Công tác đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm, đảm bảo đáp ứng cơ bản yêu cầu ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố đã có máy chủ, mạng nội bộ (LAN) và kết nối internet băng thông rộng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai tại 63 điểm, trong đó có 33 điểm là các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư nâng cấp hạ tầng với quy mô 13 máy chủ và thiết bị, đáp ứng yêu cầu trong việc quản trị hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT và triển khai các phần mềm dùng chung, các dịch vụ công trực tuyến.
Trong thời gian qua, phần mềm văn phòng điện tử đã được triển khai đến 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Tại cấp huyện được triển khai đến 100% phòng, ban chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố và 80% xã trên địa bàn tỉnh, tạo bước tiến lớn trong công tác quản lý, điều hành và xử lý công việc. Hoạt động trao đổi văn bản điện tử được tăng cường, bao gồm các loại văn bản: thông báo, giấy mời, thông báo kết luận, văn bản nội bộ, lịch công tác, công văn, văn bản quy phạm pháp luật… giúp giảm chi phí giấy tờ, tài liệu, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động. 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã sử dụng chữ ký số và công bố phương thức trao đổi văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số trên môi trường mạng.
Hiện, 80% thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, các huyện được đưa lên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của các đơn vị. 95% văn bản nội bộ của các cơ quan, đơn vị được trao đổi dưới dạng điện tử, không sử dụng văn bản giấy (văn bản xem để biết, dự thảo xin ý kiến, giấy mời họp, tài liệu cuộc họp). 90% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được trao đổi dưới dạng điện tử song song với văn bản giấy. 30% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử, không sử dụng văn bản giấy. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm triển khai sử dụng phần mềm quản lý chuyên ngành đem lại hiệu quả cao như phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức của Sở Nội vụ; phần mềm về tiếp công dân và xử lý đơn thư của Thanh tra tỉnh; phần mềm chứng chỉ hành nghề xây dựng, tính toán kết cấu, tính dự toán, chứng chỉ môi giới và định giá bất động sản của Sở Xây dựng; phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch của Sở Tư pháp…
Việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được tỉnh hết sức chú trọng và đẩy mạnh thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, hướng đến tạo sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Đến nay, phần mềm một cửa điện tử dùng chung đã được triển khai ứng dụng tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và kết nối đến 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Việc luân chuyển hồ sơ TTHC giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình giải quyết TTHC đã được thực hiện trên hệ thống. Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh hiện cung cấp 2.020 dịch vụ công mức 1, mức 2. Các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 từng bước được triển khai, trong đó, mức 3 có 317 dịch vụ công, mức 4 có 4 dịch vụ công.
Để xây dựng nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu công việc, hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều tổ chức đào tạo, tập huấn về CNTT nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về CNTT, kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT, quản trị chuyên sâu… cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan, đơn vị được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an ninh, an toàn thông tin, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 2019, tỉnh đề ra những mục tiêu cụ thể trong ứng dụng CNTT về hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực CNTT. Trong đó, triển khai phần mềm văn phòng điện tử kết nối liên thông phục vụ công việc tại 100% xã trên địa bàn tỉnh; 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giao dịch điện tử; 100% văn bản trình UBND tỉnh, 100% văn bản trao đổi giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử; 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố ứng dụng phần mềm một cửa điện tử để cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp…
Hà Thu