Đối với tỉnh ta có khoảng 90.000 thuê bao internet và hàng vạn người sử dụng MXH, phổ biến nhất là facebook, zalo. Trong đó, lứa tuổi ĐV -TN sử dụng nhiều nhất. Chỉ cần 1 máy tính hay điện thoại thông minh kết nối mạng, bất cứ ai, ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào đều có thể truy cập, đưa lên MXH thông tin, bình luận, chia sẻ về các vấn đề của đời sống.
Giáo viên trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội đúng cách, lành mạnh.
Các trang tin về tỉnh Hòa Bình trên MXH cũng nở rộ và thu hút hàng vạn người theo dõi, tham gia cung cấp thông tin, bình luận, chia sẻ về các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh. Tốc độ cập nhật cực nhanh do người đọc cũng chính là người cung cấp thông tin, chứng kiến sự việc hoặc sử dụng chế độ livestrime phát trực tiếp. Một số trang mạng được nhiều người theo dõi như: Hóng biến Hòa Bình, Tỉnh Hòa Bình, Hoabinh.tintuc.vn, Hòa Bình 24/7…
Hiệu quả từ mạng xã hội
Đều đặn 1 lần /tuần, các thành viên CLB thiện nguyện áo xanh (TP Hòa Bình) lại có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để trao 150 suất cơm miễn phí tới bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn. CLB còn tổ chức các chương trình thiện nguyện tại vùng sâu, xa, vùng ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt trong và ngoài tỉnh. Theo chị Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ nhiệm CLB: MXH chính là phương tiện kết nối những tấm lòng thiện nguyện. CLB đã lập trang trên facebook, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm cùng chia sẻ với người yếu thế. Từ 5 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có 150 thành viên chính thức và nhiều người tự nguyện góp tiền. Các khoản quyên góp, mọi hoạt động tặng quà… đều được đăng tải công khai trên trang của nhóm, vừa minh bạch, vừa có sức lan tỏa tốt đẹp trong cộng đồng.
Đặc biệt, trong đợt mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2017, thông qua những hình ảnh, clip được đăng tải kịp thời từ vùng lũ trên MXH, nhiều nhóm thiện nguyện trong và ngoài tỉnh ngay lập tức kêu gọi ủng hộ giúp đỡ đồng bào lúc khốn khó. Anh Bùi Văn Tiến ở xã Mường Chiềng (Đà Bắc), vợ bị lũ cuốn để lại 3 con thơ; những gia đình bị mất người thân trong vụ sạt lở đất ở xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc)... không còn cô đơn khi nhận được sự trợ giúp từ cộng đồng, trong đó nhiều nhóm kêu gọi ủng hộ từ MXH.
MXH còn được nhiều cơ quan, đơn vị và người dân trong tỉnh khai thác, sử dụng trong công việc một cách hiệu quả. Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Nguyễn Thành Luân cho biết: Toàn tỉnh có trên 54.000 ĐV -TN. Khai thác tiện ích của MXH, Tỉnh Đoàn định hướng các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc lập trang trên facebook để tuyên truyền các hoạt động đoàn các cấp. Các đơn vị sử dụng zalo lập "nhóm kín” phục vụ công việc. Việc làm này đem lại hiệu quả rõ rệt như thông tin được chuyển tải, lan tỏa kịp thời, sinh động, rộng rãi, giảm nhiều văn bản giấy...
Nhiều người dân sử dụng MXH để phục vụ công việc như chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm hay, quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương... Ví dụ tài khoản facebook: "Homestay Y Múa Hang Kia”, "Công ty Dulichhoabinh”, "Đặc sản Cam Quýt.Cao Phong.Hòa Bình”, "Suối Khoáng Kim Bôi -Hòa Bình”… khi lập có nhiều người kết nối và theo dõi, chia sẻ thông tin. Hay đơn giản mà ý nghĩa khi nhiều người bạn tưởng chừng như bị thất lạc lại tìm thấy nhau thông qua tài khoản trên MXH. Thực tế cho thấy, MXH nếu biết khai thác, sử dụng đúng cách sẽ giúp ích nhiều cho mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Nảy sinh phức tạp, hệ lụy
Bên cạnh hiệu quả, MXH cũng cho thấy là "con dao hai lưỡi”, gây ra nhiều phức tạp, hệ lụy. Nhiều vụ việc "xử” nhau ngoài đời bắt nguồn từ việc mâu thuẫn, tranh cãi trên MXH. Có người dùng để rao bán hàng cấm. Với sự hấp dẫn, lôi cuốn, các trang MXH rất dễ làm cho người tham gia, nhất là giới trẻ sa đà, sao nhãng học tập. Có những bạn quá "nghiện” facebook, zalo mà đắm chìm vào thế giới ảo, thức thâu đêm hay chạy theo các trào lưu gây sốc để câu like. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, thậm chí đến nhân cách, lối sống, tính mạng. Có những gia đình, từ bố mẹ đến con, về nhà mỗi người một điện thoại "lướt” mạng mà thiếu đi sự tương tác, chia sẻ tình cảm thực tế.
MXH cũng là "mảnh đất màu mỡ” cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đơn giản từ việc đánh cắp mật khẩu đề nghị nhắn tin nạp thẻ điện thoại, đến cả tin mất vài trăm triệu đồng. Điển hình, ngày 22/6/2017, anh Nguyễn Chí Linh, ở tổ 29, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) nhận được tin nhắn từ zalo với nội dung thông báo anh trúng thưởng chương trình vòng quay may mắn với giải thưởng là xe SH 150i, trị giá 200 triệu đồng. Nội dung tin nhắn cũng yêu cầu anh làm theo hướng dẫn chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản trang ungdungxahoi.com. Sau đó, một người từ số điện thoại 0868679805 yêu cầu anh chuyển tiếp 56 triệu đồng dưới dạng nạp thẻ điện thoại Vinaphone. Theo Công an phường Phương Lâm, anh Linh đã tiếp tục chuyển thêm số tiền gần 50 triệu đồng nữa. Khi chuyển xong, anh mới đến trình báo vụ việc.
Bức xúc nhất của MXH là việc người dùng làm kênh truyền thông tung tin không chính xác. Thậm chí còn có tình trạng đăng thông tin ảo, không đúng sự thật, chủ yếu để câu like (lượt thích) mà không lường đến hậu quả. Các thông tin thất thiệt thời gian qua như bắt cóc trẻ em, mưa lũ lịch sử sắp vỡ đập thủy điện Hòa Bình… trên một số tài khoản MXH gây hoang dư luận trong tỉnh. Có những thông tin về tỉnh xuất hiện rất nhanh trên một số báo điện tử, MXH và được chia sẻ rộng rãi, nhanh chóng nhưng chưa chính xác, gây băn khoăn, chia rẽ trong dư luận. Đơn cử như vụ tai nạn xe tải chở cám ở dốc Quy Hậu (Tân Lạc) tháng 5/2017, nhiều báo điện tử đã lấy thông tin, ảnh trên MXH nhưng không có sự kiểm chứng, không đến thực tế và xào xáo thành tin nhân dân trong xã đến hôi của. Nhiều người dùng facebook, zalo trong tỉnh cũng vào đọc, bình luận chửi bới và chia sẻ thông tin này làm xấu hình ảnh nhân dân tỉnh ta. UBND xã đã phải có văn bản về sự việc này.
Một cán bộ phòng An ninh văn hóa tư tưởng (Công an tỉnh) cho biết: MXH có những mặt trái như người dùng bôi nhọ, vu khống tập thể, cá nhân qua facebook, zalo, youtube… Lợi dụng MXH để chống phá, gây hoang mang, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị. Có trường hợp đăng tin, ảnh, chia sẻ bài viết từ các trang báo điện tử không chính thống, livestream (phát trực tiếp) và tag (gắn) tên người có cùng quan điểm chính trị phức tạp. Có cả tình trạng một số CB, CC, VC trong tỉnh chia sẻ lên tài khoản MXH của mình bài từ các trang báo điện tử không chính thống gây hiểu nhầm cho người khác. Thậm chí có trường hợp là cán bộ lãnh đạo ngành bị nhắc nhở. Tháng 10/2017, cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh) đã thông báo lệnh bắt 1 trường hợp nguyên là giáo viên, thường trú tại xã Toàn Sơn (Đà Bắc) với hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, người dùng MXH khi phản biện xã hội dễ mắc nhiều sai lầm. Họ có thể bị kích động, lôi kéo, lợi dụng, từ việc bị kẻ xấu phỏng vấn, đăng tải các bài viết, tới việc sử dụng hình ảnh, đưa vào tham gia các hoạt động mang danh dân chủ, bảo vệ chủ quyền… nhưng thực chất là để chống phá chế độ. Nhiều trang MXH tuy không trực tiếp đăng tin, bài có nội dung chống Đảng, Nhà nước nhưng có đường link (liên kết) đến các trang phản động đang là thực trạng khá phổ biến. Điều này gây hậu quả phức tạp, vô hình chung tiếp tay cho các luận điệu sai trái. Trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ; Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mới nhất là Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72 có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 đã quy định chi tiết về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Trong đó, nhiều hành vi bị cấm trong sử dụng MXH như: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia, TTATXH, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền chiến tranh, khủng bố, mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo, tuyên tuyền mê tín dị đoan, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tán phát thông tin giả mạo, sai sự thật… Còn không ít người dùng MXH chưa nắm vững các quy định này nên đã có sai phạm. Sở chưa xử phạt trường hợp nào nhưng đã nhắc nhở, cảnh báo một số người.
Quản lý, sử sụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, văn minh
Trong thời đại bùng nổ thông tin, bùng nổ MXH, vấn đề quản lý, sử dụng MXH an toàn, lành mạnh cần được quan tâm. Thấy rõ vấn đề này, ngày 30/8/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 279-CV/TU về việc chấn chỉnh đạo đức, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật của CB, CC, VC. Trong đó có nội dung: Tuyên truyền, nhắc nhở CB, CC, VC ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình không sử dụng MXH để làm việc riêng trong giờ hành chính. Không truy cập, đăng tải, bình luận, chia sẻ các thông tin, hình ảnh... trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức xã hội, chưa được kiểm chứng, không chính xác, không trung thực.
Theo Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Nguyễn Thành Luân: Trong các hội nghị, buổi tập huấn, đội ngũ báo cáo viên của đoàn các cấp truyền đạt để ĐV -TN nắm bắt thông tin chính thống và định hướng lại các quan điểm lệch lạc. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ triển khai chương trình cử cán bộ đoàn tăng cường đi cơ sở nắm bắt dư luận xã hội, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của ĐV -TN và sẽ có định hướng cụ thể. Duy trì website, hoạt động tư vấn trực tuyến. Gợi mở các tổ chức Đoàn tổ chức tọa đàm, tuyên truyền, định hướng về sử dụng MXH lành mạnh, văn minh cho ĐV -TN. Đẩy mạnh hoạt động và vận động ĐV -TN tham gia các hoạt động văn hóa, TDTT, tình nguyện vì cộng đồng để giảm thời gian "sống” trong thế giới ảo.
Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ Lê Thị Hồng cho rằng: Hiện nay, học sinh sử dụng MXH là phổ biến. Việc các em lạm dụng thời gian vào mạng sẽ bị mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần để học tập. Nhà trường đã có quy định giáo viên, học sinh không được sử dụng MXH trong giờ dạy, học. Trường cũng đã ban hành quy định về thông tin liên lạc trong Quy chế làm việc. Theo đó, thông tin phải từ nguồn chính thống. Nhận thấy những nguy hại từ mặt trái của việc sử dụng MXH, thời gian tới, nhà trường sẽ tuyên truyền đến học sinh và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu từ MXH. Ví dụ, vào các giờ chào cờ đầu tuần, giờ ngoại khóa định hướng cho học sinh sử dụng MXH lành mạnh. Tổ chức các diễn đàn, cuộc thi sáng tạo KH -KT, văn nghệ, TDTT... nhằm tạo những sân chơi thực tế, bổ ích.
Theo luật sư Đan Tiếp Phúc, Trưởng văn phòng Luật sư Đan Tiếp Phúc, UVTV Hội Luật gia tỉnh: Việc bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, trao đổi thông tin trên MXH là quyền tự do của mỗi công dân nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật. Quy định pháp luật được cụ thể hóa từ Hiến pháp, đến việc ban hành các bộ luật như: Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao giao dịch điện tử, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin nhưng cũng cấm việc lạm dụng những quyền này để xâm phạm lợi ích của quốc gia, Nhà nước, tập thể và công dân. Để quản lý MXH hiệu quả phụ thuộc chủ yếu vào ý thức, văn hóa của người dùng và cần nhiều hơn các giải pháp mạnh từ các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm.
Cẩm Lệ
* Không để bị "lạc lối” trên mạng xã hội
MXH với đặc trưng nổi bật mang tính cá nhân, tính tương tác cộng đồng cao nhưng lại là không gian ảo rất khó kiểm chứng, kiểm soát thông tin và các mối quan hệ. Người dùng phải luôn tỉnh táo để không bị "lạc lối”. Đặc biệt với cán bộ, đảng viên, người tham gia các tổ chức CT -XH, việc dùng MXH tuy là cá nhân nhưng có thể gây ảnh hưởng tới uy tín tập thể. Việc đăng tải những thông tin, hình ảnh liên quan đến đơn vị nếu thiếu cân nhắc có thể gây ra hệ lụy khôn lường. Người dùng MXH cần thận trọng, cảnh giác, sàng lọc, không nên đăng, chia sẻ thông tin từ những trang web, trang MXH không rõ nguồn gốc. Việc dẫn nguồn, chia sẻ thông tin từ các trang báo điện tử, MXH phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Người dùng MXH không được dùng trang cá nhân chia sẻ, tổng hợp như 1 trang thông tin điện tử và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời bình luận, thông tin đi kèm đường link mình chia sẻ.
Bùi Đức Nam (Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông)
* "Miễn dịch” khi tiếp xúcvới những thông tin xấu độc
Thời gian qua, nhiều đối tượng xấu lợi dụng các trang MXH như facebook, zalo, youtube… thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, clip có nội dung chống Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Nội dung chủ yếu lợi dụng triệt để các vấn đề nóng, tiêu cực, mặt trái của xã hội nhằm đả kích, bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo. Trước tình hình đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân cần hiểu rõ các trang mạng, thấy được tiện ích, hạn chế để chủ động sử dụng MXH một cách tích cực, hiệu quả. Phải biết cách ứng xử và khả năng "miễn dịch” khi tiếp xúc với những thông tin xấu, mời gọi, khiêu khích, lôi kéo, phản động đăng tải tràn lan trên MXH. Cần nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân, các thông tin trước khi đưa lên MXH phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Thượng tá Bùi Văn Bích (Phó phòng PA83, Công an tỉnh)
Làm bạn với con cả ở cuộc sống thực và thế giới ảo
MXH là xu thế của thời đại không thể cấm con dùng. Thay vào đó hãy làm bạn với con cả trong cuộc sống thực và trên MXH. Nếu biết dùng MXH đúng cách sẽ đem lại nhiều lợi ích trong giải trí, học tập, kết nối, nắm bắt thông tin, ngược lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh khi nhận thức, hiểu biết chưa đầy đủ, dễ bị lôi kéo, kích động, chạy theo các trào lưu, đôi khi lố bịch, nhố nhăng. Với suy nghĩ đó, tôi cũng dùng MXH để tiếp cận với con cả trong thế giới "ảo”. Hiểu được tâm tư, suy nghĩ, xu thế mới, những góp ý của tôi được con tiếp nhận dễ dàng hơn.