(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.



Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Kim Bôi tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giải quyết thủ tục hành chính.

7/8 chỉ số nội dung giảm điểm

Đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Phương pháp xây dựng chỉ số PAPI thông qua điều tra, khảo sát phản ánh trải nghiệm của một nhóm người dân khi tương tác với chính quyền hay sử dụng DVC, cũng như việc tham gia và quản trị công thông qua 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính (TTHC) công; cung ứng DVC; quản trị môi trường và quản trị điện tử cấp tỉnh.

Trong năm 2022, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và một số tổ chức có liên quan đã khảo sát chỉ số PAPI của tỉnh thông qua người dân tại 6 xã, phường, thị trấn thuộc 3 huyện, thành phố, gồm: Phường Thái Bình, Phương Lâm (TP Hòa Bình); thị trấn Mãn Đức, xã Thanh Hối (Tân Lạc); thị trấn Mai Châu, xã Mai Hạ (Mai Châu). Theo kết quả chỉ số PAPI tổng hợp năm 2022, tỉnh đạt 40,03 điểm, xếp thứ 43, giảm 2,44 điểm, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp cả nước. Chỉ có 1 chỉ số nội dung tăng điểm, nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp nhất; còn lại 7 chỉ số nội dung giảm điểm.

Cụ thể, đối với chỉ số nội dung "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” được đánh giá trên 4 nội dung thành phần là tri thức công dân, cơ hội tham gia, chất lượng bầu cử ở cấp cơ sở và đóng góp tự nguyện. Các tiêu chí để đánh giá gồm: Sự tham gia của người dân đối với các tổ chức hội, quỹ và đoàn thể nơi cư trú; sự hiểu biết của người dân về pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; sự hiểu biết của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bầu cử các chức danh trưởng, phó trưởng thôn, xóm, tổ dân phố, bí thư, phó bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; về sự tham gia và giám sát của người dân đối với việc đầu tư, xây dựng các công trình công cộng ở địa phương nơi cư trú. Năm 2022, chỉ số nội dung này đạt 5,09 điểm, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình cao, giảm 0,15 điểm so với năm 2021.

Chỉ số nội dung "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” được đánh giá trên 4 chỉ số thành phần về tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai thu, chi ngân sách cấp xã; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất. Các tiêu chí đánh giá gồm: thông tin về chính sách, pháp luật chính quyền địa phương; chính sách đối với hộ nghèo; công khai dự toán, quyết toán ngân sách cấp xã; sử dụng đất, thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng. Năm 2022, chỉ số nội dung này đạt 5,12 điểm, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình, giảm 0,18 điểm so với năm 2021. 
Chỉ số nội dung "Trách nhiệm giải trình với người dân" được đánh giá trên 3 nội dung thành phần là hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân và tiếp cận dịch vụ tư pháp. Năm 2022, chỉ số nội dung này đạt 4,32 điểm, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình cao, giảm 0,13 điểm so với năm 2021. 

Chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua 4 nội dung thành phần, gồm: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng DVC; công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng. Đối với chỉ số nội dung này, tỉnh đạt 6,44 điểm, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp, giảm 1,11 điểm so với năm 2021.

Chỉ số nội dung "TTHC công" đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống của người dân, bao gồm 3 nội dung thành phần: Thủ tục chứng thực, xác nhận; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; TTHC công cấp xã. Chỉ số nội dung này đạt 6,65 điểm, nằm trong nhóm điểm thấp nhất, giảm 0,39 điểm so với năm 2021. 

Chỉ số nội dung "Cung ứng DVC" tập trung đo lường hiệu quả cung ứng 4 DVC căn bản cho người dân, gồm: Y tế công lập; giáo dục tiểu học công lập; cơ sở hạ tầng căn bản và ANTT tại địa bàn khu dân cư. Năm 2022, chỉ số nội dung này đạt 7,39 điểm, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp, giảm 0,27 điểm so với năm 2021.

Chỉ số nội dung "Quản trị môi trường" nhằm nắm bắt đánh giá của người dân về vấn đề môi trường tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân, gồm 3 nội dung thành phần: Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; chất lượng không khí và chất lượng nước. Năm 2022, chỉ số này đạt 3,43 điểm, nằm trong nhóm đạt điểm trung bình cao, giảm 0,38 điểm so với năm 2021.

