"Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm Phát triển công nghiệp thông minh.

Tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức Hội thảo - Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương cùng hơn 1.500 các đại biểu trong nước và quốc tế.

Hội thảo - Triển lãm diễn ra từ ngày 4 đến 5-12 với chủ đề "Định hình và Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn với chuỗi bốn hội thảo quốc tế, một triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 của gần 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: tự động hóa, robot, công nghệ thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, fintech, phần mềm...

Tại sự kiện này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động đến các quốc gia trên tất cả các phương diện từ quản trị của Nhà nước đến kinh tế - xã hội - môi trường. Trong bối cảnh và xu thế đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những nhận định và đề ra các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Sự kiện lần này là hoạt động tiếp theo ở phạm vi lớn hơn, với tầm cao hơn, thực tiễn hơn để giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong hoạch định chiến lược, chính sách ứng phó trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo - Triển lãm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm bắt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng góp thiết thực cho sự phát triển công nghiệp thông minh ở Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, robot hóa, ảnh hưởng việc làm của hàng triệu lao động. Nhiều cơ chế chính sách hiện hành chưa tác động hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển và chuyển đổi thông minh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ thông tin. Sự tiếp cận với công nghiệp thông minh còn thiếu tính kết nối và chưa sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế có xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều; nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng cao, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá. Việc hình thành, phát triển lực lượng lao động được trang bị đủ kỹ năng, trình độ để khai thác, làm chủ công nghệ, phương thức vận hành mới, tạo ra sản phẩm, dịch vụ, giá trị gia tăng, việc làm mới cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ định hướng tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức; khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, một số nội dung trọng tâm là:

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò là "hạ tầng của hạ tầng” cho nền kinh tế số. Tập trung đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu, Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức.

Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế; phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có đội ngũ một triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.

Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực. Có kế hoạch cụ thể và khả thi để phát triển và làm chủ Hệ tri thức Việt số hóa; khơi dậy niềm đam mê và khát vọng sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ. Ứng dụng công nghệ thông tin phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương.

Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần chung tay, vào cuộc trong phong trào đổi mới, sáng tạo, chủ động nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội to lớn mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Tập trung làm tốt công tác thông tin truyền thông, chuyển tải những cơ hội và thách thức đến mọi người dân và từng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa và động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh và trong thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Phát triển doanh nghiệp số được xác định là nhiệm vụ trung tâm, lâu dài để phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ "sản xuất tại Việt Nam” chinh phục thị trường trong nước, thế giới; góp phần thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.

 

Toàn cảnh Hội thảo Phát triển công nghiệp thông minh.

Thủ tướng đánh giá cao việc lựa chọn, tập trung thảo luận ba chuyên đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam: (1) Đổi mới các ngành sản xuất với công nghệ đột phá; (2) Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số; (3) Phát triển đô thị thông minh. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các đại biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chia sẻ quan điểm cụ thể về phát triển công nghiệp thông minh, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam và các chiến lược, cơ chế, chính sách liên quan, tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau:

Một là, Việt Nam đang ở đâu? Chú trọng đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức; làm rõ những lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực và sự năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp.

Hai là, thế giới đang làm gì? Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN; trong đó nêu rõ những bài học kinh nghiệm và điều kiện áp dụng.

Ba là, Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh? Đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Thực tiễn quản lý, chỉ đạo điều hành cho thấy, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp và trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao. Cần thiết kế hệ thống tổng thể, hài hòa trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung cả trước mắt và trong trung, dài hạn; trong đó phải đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển công nghiệp thông minh, hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi số hóa, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức Hội thảo và Triển lãm, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành chức năng để nghiên cứu, phục vụ quá trình rà soát, hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan cũng như trong thực tiễn chỉ đạo điều hành.

 

                                     TheoNhandan

Các tin khác


Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng mùa hanh khô

(HBĐT) - Trong những năm qua, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng - chống cháy rừng (PCCCR).

Thành phố Hoà Bình tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ lịch sử

(HBĐT) - LTS: Từ ngày 9 - 13/10/2017, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn TP Hòa Bình có mưa to đến rất to gây sạt lở, sạt trượt đất đồi tại một số khu vực. Bên cạnh đó, Thủy điện Hoà Bình có lúc xả 8 cửa xả đáy, gây ngập úng diện rộng, làm thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản, thủy sản, hoa màu... của nhân dân. Phóng viên Báo Hoà Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP Hoà Bình về công tác khắc phục hậu quả thiên tai đến thời điểm này.

Ngành TN&MT sẽ tập trung thực hiện điều chỉnh thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(HBĐT) - Đó là khẳng định của đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT về việc giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi tiến hành sáp nhập, kiện toàn, đổi tên các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo Đề án 1084.

Tỉnh táo với khuyến mãi ảo

Diễn ra từ 0 giờ ngày 1-12, sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2017 mang đến hàng loạt khuyến mãi lớn cho các tín đồ mua sắm. Tuy nhiên, từ thực tế ngày hội các năm trước, Ban tổ chức cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng khuyến mãi "ảo”, gây mất uy tín không chỉ cho chương trình mà còn ảnh hưởng lòng tin của người tiêu dùng với ngành thương mại điện tử (TMĐT) trong nước.

Nước cho sản xuất- nguồn không vô tận

(HBĐT) - Thiếu nước sản xuất- cụm từ này được nhắc đến ngày càng nhiều trong các diễn đàn bàn về phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một phần do thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, nhưng cũng cần nhìn nhận rõ: còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quản lý và khai thác các công tình thủy lợi dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên nước.

Xã Lạc Sỹ - giao thông nông thôn tan hoang sau mưa lũ lịch sử

(HBĐT) - Cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 9-12/10 vừa qua. Trong đó thiệt hại nặng nề nhất là các công trình hạ tầng giao thông bị nước lũ phá hủy. Nhiều trục đường liên thôn, xóm, đường dẫn vào khu sản xuất bị đất, đá vùi lấp, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục