Hộ nuôi cá lồng Đỗ Đức Nhuận ở khu vực Nhà máy xi măng sông Đà cũ, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) đầu tư, gia cố lồng bè chuẩn bị ứng phó khi thủy điện Hòa Bình xả lũ. ảnh: P.V.
Hầu hết các hộ nuôi cá phía hạ du thủy điện bỗng chốc trắng tay khi Công ty Thủy điện Hòa Bình xả lũ lên tới 8 cửa xả đáy vào năm 2017. ông Đỗ Đức Nhuận, chủ hộ nuôi cá tại khu vực Nhà máy xi măng sông Đà cũ, phường Tân Hòa buồn bã: Hơn 100 lồng cá bị đánh trôi hoàn toàn. Các loại cá nuôi, trong đó chủ yếu là cá đặc sản tầm, lăng, trắm đen, rô phi bị cuốn trôi không thể khắc phục, thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng. Nuôi cá chưa biết khi nào có thể hồi vốn. Hiện tại, tôi tiếp tục đầu tư 20 lồng, mua giống để nuôi cá.
ông Nhuận cho biết: Rút kinh nghiệm năm ngoái, tôi đầu tư gia cố lồng bè, trồng cột bê tông, tách các lồng cá rời nhau. Giả sử khi nhận được thông tin xả lũ, các lồng cá có thể cơ động để cố gắng không bị sóng đánh vỡ. Tuy đã đầu tư và có phương án ứng phó khi hồ xả lũ, nhưng hiện tại các lồng cá chỉ chịu sức ép ở mức 4 cửa xả đáy, chứ hơn thì chịu.
Hiện nay, các địa phương vùng hạ du thủy điện Hòa Bình đang xây dựng và triển khai phương án ứng phó khi hồ Hòa Bình xả lũ theo các cấp. Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang Hoàng Văn Toàn cho biết: Phường đã rà soát các điểm, khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi xả lũ gồm: Một số vị trí tại tổ 13 hay xảy ra ngập úng ở cống Ngòi Dong, do công trình thoát nước hẹp, mưa to, nước hồ dâng cao, có khi tới 2 ngày mới rút; khu vực vạn chài bến phà Quả Lắc, tổ 14; khu vực bãi tập kết cát, sỏi, Thịnh Minh, tổ 8. Phường đã phối hợp với các phòng, ban chức năng của thành phố tổ chức khơi thông dòng chảy các cống thoát nước, khắc phục các vị trí sập cống, tổ chức tuyên truyền cho người dân vùng nguy cơ ngập úng, kiên quyết tổ chức di dời. Đối với bãi cát, sỏi, năm ngoái, do xả lũ toàn bộ cát, sỏi ở ngoài sông bị cuốn trôi, hư hỏng nhiều nhà tạm, phường đang đề nghị các cơ quan chức năng dừng tập kết cát, sỏi, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, thực hiện phương án giải tỏa các cơ sở tập kết, kinh doanh cát, sỏi theo quy định. Phường đã mời 20 hộ dân làng vạn chài ở tổ 14, tuyên truyền các hộ nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, lồng bè, có phương án thu hoạch sớm. Phường cũng đã chuẩn bị phương án huy động lực lượng tại chỗ để ứng cứu người dân và tài sản khi hồ xả lũ, di dời tàu bè vào khu vực cống Ngòi Dong giáp ranh giữa phường Tân Hòa và Thịnh Lang khi xả lũ lớn. Ngoài ra, trong điều kiện xả lũ bình thường sẽ di dời các hộ vạn chài vào khu vực bãi neo đậu tàu, bè trên địa bàn phường.
Trao đổi với ông Nguyễn Đình Chung, Phó phòng Kinh tế, cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Hòa Bình được biết: ứng phó khi Thủy điện Hòa Bình xả lũ là trọng tâm trong phương án PCTT&TKCN năm 2018. Các khu vực nguy cơ cao khi hồ Hòa Bình xả lũ bao gồm: hai bên bờ sông Đà thuộc các phường: Tân Thịnh, Thịnh Lang, Tân Hòa, Phương Lâm, Đồng Tiến; xã Yên Mông, Sủ Ngòi. Thành phố đã xây dựng phương án chi tiết theo từng cấp thủy điện xả lũ. Khi xả lũ lớn sẽ ảnh hưởng quy mô lớn trên diện rộng ở toàn thành phố nếu nước tràn đê cộng với mưa lớn. Chỉ tính xả ở mức 5 cửa 4.500 m3/giây đã ảnh hưởng tới khoảng 250 hộ dân và khoảng hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp ven sông ở hầu hết các địa bàn trên thành phố. ở phương án này, thành phố đã có phương án di dời tới các khu vực cụ thể, trong đó các làng vạn chài di dời đến các nhà văn hóa và bến neo đậu tại phường Thịnh Lang, đã cơ bản hoàn thành quy mô dài 500 m, chiều rộng bờ sông là ba tầng thuyền bảo đảm sức chứa cho các hộ dân khu vực vạn chài Tân Thịnh, Thịnh Lang, Tân Hòa. Nếu ở mức xả trên 6 cửa, có khả năng nước tràn đê, sẽ có phương án di dời trên diện rộng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên địa bàn. Thành phố đang cập nhật thông tin, rà soát các phương án để có sự ứng phó hiệu quả nhất khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, cố gắng giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra, nhất là tính mặng người dân.
Cùng với TP Hòa Bình, UBND huyện Kỳ Sơn - nơi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của xã lũ của Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng đang rà soát vùng hạ lưu để triển khai các phương án truyên truyền, vận động người dân tự bảo vệ tài sản, tính mạng, tổ chức giải tỏa hành lang đê điều, sẵn sàng phương án ứng cứu khi cần thiết, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ thủy điện cũng như thiên tai gây ra.
L.C