Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Lương Sơn được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đảm bảo xử lý nước thải của các doanh nghiệp, bảo vệ môi trường.
Đối với công tác phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường: UBND tỉnh giao Sở TN&MT là đầu mối phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương để lập kế hoạch và xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh để đảm bảo sẵn sàng, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố môi trường xảy ra. Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát, giám sát và quan trắc môi trường chặt chẽ hơn đối với các đối tượng có nguồn thải lớn, có nguy cơ cao gây sự cố môi trường. Chủ động tổ chức, phối hợp với các đơn vị chức năng, đủ năng lực để tổ chức đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường cho các doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan...
UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường của địa phương trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế. Chủ động tổ chức, phối hợp với Sở TN&MT, các ngành rà soát các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường thuộc địa bàn quản lý để có các biện pháp phòng ngừa... Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cụm công nghiệp, UBND các xã có làng nghề trên địa bàn thuộc quyền quản lý lập phương án bảo vệ môi trường, trong đó có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường...
Trong trường hợp xảy ra vụ việc, sự cố môi trường, việc thông báo, tiếp nhận và báo cáo thông tin giữa các cấp quản lý tại địa phương và giữa địa phương với UBND tỉnh (thông qua Sở TN&MT) được tổ chức thực hiện như sau:
UBND các huyện, thành phố xác định rõ trách nhiệm, đầu mối liên lạc và phương thức liên lạc của các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương trong quá trình ứng phó sự cố môi trường; xác định và thông báo về đầu mối liên quan, phương thức liên lạc giữa địa phương với UBND tỉnh. Công tác tiếp nhận và báo cáo thông tin vụ việc, sự cố môi trường cần đảm bảo kịp thời, chính xác.
Việc ứng phó vụ việc, sự cố môi trường cần đảm bảo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả trên cơ sở phối hợp của các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó. Xác định rõ, cụ thể vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức liên quan trong việc ứng phó khẩn cấp nhằm đảm bảo quá trình ứng phó sự cố môi trường hiệu quả và không chồng chéo. Trong trường hợp cần thiết, thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố môi trường tại hiện trường, phân công cán bộ tham gia và bố trí nguồn lực phù hợp để đảm bảo đúng thẩm quyền, trách nhiệm và sẵn sàng cho công tác ứng phó sự cố môi trường.
Khi có thông tin liên quan đến sự cố môi trường tại cơ sở, các cơ quan tại địa phương cần phối hợp với cơ sở kiểm tra thông tin về sự cố môi trường, đánh giá nhanh mức độ của sự cố môi trường và nguy cơ đe dọa với con người, các công trình... xác định mức báo động và thông báo tới cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin theo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của các cơ sở, các cấp hoặc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Quá trình ứng phó sự cố môi trường cần được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc "4 tại chỗ” và phù hợp với từng phương án ứng phó cụ thể...
Khi sự cố môi trường xảy ra, cần triển khai việc điều tra, xác định nguyên nhân, phạm vi ô nhiễm, thiệt hại; trường hợp thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn liên huyện hoặc xảy ra trên địa bàn 1 huyện nhưng phạm vi ảnh hưởng lớn, rủi ro ô nhiễm, thiệt hại cao, UBND cấp huyện cần kịp thời thông báo cho UBND tỉnh (thông qua Sở TN&MT) để tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường.
Tổ chức, cá nhân tham gia khắc phục sự cố môi trường có trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện quá trình chuyển từ giai đoạn ứng phó khẩn cấp sang giai đoạn phục hồi môi trường, đưa hoạt động KT – XH trở lại trạng thái bình thường…
Trong quá trình ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, các địa phương cần thống nhất đầu mối phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống…
P.V (TH)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tăng cường, từ hôm nay (19-12) đến 21-12, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm diện rộng, vùng núi và vùng núi cao rét hại, xuất hiện băng giá.