Xã Đú Sáng (Kim Bôi) phát triển mô hình sản xuất dưa chuột Nhật liên kết với Công ty Faciffic Hoà Bình, diện tích 15 ha, cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha.
Tại xã Đú Sáng, nhiều năm trở lại đây, người dân đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa không ăn chắc sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt là mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, trong đó chuỗi sản xuất dưa chuột Nhật liên kết với Công ty Faciffic Hoà Bình có diện tích 15 ha và chuỗi cây lấy hạt liên kết với Công ty Tân Lộc Phát, quy mô 27 ha. Đồng chí Bạch Đức Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Đú Sáng cho biết: Các loại cây lấy hạt và dưa chuột Nhật phù hợp với đồng đất nơi đây. Nông dân sản xuất theo chuỗi được hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi ha dưa chuột và cây lấy hạt cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng, so với cấy lúa và trồng ngô, thu nhập từ các loại cây này cao gấp 3 - 4 lần.
ở HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì, xã Hạ Bì, việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như dưa chuột Nhật xuất khẩu, ớt xuất khẩu, cà chua sạch, rau củ quả các loại. Từ diện tích ban đầu 5 ha, đến nay phát triển lên 13 ha, trong đó trồng tại địa bàn huyện Kim Bôi 5 ha và mở rộng sang địa bàn Phú Thọ 8 ha. Năm 2017, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH ớt Việt Nam trồng 1,1 ha ớt tại xã Thượng Tiến. Thông qua HTX, người dân thực sự yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Đến nay, huyện Kim Bôi đã xây dựng chuỗi sản xuất liên kết các doanh nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi cây lấy hạt với Công ty Tân Lộc Phát tại 7 xã với diện tích trên 92,5 ha, trong đó bí đỏ trên 85 ha, mướp đắng trên 5 ha, mướp khía trên 2 ha. Chuỗi ngô ngọt 100 ha tại các xã Mỵ Hoà, Tú Sơn; 30 ha đậu tương, rau tại xã Mỵ Hoà, 4 ha cải bó xôi tại xã Thượng Bì với Công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao (Ninh Bình). Chuỗi ớt 5 ha tại xã Thượng Bì với Công ty ớt Việt Nam. liên kết với Công ty Facific Hoà Bình phát triển 20 ha dưa chuột Nhật.
Ngoài các doanh nghiệp trên, trên địa bàn huyện hiện có 21 HTX, 15 trang trại, 1 nông trại, trong đó có 11 HTX hoạt động theo hình thức liên kết với doanh nghiệp như: HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỵ Hòa, HTX nông nghiệp Mường Động tại xã Tú Sơn, HTX dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì, HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi tại xã Đú Sáng... Đặc biệt, huyện có 3 HTX xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động với 147 ha cây ăn quả có múi; HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thuỷ với 34 ha nhãn; HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hợp Kim quy mô 600 - 800 con lợn đạt tiêu chuẩn VietGap.
Từ thực tế phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết trên địa bàn, Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho rằng: Đã đến lúc người nông dân nên bỏ ý nghĩ tham gia liên kết sẽ được Nhà nước cho cái gì mà phải thấy liên kết cùng doanh nghiệp là để cùng làm ăn, cùng sản xuất và cùng hưởng lợi từ giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản. Dù khó khăn nhưng phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn là một yêu cầu thực tiễn. Điều đó đã được chứng minh bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng trưởng trong nông nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,17% (năm 2016) xuống còn 25,21% năm 2017, thu nhập bình quân đạt trên 18,4 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM.