Mục tiêu 1.500 tỷ đồng
Online Friday 2017 sẽ diễn ra trong suốt 24 giờ ngày hôm nay. Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là đơn vị đầu mối, được Bộ Công thương giao nhiệm vụ tổ chức ngày hội này, có hơn 1.300 trang web TMĐT với khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia chương trình; trong đó, bao gồm nhiều thương hiệu bán lẻ lớn như: Thế giới di động, FPT Shop, Viettel Store, Lazada, Sendo, Adayroi,..., hay các thương hiệu sản xuất và nhập khẩu uy tín như Oppo, Samsung, Nagakawa, Uma,... Phó Cục trưởng phụ trách TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) Lại Việt Anh cho biết, sẽ có rất nhiều sản phẩm, hàng hóa được giảm giá mạnh, hiện diện trên website: http://store.onlinefriday.vn.
Online Friday 2017 là năm đầu tiên Ban tổ chức công bố chương trình khuyến mãi bảo đảm sự tham gia của hơn 50 thương hiệu, 3.000 sản phẩm được xét duyệt trên hệ thống và khoảng 200 ưu đãi lớn. Khách hàng mua sản phẩm bảo đảm được miễn hoàn toàn phí chuyển phát. Hoạt động hỗ trợ thanh toán trong năm nay cũng chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng với hàng loạt chương trình "cash-back" - hoàn tiền thẳng vào tài khoản thẻ của khách hàng khi thanh toán trực tuyến thông qua cổng thanh toán Napas. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã dành hẳn một tỷ đồng để hoàn trả trực tiếp cho người sử dụng thẻ của mình. Một số ngân hàng khác cũng triển khai chính sách tương tự.
Mục tiêu dự kiến trong 24 giờ bán hàng trực tuyến của ngày hội năm nay tổng doanh số sẽ đạt hơn 1.500 tỷ đồng cho khoảng một triệu đơn hàng thành công với hơn 3 triệu lượt truy cập và 20 triệu lượt tương tác, tìm kiếm thông tin, sản phẩm của người tiêu dùng. Để hưởng ứng ngày hội chính, còn có sự kiện BigOFF - Trải nghiệm mua sắm và TMĐT được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1 đến 3-12, với sự góp mặt của hơn 100 thương hiệu đến từ các DN hàng đầu cả nước... Trong ba ngày này, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động như: Trải nghiệm mua sắm trực tuyến tại các gian hàng; "săn" khuyến mãi khủng, quà tặng lớn bằng cách đấu giá, vòng quay may mắn hay quét mã QR trúng thưởng,...
Ngăn chặn khuyến mãi ảo
Được Chính phủ phê duyệt tổ chức vào ngày thứ sáu đầu tiên của tháng 12 hằng năm, sau ba năm tổ chức, Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday đã gặt hái những thành công nhất định. Riêng trong 24 giờ của ngày Online Friday 2016, tổng giá trị doanh thu của các DN tham gia đã đạt 644 tỷ đồng. Được biết, nhằm ứng phó với vấn nạn khuyến mãi ảo, trong Online Friday 2016, Ban tổ chức đã áp dụng công nghệ quét giá niêm yết sản phẩm, so sánh với giá thị trường từ dữ liệu hơn 13 triệu bản ghi từ websosanh, topgia, chongiadung để tiến hành chấp nhận hoặc hạ sản phẩm có giá niêm yết cao hơn quá 10% so với giá thị trường. Đến trước thời điểm khởi động chương trình năm 2016, hệ thống đã rà soát và hạ 60 nghìn sản phẩm có giá niêm yết cao hơn so với giá thị trường. Tuy nhiên, thực tế trong ngày Online Friday 2016 vẫn ghi nhận được hơn 600 phản ánh của khách hàng về khuyến mãi ảo. Trong ngày hội năm nay, Phó Cục trưởng TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các đối tác so sánh giá triển khai quét giá sản phẩm tham gia nhằm hạn chế hiện tượng khuyến mãi ảo, nâng giá bán để giảm giá. Ban tổ chức cũng hiển thị thông tin sản phẩm với ba mức giá gồm: Giá niêm yết của hãng, giá đang bán và giá khuyến mãi trong ngày Online Friday, giúp khách hàng có thông tin minh bạch và rõ ràng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Khi tổ chức những sự kiện như Online Friday thì trách nhiệm quản lý của Nhà nước rất quan trọng. Ban tổ chức phải nắm rõ danh sách sản phẩm tham gia của các DN với giá cũ và giá mới; rà soát, kiểm tra tất cả mặt hàng tham gia từ chất lượng, giá cả đến số lượng. Những sản phẩm được khuyến mãi lớn càng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao kỷ luật của các doanh nghiệp tham gia. Thực tế, dù hiện tượng khuyến mãi ảo vẫn hiển hiện tại các ngày Online Friday được tổ chức các năm trước đây, nhưng Ban tổ chức chưa công bố danh sách các mặt hàng, DN bị ghi nhận có nhiều sai phạm. Do đó, nhiều DN vẫn "nhờn” vì không bị xử lý nghiêm. Ngoài ra, cần đề phòng hiện tượng "té nước theo mưa”, khi nhiều trang TMĐT dù không đăng ký tham gia chương trình cũng tham gia, gây tình trạng lộn xộn và khó kiểm soát.