(HBĐT) - Thông qua đường dây nóng của Báo Hòa Bình (0911.237.766), người dân thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) phản ánh về việc nguồn nước sinh hoạt do Xí nghiệp cấp nước Lạc Sơn (thuộc Công ty CP Nước sạch Hòa Bình) cung cấp cho người dân bị ô nhiễm, nước có màu vàng, vẩn đục, không đảm bảo chất lượng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân... Báo Hòa Bình đã cử phóng viên về tìm hiểu, làm rõ.


Mẫu nước được lấy tại Huyện ủy Lạc Sơn vào sáng 22/10/2020 được test nhanh chỉ số độ đục (NTU) cho kết quả cao hơn 1,5 lần mức cho phép.

Bức xúc vì nước sinh hoạt có màu vàng, vẩn đục

Từ thông tin của người dân, chúng tôi đến Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lạc Sơn. Đây là đơn vị tiếp nhận mẫu nước có màu vàng, vẩn đục người dân lấy tại vòi trong buổi sáng 22/10/2020 mang đến kiến nghị. Theo cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, hiện đơn vị vẫn giữ lại 1/2 chai nước (loại 500 ml). 1/2 chai nước còn lại đã được gửi đi giám định tại các cơ quan chuyên môn ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân. Qua quan sát, mẫu nước còn lại trong chai màu vàng, nhiều vẩn đục.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hồng, một hộ dân sử dụng nước sinh hoạt do Xí nghiệp cấp nước Lạc Sơn cung cấp ở phố Tân Giang, thị trấn Vụ Bản bức xúc: Gia đình tôi sử dụng nước do Xí nghiệp cấp nước Lạc Sơn cung cấp từ nhiều năm qua. Quá trình sử dụng, nhiều lần chúng tôi gặp tình trạng nước từ vòi chảy ra màu vàng, vẩn đục, có thời điểm xả một lúc thì hết, nhưng cũng có thời điểm phải xả một lúc lâu tình trạng này mới hết. Chị Phạm Thị Bình, một hộ dân cũng sử dụng nước sinh hoạt do Xí nghiệp cấp nước Lạc Sơn cung cấp cùng ý kiến: Gia đình tôi nhiều lần gặp phải tình trạng nước từ vòi chảy ra có màu vàng, vẩn đục và đã phản ánh lên cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khu phố Thống Nhất, thị trấn Vụ Bản cho biết: Thực tế tình trạng này đã xảy ra nhiều lần. Hầu như trong các cuộc họp HĐND thị trấn, HĐND huyện, hay trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều có kiến nghị cung cấp nguồn nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân. Mới đây nhất, tôi nhận được phản ánh của người dân về việc nguồn nước sinh hoạt do Xí nghiệp cấp nước Lạc Sơn cung cấp có màu vàng, vẩn đục. Có những ngày không vẩn đục thì nước có mùi nồng nặc khó chịu. Thực tế, là một hộ sử dụng nước sinh hoạt do đơn vị này cung cấp, gia đình tôi cũng đã nhiều lần ghi nhận tình trạng này.

Tiếng nói người trong cuộc

Làm việc với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Lạc Sơn cho biết: Công trình hệ thống xử lý, cung cấp nước cho người dân thị trấn Vụ Bản được xây dựng từ cuối năm 2004, bắt đầu đi vào vận hành đầu năm 2005. Công trình có năng lực cung cấp khoảng 700 m3 nước sinh hoạt/ngày, đêm, do Xí nghiệp cung cấp nước sạch, thuộc Công ty CP Nước sạch Hòa Bình quản lý. Hiện, xí nghiệp đang cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.600 hộ dân và các cơ quan, công sở trên địa bàn thị trấn Vụ Bản. Hệ thống xử lý, cung cấp nước sinh hoạt vận hành theo quy trình lấy nước từ sông Bưởi (nguồn nước thô) qua giếng bơm về hệ thống xử lý đến bể trộn, rồi chuyển sang bể lắng lọc, chuyển tiếp sang hệ thống khử trùng và được đưa đến bể chứa thành phẩm. Từ đây, nguồn nước thành phẩm được phân phối đến các hộ theo hệ thống đường ống khép kín. Hệ thống vận hành đảm bảo quy trình áp dụng quy chuẩn chất lượng nước sinh hoạt của Bộ Y tế. Hàng quý đều thực hiện việc kiểm tra đảm bảo chất lượng nước theo định kỳ 3 tháng 1 lần. Lần kiểm tra gần đây nhất vào tháng 9/2020. Ngoài ra, trước khi cấp nước tới khách hàng sử dụng, đơn vị cũng thực hiện việc tự kiểm tra chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên, thực tế trao đổi, tất cả những mẫu nước được gửi đi kiểm định do tự công ty lấy mẫu và gửi cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình để xét nghiệm, ông Hùng thừa nhận không có hoạt động giám sát khi lấy các mẫu nước này.

Liên quan phản ánh của người dân, ông Hùng cho rằng: Về chất lượng nguồn nước, chúng tôi chỉ quản lý chất lượng từ đường ống đến đồng hồ; quản lý chất lượng nước từ vòi ra. Do vậy, mẫu nước người dân cung cấp cho cơ quan chức năng chúng tôi cũng không dám khẳng định đấy có phải là nguồn nước do xí nghiệp cung cấp hay không (?!). Để minh chứng cho điều này, ông Hùng đưa chúng tôi đi thị sát và kiểm tra trực tiếp hệ thống xử lý nước của xí nghiệp. Tại đây, qua lấy mẫu kiểm tra thực tế để test nhanh bằng máy đo độ đục (NTU) của xí nghiệp vào khoảng 14h45’, ngày 23/10/2020, mẫu nước vẫn đảm bảo trong giới hạn cho phép khi chỉ số đo đạt 4,07 NTU (theo QCNV 02:2009/BYT của Bộ Y tế quy định mức độ NTU đối với nước sinh hoạt từ 2 - 5 NTU). Tuy nhiên, tại phòng làm việc của ông Hùng, qua test nhanh NTU mẫu nước do nhân viên xí nghiệp đến lấy tại Huyện ủy Lạc Sơn vào sáng 22/10/2020, với sự chứng kiến của cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện lại cho một kết quả khác biệt. Khi chỉ số NTU mẫu nước này là 7,86, vượt 1,5 lần mức độ cho phép.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Nước sạch Hòa Bình cho biết: Trên thực tế, về vấn đề kỹ thuật, chúng tôi cho rằng nước đã qua xử lý mà đục hơn nước đầu vào (nước sông) là một điều không thực tế. Bởi chúng tôi xây dựng hệ thống xử lý ngay tại giếng thu đã được thiết kế là một bộ phận sơ lắng, lọc trước khi bơm lên hệ thống xử lý. Tại hệ thống xử lý, nguồn nước thô cũng đã được xử lý theo một hệ thống tuần hoàn khép kín. Chất lượng nguồn nước thành phẩm trước khi cung ứng đến các hộ sử dụng đều được kiểm tra.

Tuy vậy, "vấn đề này phía công ty sẽ nhận trách nhiệm. Hiện, chúng tôi cũng chưa có đánh giá chính xác nguyên nhân do đâu, nên phải theo dõi, kiểm tra lại để xử lý một cách triệt để” - ông Nguyễn Duy Hùng nhấn mạnh.


Nhóm PV Phòng Bạn đọc - Tư liệu


Các tin khác


Ngày hội kết nối Mai Linh SmartCar tại TP Hoà Bình

(HBĐT) - Sáng ngày 24/10, Công ty Mai Linh Hoà Bình tổ chức Ngày hội kết nối cộng đồng lái xe công nghệ với tên gọi Mai Linh SmartCar. Tham dự có đại hiện hãng Taxi Mai Linh Hoà Bình cùng các nhân viên lái xe chuyên nghiệp của hãng. Đặc biệt có sự hiện diện của các nhà đầu tư, đối tác có xe ô tô mong muốn đăng ký tham gia vào lĩnh vực vận tải Taxi theo nền tảng công nghệ 4.0 của Mai Linh.

Xã Đa Phúc - xanh thẳm rừng đại ngàn

(HBĐT) - Đặt chân vào rừng nguyên sinh ở xóm Nhuội, xã Đa Phúc (Yên Thủy) mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến. Dưới tầng tầng, lớp lớp những tán cây cổ thụ, bóng nắng không xuyên qua được rừng già, không khí trong lành, mát mẻ. Mới 14h mà anh Trương Đức Hoàng, cán bộ lâm nghiệp xã Đa Phúc đã nhắc khéo: "Các anh tác nghiệp khẩn trương nhé, trong rừng già trời nhanh tối lắm”.

Mở hướng nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở

(HBĐT) - Xu hướng mới "3 năm 2 bằng” 

Vợ chồng chị Ngần Thị Sứ ở xóm Mỏ, xã Chiềng Châu (Mai Châu) đưa con trai là Hà Công Vinh đến trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật nhập học. Vinh tốt nghiệp trường THCS Chiềng Châu với học lực trung bình khá. Qua tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng, em biết đến chương trình vừa học THPT vừa học trung cấp nghề đã xin bố mẹ nộp hồ sơ đăng ký ngành học quản lý khách sạn. Trong 2 ngày làm thủ tục nhập học cho sinh viên K22 hệ trung cấp, nhà trường phát 200 phiếu ăn miễn phí cho phụ huynh và học sinh ở xa. Chị Ngần Thị Sứ chia sẻ: Đưa con xuống trường thấy cơ sở vật chất nhà trường khang trang, có ký túc xá cho sinh viên ở xa, thầy, cô giáo nhiệt tình, chúng tôi rất yên tâm cho con theo học tại đây.

Tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại xã Cư Yên

(HBĐT) - Ngày 22/10, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Sơn tổ chức hội nghị tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng tại xã Cư Yên.       

Hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(HBĐT) - Ngày 14/1/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ về lâm nghiệp cho các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng; trách nhiệm của trưởng xóm, bản, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, hoạt động trong rừng, ven rừng. Qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; tạo sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng.

35 nông dân xã Ngọc Sơn được cấp giấy chứng nhận nghề trồng rau an toàn

 (HBĐT) - Ngày 21/10, tại xã Ngọc Sơn, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp Hội Nông dân huyện Lạc Sơn tổ chức lễ bế giảng lớp dạy nghề trồng rau an toàn cho 35 học viên là hội viên nông dân xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục