Các đại biểu trao tặng cây giống và tham gia trồng cây tại xóm Cơi, xã Vũ Bình (Lạc Sơn).
Hợp phần Quản
lý rừng bền vững, Dự án VFBC được triển khai đã và đang thúc đẩy quan hệ
hợp tác giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các hộ trồng rừng quy mô
nhỏ thông qua 12 thỏa thuận hợp tác phát triển chuỗi giá trị keo bền vững được
ký kết với nguồn vốn huy động hơn 89 triệu USD. Ước tính đến cuối chu trình của
dự án sẽ có 15.000 người dân được hưởng lợi, cải thiện sinh kế, có việc
làm ổn định từ rừng và 29.700 ha rừng keo đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Tại Hòa Bình, dự
án được triển khai từ năm 2021 với tổng số vốn tài trợ hơn 2 triệu
USD. Dự án gồm 5 tiểu hợp phần là cải thiện và mở rộng mô hình quản lý rừng
cộng đồng; thúc đẩy doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn các cộng đồng sống phụ
thuộc rừng; cải tiến các thực hành quản lý rừng sản xuất; huy động nguồn
lực trong nước cho quản lý, bảo vệ rừng và tiểu hợp phần tăng cường hệ thống
thực thi pháp luật đối với các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.Dự kiến, sau khi thực
hiện các tiểu hợp phần sẽ có 12 nghìn người được hưởng lợi từ các hoạt động
sinh kế, 5 nghìn người được bồi dưỡng tập huấn, đồng thời nâng cao năng
lực cho 14 tổ chức, đề xuất 7 chính sách, hỗ trợ 8 doanh
nghiệp và quản lý bảo vệ tốt 52 nghìn ha rừng.
Tại lễ phát động, Ban Quản lý dự án VFBC tỉnh Hòa Bình bàn giao một triệu cây keo giống và 192 kg hạt giống keo chất lượng cao cho hơn 400 hộ trồng rừng, phần lớn là đồng bào dân tộc Mường của 9 xã thuộc hai huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, gồm:Bình Hẻm, Nhân Nghĩa, Tân Lập, Quyết Thắng, Vũ Bình, Yên Phú, Yên Nghiệp, Lạc Lương và Lạc Sỹ. Đoàn Thanh niên Bộ NN&PTNT trao tặng người dân 1.000 cây dổi bản địa để trồng tại xóm Cơi, xã Vũ Bình và một số điểm phân tán trên địa bàn tỉnh.
P.L