(HBĐT) - Trong phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) năm 2018 của huyện Lạc Sơn, hệ thống công trình thủy lợi, nhất là các công trình hồ chứa đang thi công là khu vực trọng điểm cần được chú trọng bảo vệ trong cao điểm mùa mưa bão.

Cùng với công tác khắc phục hậu quả, huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống lũ bão, nhất là ở những vị trí xung yếu. Hiện đã bước vào cao điểm mùa mưa bão, do đó một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với công tác phòng, chống lũ bão là đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ chứa thủy lợi, vốn đã được xác định là những điểm xung yếu cần chú trọng bảo vệ để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra. 


Công trình hồ Vốc, xã Xuất Hoá (Lạc Sơn) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo yêu cầu chống lũ và cung cấp nước tưới ổn định cho 50 ha lúa 2 vụ của xóm Vốc. 

Theo thống kê, năm 2017 thiệt hại về thuỷ lợi do mưa bão ở huyện Lạc Sơn trên 50 tỷ đồng. Mưa bão làm hư hỏng một số kênh mương, bai tạm. Một số hồ xuống cấp, bị sạt lở, xói mòn như: hồ Thím, xã Hương Nhượng; hồ Rộc Chu, xã Văn Sơn; hồ Đảng, xã Chí Thiện; hồ Vành, hồ Rộc Con, xã Thượng Cốc; hồ Rộc Khưa, xã Xuất Hóa; hồ Khoang Chia, hồ Cốc Quân, xã Yên Nghiệp…
 
Một số hồ đập đã tích đủ nước và đều đã chảy tràn, làm sói lở và hư hỏng một số đường tràn như hồ Khả, xã Quý Hòa, hồ Vành, hồ Rộc Con, hồ Mạnh Đạng, xã Thượng Cốc; hồ Rộc Chu, xã Văn Sơn; hồ Cành, xã Bình Chân; hồ Rả, xã Yên Phú; hồ Tráng Đụn, xã Bình Cảng…
 
Qua rà soát, đến nay, toàn huyện Lạc Sơn có 222 công trình thủy lợi, gồm 13 trạm bơm, 163 hồ chứa, 46 bai dâng, trong đó có 45 công trình do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình quản lý. Phần lớn các công trình thủy lợi được đầu tư hàng chục năm trước, qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng khá tốt yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, qua rà soát, huyện đang tăng cường kiểm tra hệ thống hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi, hồ, bai, đập, xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho công trình.
 
Toàn huyện hiện có hơn 20 công trình thủy lợi hư hỏng do ảnh hưởng thiên tai năm 2017. Hiện nay, nhiều công trình đang được nâng cấp sửa chữa, đảm bảo an toàn phòng, chống lũ bão. Các công trình hồ, đập được triển khai thi công theo hình thức cấp bách "vừa thiết kế, vừa thi công” đã đảm bảo tích nước phục vụ sản xuất. Theo đó, các công trình hồ, đập bị thiệt hại nặng cần được cấp bách sửa chữa đã được bố trí vốn trên 25 tỷ đồng hiện đang thi công gồm: nâng cấp Bai Đủi, xã Văn Nghĩa; kè chống sạt lở suối Miều sau tràn hồ Khả, xã Quý Hòa; hồ Vành, xã Thượng Cốc, hồ Động Vơng, xã Chí Thiện; hồ Mạnh Đạn, xã Thượng Cốc; hồ Quéo, xã Bình Cảng; ngầm xóm Cát, xã Yên Phú; hồ Tưa, xã ân Nghĩa; hồ Rộc Khưa, Rộc Ngán, xã Xuất Hóa; hồ Xanh Bảy, xã Miền Đồi; bai Liên Vũ, thị trấn Vụ Bản. Ngoài ra, huyện đầu tư sửa chữa đường giao thông từ xã Yên Phú đi xã Văn Nghĩa dài gần 1,5 km; tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hạng mục, công trình đảm bảo vượt lũ trong mùa mưa bão.
 
Trong các công trình thủy lợi trọng điểm đang được đầu tư sửa chữa, nâng cấp trên địa bàn huyện Lạc Sơn, công trình hồ Vốc, xã Xuất Hoá do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi thực hiện đang có điểm dừng kỹ thuật đảm bảo yêu cầu chống lũ năm 2018. Công trình được khởi công hạng mục đầu mối giai đoạn 1, năm 2014, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành các hạng mục. Đến thời điểm tháng 7/2018, công trình đã hoàn thành 85% so với thiết kế. Trong đó những hạng mục hoàn thành gồm: phần thân đập đã thi công đạt cao trình đỉnh đập theo thiết kế, đổ bê tông ốp mái thượng lưu đập, thay cống bê tông bằng cống thép, lắp đặt van điều tiết hạ lưu. Đơn vị thi công cho biết, sau khi mùa mưa bão kết thúc sẽ tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công hoàn tất các hạng mục còn lại, trong đó quan trọng là hoàn thiện phần lát mái đập thượng lưu và hạ lưu, đổ bê tông mặt đập, lắp cửa nhà bảo vệ và nạo vét khu vực thượng lưu trong lòng hồ. Phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối năm 2018. Khi đưa vào sử dụng, công trình có nhiệm vụ cung cấp nước tưới ổn định cho 50 ha lúa 2 vụ của xóm Vốc, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho các khu vực này.
 
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN &PTNT, Thường trực Ban chỉ huy PCTT &TKCN huyện Lạc Sơn khẳng định: Trước mùa mưa bão năm nay, huyện đã kiểm tra, rà soát, xác định những nguy cơ tại các công trình thủy lợi để xây dựng phương án phòng, chống lũ bão cụ thể, hữu hiệu cho từng loại công trình. Qua kiểm tra yêu cầu các xã có công trình hồ chứa; các chủ xây dựng đang thi công các công trình hồ chứa lập phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ theo quy định. Đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành một số hạng mục vượt lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và người dân, đảm bảo yêu cầu chống lũ năm 2018.
 
Đến thời điểm này, nhìn chung, hệ thống công trình thủy lợi trong huyện vẫn hoạt động tốt, BCH PCTT&TKCN huyện đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động với phương châm "4 tại chỗ” với mục tiêu "phòng là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng” để giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão 2018.

 

                                                                          Đinh Thắng

Các tin khác


Trung Bộ duy trì nắng nóng, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 22/8, nắng nóng diện rộng tiếp tục xảy ra ở các tỉnh ven biển Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Thực hiện Tháng cao điểm chỉ đạo phòng trừ dịch hại bảo vệ lúa vụ mùa năm 2018

(HBĐT) - Ngày 20/8, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 238/TT&BVTV-BVTV về việc thực hiện Tháng cao điểm chỉ đạo phòng trừ dịch hại bảo vệ lúa vụ mùa năm 2018. Theo đó,  từ nay đến cuối tháng 9/2018 sẽ tăng cường công tác chỉ đạo phòng trừ dịch hại trên cây lúa để góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với sản xuất vụ mùa năm nay.

Xây dựng thương hiệu cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi, khai thác thủy sản nước ngọt, đặc biệt hồ thủy điện sông Đà địa phận tỉnh rộng gần 8.900 ha, phong phú các loài cá, trong đó nhiều loài quý hiếm. Cùng với khai thác tự nhiên, những năm qua, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh, đối tượng nuôi đa dạng. Các sản phẩm tôm, cá nuôi và khai thác tự nhiên chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố tin dùng, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Phòng, tránh bệnh cho vườn cam ngập nước

(HBĐT) -Theo thống kê của Phòng NN & PTNT huyện Cao Phong, trong đợt mưa lũ vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, cả huyện có 78 ha bị ngập, úng, trong đó, 48 ha cam bị ngập. Diện tích ngập, úng tập trung ở đội 6, đội Tây Phong và diện tích ven suối. Những điểm ngập này do nằm vùng lòng chảo không có đường thoát nước. Diện tích cam ngập nước đã xuất hiện hiện tượng vàng lá, rụng quả, ảnh hưởng đến năng suất cây.

Hiệu quả mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường”

Bước chân vào Lữ đoàn 454 (Quân khu 3), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là khuôn viên rất bắt mắt, màu xanh của cây, màu sắc rực rỡ của hoa lá tạo cho khung cảnh đơn vị đẹp tựa bức tranh khổng lồ.

Thủ tướng Chính phủ dự lễ công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam

Ngày 19-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế. Cùng dự, có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Vũ Ðức Ðam, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục