Thung lũng Cúc Thảo (TP Hòa Bình), Maida Lodge, Xoan Retreat (Đà Bắc)... Tiềm năng phong phú về sản phẩm du lịch được các cơ sở lưu trú tích cực xây dựng, khai thác.

Ở nơi được ví như “nóc nhà Nam Bộ”

Nằm ở độ cao 986m, không khí trong lành, mát mẻ, cảnh quan tuyệt đẹp, núi Bà Đen - Tây Ninh được mệnh danh là "đệ nhất thiên sơn”, "nóc nhà Nam Bộ”. Được thiên nhiên ưu đãi cùng với sự đầu tư, kiến tạo từ bàn tay, khối óc con người, núi Bà Đen đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến với Tây Ninh.

Lễ hội Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra với quy mô lớn, nhiều hoạt động đặc sắc

Trong hai ngày 25-26/5, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tổ chức chương trình "Lễ hội Du lịch Hàn Quốc - Korea Travel Festa 2024” tại Phân khu K-Town, Khu phố thương mại Grand World, Ocean City với nhiều hoạt động hấp dẫn, nhằm quảng bá du lịch Hàn Quốc đến với du khách Việt Nam.

Huyện Lạc Sơn: Dấu ấn thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU về phát triển du lịch

Các khu, điểm du lịch được đầu tư hạ tầng khang trang; hình ảnh con người, văn hoá và du lịch vùng đất Mường Vang được tăng cường quảng bá; điểm đến tham quan du lịch lễ hội được hình thành… là bước chuyển sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Sơn nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Nông dân huyện Mai Châu phát triển du lịch homestay

Những năm gần đây, nhiều nhà nông "chính hiệu” ở huyện Mai Châu đã lựa chọn hướng đi khác để phát triển kinh tế. Với tư duy ngày một tiến bộ, không còn bỡ ngỡ, lạ lẫm như thuở ban đầu, nông dân quyết tâm làm du lịch cộng đồng, phấn đấu vươn lên trở thành những nông dân tiêu biểu, thu nhập khá, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục