(HBĐT) - Đối với người dân xã Đú Sáng (Kim Bôi), ngầm Quèn Kẻo có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng khi nối liền các xóm khu A và khu B, góp phần tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa thúc đẩy phát triển KT-XH. Hiện nay, thiết kế kỹ thuật của ngầm không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông nguồn nước lũ, khiến ngầm thường xuyên bị ngập vào mùa mưa. Do đó, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của khoảng 500 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu thuộc các xóm: Bãi Tam, Gò Bùi, Vó Mái, Đồng Bãi…
Ngầm Quèn Kẻo, xã Đú Sáng (Kim Bôi) thiết kế kỹ thuật không đảm bảo tiêu chuẩn để lưu thông nước lũ trong mùa mưa.
Qua tìm hiểu được biết, ngầm Quèn Kẻo được xây dựng năm 2001 với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn dễ dàng giao thương, vận chuyển hàng hóa. Ngầm được xây dựng kiên cố với chiều dài khoảng 50 m, chiều rộng 5 m, có 8 cửa thoát nước, mực nước sâu khoảng 2-3 m. Khảo sát thực tế cho thấy, thiết kế mặt ngầm thấp hơn so với lượng nước từ thượng nguồn chảy về. Các công trình phụ trợ như cọc tiêu, biển báo đã hư hỏng do nước lũ tàn phá. Cống thoát nước bị đất, đá và cành cây bồi lấp khiến nước lũ không thể lưu thông. Vì vậy, trong mùa mưa kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, nước lũ đổ dồn về khiến ngầm bị ngập úng, độ sâu khoảng 2 m. Người dân không thể di chuyển qua khu vực ngầm, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ngưng trệ.
Ông Bùi Văn Thuấn ở xóm Bãi Tam trăn trở: "Thường xuyên di chuyển qua khu vực ngầm Quèn Kẻo, tôi và các hộ dân sinh sống ở khu vực Đú Sáng B cảm thấy rất bất tiện và lo lắng khi mùa mưa đến. Nước từ thượng nguồn chảy về rất xiết không thể di chuyển qua ngầm. Không dưới 2 lần tôi bị mắc kẹt không thể về nhà vì nước lũ dâng cao. Một số người cố tình vượt ngầm đã bị cuốn trôi xe, rất may không có thiệt hại về người. Hàng hóa nông sản của gia đình bị ứ đọng, mắc kẹt khoảng 1 tuần mới có thể vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Do đó, chất lượng sản phẩm không được tươi ngon như lúc mới thu hoạch”.
Không chỉ riêng gia đình ông Thuấn, rất nhiều hộ dân sinh sống tại 4 xóm thuộc vùng Đú Sáng B đều chịu chung hoàn cảnh như vậy. Theo thống kê, khu vực trên có hơn 100 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây màu như rau, đậu, bí xanh, bí đỏ... Đây là những giống cây trồng chủ lực góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngầm Quèn Kẻo có vai trò liên kết, vận chuyển hàng hóa đến thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, việc ngầm Quèn Kẻo không còn phát huy được hiệu quả ít nhiều đã ảnh hưởng đến giá trị cây trồng. Thời điểm thu hoạch màu vào khoảng tháng 7, trùng với thời gian thường xuyên xảy ra mưa lớn, lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng, dẫn tới tình trạng xe tải chở hàng không thể lưu thông. Một số tư thương sử dụng xe tải cỡ lớn vượt ngầm thu mua nông sản tại vườn của các hộ dân, nhưng giá thành thường thấp hơn khi trực tiếp vận chuyển đến thị trường tiêu thụ. Cụ thể, nếu thời tiết thuận lợi, bí xanh bán được giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, nếu tư thương thu mua tại vườn chỉ bán được giá 2.500 – 3.000 đồng/kg.
Không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế, ngầm Quèn Kẻo còn gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Việc di chuyển qua ngầm vào mùa mưa cũng đặc biệt nguy hiểm đến sự an toàn của bà con trong vùng. Ngoài ra, các thầy, cô giáo công tác tại điểm trường TH&THCS Đú Sáng B thường xuyên phải nghỉ dạy bởi không thể vượt ngầm lên lớp. Ngược lại, học sinh bậc THPT đang theo học tại trường THPT 19/5 cũng buộc phải nghỉ học.
Đồng chí Bùi Thanh Sướt, Chủ tịch UBND xã Đú Sáng cho biết: "Trong những năm qua, ngầm Quèn Kẻo được xác định là "điểm nghẽn" giao thông trong mùa mưa bão. Xã mong muốn Nhà nước sớm hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp, sửa chữa ngầm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Đồng thời, xã sẽ tuyên truyền người dân đóng góp ngày công lao động, nâng cao ý thức giữ gìn, dọn dẹp vệ sinh khu vực ngầm. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng lưu thông, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.
Đức Anh
(HBĐT) - Sở Y tế vừa có Văn bản số 618/SYT-VP ngày 20/3/2020 về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở bán thuốc chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định.
(HBĐT) - Vừa qua, hạt dổi Chí Đạo, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) đã được UBND tỉnh chấm điểm, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là cơ hội lớn để đưa hạt dổi Chí Đạo vươn xa hơn nữa, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân ở Mường Be.
Các nhà mạng đã thực hiện miễn cước kết nối, cước nhắn tin cho khách hàng nhắn tin ủng hộ phòng chống COVID-19.
(HBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Đà Bắc, trong những năm qua, UBND xã Cao Sơn đã thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, công khai thủ tục hành chính (TTHC) và kịp thời kiểm soát các TTHC, góp phần cải cách TTHC trên địa bàn.