Đoàn viên phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) sẵn sàng hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Tháng 8/2017, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập, cập nhật công khai các thủ tục hành chính (TTHC). Từ ngày 1/7/2019, Cổng DVC của tỉnh chính thức vận hành với tên miền dichvuconghoabinh.gov.vn giải quyết DVCTT phục vụ tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ngày 9/12/2019, Cổng DVC của tỉnh được kết nối với Cổng DVC quốc gia, hiện cung cấp 386 DVCTT mức độ 3, 108 DVCTT mức độ 4. Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đồng bộ cập nhật, bổ sung các DVCTT mức độ 3, 4. Kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVC quốc gia để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết TTHC.
Giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dành cho chương trình mục tiêu CNTT trên 39 tỷ đồng (ngân sách T.Ư 19,720 tỷ đồng, ngân sách địa phương 19,370 tỷ đồng).
Sở KH&ĐT là một trong những đơn vị tích cực trong cung cấp và thực hiện DVCTT mức độ 3, 4. Thực hiện cơ chế giải quyết TTHC "4 tại chỗ” tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với lĩnh vực đăng ký thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Giai đoạn 2017 - 2020, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 8.392 hồ sơ TTHC. Trong đó có 6.017 hồ sơ giải quyết theo DVCTT mức độ 3, 4; rút ngắn thời gian so với quy định từ 1/2 - 1 ngày làm việc. Tuy nhiên, việc thực hiện đăng ký hồ sơ qua mạng gặp nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bùi Thị Hạnh cho biết: Các tổ chức, cá nhân chưa nghiên cứu kỹ các thủ tục, hồ sơ, thể thức văn bản. Nhiều hồ sơ Phòng Đăng ký kinh doanh phải trả lời thông báo đề nghị tổ chức, cá nhân bổ sung nhiều lần, thậm chí có doanh nghiệp phải bổ sung 5 - 6 lần dù đã có thông báo sửa đổi nội dung cụ thể. 70% hồ sơ qua mạng phải bổ sung, sửa đổi.
Thời gian qua, TP Hòa Bình quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân trong việc đẩy mạnh giải quyết TTHC qua DVCTT mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích. Từ năm 2017 - tháng 9/2020, toàn thành phố đã tiếp nhận, giải quyết 45.867 hồ sơ TTHC, trong đó 2.068 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4. Con số đó cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng lượng hồ sơ giải quyết theo mức độ 3, 4 chưa nhiều. Công chức tư pháp - hộ tịch các phường, xã phải nhập dữ liệu hồ sơ cùng lúc trên 3 phần mềm với 2.000 - 3.000 hồ sơ/ngày, dẫn đến quá tải công việc, chậm trả kết quả.
Các sở, ngành như GTVT, TN&MT, Xây dựng… cũng chung hiện thực như vậy; lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết ở mức độ 3, 4 ít, thậm chí chưa phát sinh. Đơn cử như lĩnh vực TN&MT cấp tỉnh có 42/91 TTHC, cấp huyện 9/15 TTHC được xây dựng thực hiện DVCTT mức độ 3, 4, nhưng chưa có hồ sơ nào được tiếp nhận, giải quyết theo mức độ này. Đối với Sở Xây dựng cung cấp 29 DVCTT mức độ 3, 4 nhưng cũng chưa tiếp nhận hồ sơ nào.
Công chức Nguyễn Thị Hải Yến được Sở Xây dựng phân công làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho rằng: "3 lý do chính khiến chưa phát sinh DVCTT mức độ 3, 4 là: Hồ sơ lĩnh vực xây dựng có các bản vẽ, thiết kế, tổ chức, cá nhân khi thực hiện DVCTT phải scan, dung lượng lớn, tải lên hệ thống để nộp rất chậm, ngay cả cán bộ cũng gặp khó khi thực hiện thao tác; phần mềm điện tử còn những hạn chế; tổ chức, cá nhân chưa thành thạo CNTT, chưa mặn mà thực hiện DVCTT. Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hải Lâm đánh giá: Phần mềm chữ ký số mất nhiều thao tác, nhiều văn bản không ký được do xảy ra lỗi.
Từ thực tế trên, các sở, ngành, đơn vị đều kiến nghị cần nâng cao trình độ CNTT cho cả cán bộ, công chức và người dân. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn thực hiện DVCTT đến các tổ chức, cá nhân; đã có "cung” thì cũng cần những "công dân điện tử”. Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, đồng bộ hóa về hạ tầng kỹ thuật phần mềm, các quy trình giải quyết TTHC; nâng cấp phần mềm chữ ký số, phần mềm điện tử.
Cẩm Lệ