Đối với chỉ số nội dung "Quản trị điện tử" cho biết đánh giá của người dân về 2 khía cạnh mang tính tương tác của chính phủ điện tử như mức độ sẵn sàng có và sử dụng DVC trực tuyến do chính quyền cung cấp; chỉ số nội dung này đánh giá trên 3 nội dung thành phần gồm: Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương; phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử. Năm 2022, chỉ số này đạt 2,59 điểm, nằm trong nhóm điểm thấp nhất, tăng 0,17 điểm so với năm 2021. 

Tập trung khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số PAPI

Tại hội nghị Ban chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) tỉnh vừa được tổ chức, các đại biểu đánh giá: Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh đã đánh giá một cách khách quan cảm nhận của người dân đối với công tác CCHC, điều hành KT-XH, thực hiện quy chế dân chủ tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thông qua người dân thì chỉ số phản ánh chưa cao, chưa đồng đều với kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2022.

Nguyên nhân của hạn chế trên được cho rằng: Trong năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Trình độ dân trí trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, một số địa bàn khảo sát người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ít quan tâm đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thông tin, thời sự của tỉnh và trong nước. Còn hạn chế trong việc truy cập, tiếp cận và khai thác thông tin trên internet, sử dụng cổng thông tin điện tử để lấy thông tin về TTHC; việc sử dụng DVC trực tuyến... Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, cơ sở y tế, giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch, xử lý rác thải... còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở chưa thực sự chú trọng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PAPI trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của địa phương, dẫn đến người dân khó tiếp cận được thông tin. Vẫn còn người dân chưa hài lòng đối với công tác điều hành KT-XH của chính quyền địa phương, thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; chưa hài lòng với việc thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức; chưa yên tâm về cách xử lý sự cố môi trường ở địa phương. Một bộ phận công chức, viên chức ý thức trách nhiệm trong việc thực thi công vụ chưa cao. Chất lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở có nơi còn thấp, chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao nên kết quả giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng nhu cầu, mong muốn của tổ chức, cá nhân, để người dân phải đi lại nhiều lần...

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh cho rằng: Trước thực tế chỉ số PAPI giảm tới 24 bậc so với năm 2021, BCĐ CCHC tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện cải thiện chỉ số PAPI năm 2023. Trong đó, các sở, ngành chức năng chủ trì, tham mưu các giải pháp cải thiện chỉ số nội dung, nội dung thành phần được giao thực hiện. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ chuyên môn của ngành, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh tới cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. UBND huyện, thành phố có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra công vụ. Tăng cường kiểm tra đột xuất tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp các cơ quan, các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI năm 2023. Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn Ban Dân vận cấp huyện, hệ thống dân vận cơ sở phối hợp UBND cùng cấp thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số PAPI năm 2023, đặc biệt gắn với việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, quy chế dân chủ ở cơ sở...

                                                             Hương Lan

Đề xuất các giải pháp nâng cao chỉ số PAPI

Năm 2022, chỉ số thành phần "Quản trị điện tử” của tỉnh đạt 2.59 điểm và thuộc nhóm điểm thấp. Nguyên nhân của thực trạng này do phần lớn thói quen của người dân tiếp cận thông tin theo hướng trực tiếp (lấy thông tin tại cơ quan, tổ chức), không tìm hiểu thông tin trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh và trang thông tin của các cơ quan Nhà nước cung cấp nên cho rằng thông tin khó tiếp cận. Hoặc người dân muốn truy cập vào các trang trên nhưng không biết địa chỉ hoặc không biết cách truy cập. Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh, kết nối 3G, 4G và các thiết bị kết nối internet chưa cao dẫn đến thông tin trên môi trường mạng còn hạn chế. Đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện TTHC khi cần.

Về nguyên nhân chủ quan, Cổng TTĐT và trang TTĐT của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện đầu tư nâng cấp theo quy định. Việc cập nhật, đăng tải thông tin người dân quan tâm, có nhu cầu chưa được các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác tuyên truyền để người dân biết, sử dụng đã được triển khai nhưng tính hiệu quả chưa cao…

Nhằm chấn chỉnh, khắc phục để cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo, Sở TT&TT đã đề xuất UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị rà soát, nâng cấp cổng/trang TTĐT theo quy định; nâng cao hiệu quả hoạt động của trang TTĐT để cung cấp TTHC đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng...

Bùi Đức Nam
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, thỏa đáng kiến nghị của Nhân dân

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, UBND huyện Tân Lạc đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành gắn với việc nâng cao chỉ số PAPI với thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn. Trong đó, chú trọng thực hiện nội dung "Trách nhiệm giải trình với người dân”. Trong năm 2022, huyện đã tổ chức 2 cuộc tiếp xúc của đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với hội viên Hội LHPN huyện và Nhân dân khu An Khang, thị trấn Mãn Đức.

Để giải quyết khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân, Ban tiếp công dân huyện đã tiếp 66 lượt, 71 công dân, 43 vụ việc; UBND các xã, thị trấn tổ chức tiếp 20 lượt, 20 công dân, 20 vụ việc. Tổng số đơn, số vụ việc khiếu nại đã giải quyết/tổng số đơn, số vụ việc phải giải quyết là 54/65 đơn và 53/64 vụ việc (tỷ lệ giải quyết đạt 82,8%). Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, giải trình rõ ràng, đầy đủ, thỏa đáng các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

Bùi Văn Tinh
Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc

Người dân được tham gia nhiều hơn hoạt động ở cơ sở

Là người dân sống trên địa bàn TP Hòa Bình, gia đình tôi và các hộ dân được thụ hưởng những điều kiện thuận lợi. Bản thân tôi tham gia tích cực vào tổ chức hội, hoạt động ở khu dân cư. Các loại quỹ ở khu phố được thu nộp công khai, dân chủ. Việc xây dựng các công trình hạ tầng như đường, nhà văn hóa của khu dân cư được người dân tham gia đóng góp và giám sát thực hiện với tinh thần "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Khi có cuộc bầu cử các chức danh ở khu dân cư, chúng tôi được mời tham gia, thể hiện chính kiến của mình để lựa chọn người đảm bảo các tiêu chuẩn lãnh đạo, chỉ đạo khu dân cư ngày càng phát triển.

Nguyễn Thị Huyền
Phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình)

Các tin khác


Chăm lo Tết cho người yếu thế

(HBĐT) - Phát huy truyền thống "tương thân, tương ái”, cứ đến dịp cuối năm, các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, yếu thế được chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cấp, ngành, Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, giúp người dân có thêm niềm vui đón xuân đầm ấm, hạnh phúc.

Tuyên truyền miệng đưa chính sách bảo hiểm đi vào cuộc sống

(HBĐT) - Ngoài hình thức tuyên truyền truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng hình thức trực quan như treo băng zôn, khẩu hiệu… thì phương pháp tuyên truyền miệng là một trong những cách thức quan trọng, hiệu quả đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đi vào cuộc sống.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc: Thắt chặt tình đoàn kết, phát huy tính tự chủ của Nhân dân

(HBĐT) - Từ đầu tháng 11, các khu dân cư (KDC) trong tỉnh rộn ràng chuẩn bị và tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là ngày hội lớn của toàn dân, của tất cả các bản làng, thôn, xóm, tổ dân phố và được tổ chức đồng loạt từ ngày 1 - 18/11, đúng dịp kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022). Đây cũng là năm thứ 19 ngày hội được tổ chức, khẳng định sức sống và ý nghĩa to lớn; củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tính tự chủ của Nhân dân.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

(HBĐT) - Những năm qua, BTV Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, kế hoạch, chỉ thị của T.Ư về quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi" đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Chuyển biến chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn

(HBĐT) - Bình quân mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới hơn 15.000 học viên. Trên 80% học viên tuyển mới là thanh niên, trong đó thanh niên nông thôn chiếm phần lớn. Đến năm 2021, tỷ lệ lao động nông thôn (LĐNT) tăng lên 57,5%. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động. Đây là những con số minh chứng chất lượng nguồn nhân lực LĐNT có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Giải bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận

(HBĐT) - Đội ngũ cấp ủy chính là "linh hồn” của các chi bộ. Cấp ủy "mạnh” về trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhiệt tình, trách nhiệm thì sẽ tập hợp và phát huy được năng lực, sở trường của từng đảng viên; khơi dậy được sức mạnh của chi bộ, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng; ngược lại, cấp ủy "yếu” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chi bộ. Những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cấp ủy đã từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 36% cấp ủy viên chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, 30% cấp ủy viên chưa qua đào tạo về lý luận chính trị. Chất lượng cấp ủy, nhất là ở các chi bộ dân cư cần được quan tâm nhiều hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục