Theo đồng chí Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình, thành phố có 5 khu vực nguy cơ cao lũ ống, lũ quét; 6 khu vực nguy cơ sạt lở do lũ sông, suối; 7 khu vực nguy cơ sạt lở taluy đồi nguy hiểm; 7 khu vực nguy cơ ngập úng cục bộ. Ngoài ra, toàn địa bàn có hơn 300 cống các loại, đặc biệt, có 4 tuyến đê, trong đó 3 tuyến đê cấp II và 1 tuyến đê cấp 4; có hồ thủy điện Hòa Bình, 8 công trình hồ thủy lợi vừa và nhỏ...
Năm 2018, dự báo tình hình thời tiết diễn biến bất thường, công tác phòng, chống lũ bão được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ngay từ đầu năm, TP Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo và đề ra các giải pháp ứng phó chủ động, xử lý tình huống giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão năm nay.
Cụ thể, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hòa Bình xác định nhiệm vụ tiêu úng nội thành khi mưa lớn xảy ra là đặc biệt quan trọng. Do đó, thành phố chỉ đạo phòng Kinh tế giám sát hoạt động của Trạm bơm Quỳnh Lâm, duy trì hoạt động 5 máy bơm, 15 máy bơm nước cơ động đảm bảo công suất 9.000 m3/giờ, sẵn sàng bơm nước khi cần.
Đặc biệt, thành phố tổ chức Chiến dịch ra quân làm thủy lợi. Trong chiến dịch ra quân đợt I/2018, thành phố đã nạo vét trên 4.000m3 bùn, đất trên hệ thống kênh mương. Tiếp tục duy trì hoạt động của 4 đại đội xung kích với 200 người cơ động ứng cứu, trong đó xung kích tập trung trên đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm và các đập quan trọng. ở mỗi xã, phường đều thành lập 2 đội xung kích sẵn sàng tham gia khi bão, lũ xảy ra.
Hiện nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hòa Bình đã chuẩn bị 200 rọ thép, 1.000 cọc tre; 200 áo phao, 250 phao tròn cứu sinh, 3.000 bao tải dứa, 2 nhà bạt, 500 m vải bạt, 270 m3 đá hộc, 200 cuốc, xẻng, xà beng và các dụng cụ khác. Về phương tiện, hợp đồng đảm bảo phương tiện gồm 10 ô tô tải từ 5-10 tấn; 20 xe ô tô từ 20 - 45 chỗ ngồi; 2 máy xúc, 1 máy ủi, 1 xuồng máy cao tốc, 15 thuyền máy, 12 xe ô tô chỉ huy hộ đê và phòng, chống thiên tai. Dự trữ đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tối thiểu cho 200 người trong 7 ngày.
Cũng theo đồng chí Đỗ Việt Triều, để chủ động phòng, chống lũ bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Phương châm của thành phố là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy chủ động phòng, tránh là chính.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 6/3/2018 về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Trong đó yêu cầu lãnh đạo các phòng ban, cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền phường, xã, MTTQ và các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách đó là: Quán triệt công tác phòng chống lũ bão là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất; tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, xem nhẹ việc phòng, chống lũ bão. Chủ động chuẩn bị các điều kiện và phương án đối phó tại chỗ kịp thời khi lũ bão, úng ngập xảy ra.
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các xã, phường thường xuyên kiểm tra các tuyên đê, kè, bai, hồ, đập, nhất là các tuyến đê, phát hiện và sửa chữa kịp thời các công trình phòng chống lũ bão. Tiến hành rà soát, bổ sung các phương án phòng, chống lũ bão của các cấp, ngành, đặc biệt là các phường, xã, đảm bảo chủ động, hiệu quả cao.
Các lực lượng: công an, quân đội chú trọng xây dựng kế hoạch và chủ động phối hợp xử lý các tình huống khi lũ bão xảy ra. Tăng cường kiểm tra theo phương châm "4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đồng thời chuẩn bị đủ số lượng, chất lượng vật tư dự phòng, phương tiện, bố trí đủ lực lượng thường trực phòng chống lũ bão.
Hồng Trung