Công an xã Hiền Lương (Đà Bắc) bố trí cán bộ đến tận nhà dân hỗ trợ thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân nhằm phục vụ hiệu quả chương trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số
Như nhiều người dân trên địa bàn, ban đầu vợ chồng anh Bùi Văn Phượng ở xóm Bưa Sen (xã Nánh Nghê) rất ngại khi được tuyên truyền, vận động cài đặt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) trên điện thoại di động. Bởi lẽ, từ khi mua điện thoại smartphone ngoài việc nghe, gọi, thỉnh thoảng anh chị chỉ mở để xem phim chứ chưa biết làm gì khác. Sau khi được sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ công tác CĐS cộng đồng của xóm, vợ chồng anh Bùi Văn Phượng đã tìm hiểu, nghiên cứu và cài đặt thành công tài khoản ĐDĐT trên điện thoại của mình. Anh Phượng chia sẻ: Lúc đầu tôi cũng ngại vì không biết gì về công nghệ, sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, nhận thấy việc cài đặt tài khoản ĐDĐT sẽ giúp chúng tôi rất nhiều, hạn chế sự phiền hà, phức tạp khi làm thủ tục hành chính (TTHC), nhất là ở địa bàn vùng sâu, xa, cách trung tâm huyện đến cả trăm km.
Theo đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06/CP huyện Đà Bắc, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06/CP về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong phục vụ phát triển KT-XH, huyện coi đây là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm và cốt lõi của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực đẩy mạnh việc thực hiện đề án theo yêu cầu. Từ năm 2022 - tháng 2/2023, huyện ban hành 15 văn bản hành chính để cụ thể hóa, phân công, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện, chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch triển khai đến tận cơ sở. Trong đó, thành lập tổ giúp việc tại 17/17 xã, thị trấn, 122/122 tổ công tác ở các xóm trong toàn huyện. Nhờ vậy đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay, 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được huyện triển khai đồng bộ; 11/25 dịch vụ công thiết yếu được triển khai đảm bảo yêu cầu. Trong đó, tiếp nhận, giải quyết trên cổng DVCTT 62 hồ sơ khai báo tạm vắng, 1.614 hồ sơ thông báo lưu trú, 1.793 hồ sơ đăng ký thường trú, 123 hồ sơ đăng ký tạm trú, 120 hồ sơ đăng ký, cấp biển số xe. Ngoài ra, các cơ quan chức năng huyện thực hiện thu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua cổng DVCTT đối với 44 trường hợp, tổng số tiền trên 97 triệu đồng.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Tuy vậy, theo đánh giá của đồng chí Lường Văn Thi, huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên hành trình CĐS. Như trong việc cấp thẻ CCCD, tính đến tháng 2/2023, toàn huyện đã thu nhận hồ sơ và cấp CCCD 43.425 trường hợp. Qua rà soát, trên địa bàn vẫn còn 2.545 trường hợp chưa thu nhận hồ sơ để cấp CCCD. Trong đó có 384 trường hợp đi làm ăn xa không rõ địa chỉ (chủ yếu đi lao động chui ở nước ngoài), 412 trường hợp già yếu, bệnh tật không tự đi đến các điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD... Cùng với đó, huyện đã cấp 10.978 tài khoản ĐDĐT, còn 7.505 trường hợp chưa được cấp tài khoản. Nguyên nhân do quy trình thu nhận hồ sơ cấp tài khoản ĐDĐT chưa đảm bảo do thuê bao không chính chủ, thông tin cá nhân không đầy đủ. Theo Thượng tá Xa Văn Mẫn, Phó trưởng Công an huyện Đà Bắc, công tác cấp tài khoản ĐDĐT vẫn được Công an huyện triển khai, song với trình độ sử dụng thiết bị điện tử của công dân chưa cao, mạng dữ liệu di động chậm, thường có lỗi dẫn đến khó khăn trong cấp tài khoản ĐDĐT mức độ 1, công dân chưa có thuê bao chính chủ hoặc các điều kiện về giấy tờ tùy thân nên chưa tích hợp được mức độ 2.
Ngoài những khó khăn trên, đồng chí Lường Văn Thi cho rằng, với đặc thù địa bàn rộng, chủ yếu là rừng núi, dân cư thưa thớt, thường xuyên đi làm nương rẫy đến cuối ngày mới về. Từ đó, công tác tuyên truyền thực hiện các nội dung Đề án 06/CP chưa thực sự đi sâu và hiệu quả. Thêm nữa, hạ tầng cơ sở vật chất, tốc độ đường truyền chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, gián đoạn; việc triển khai thực hiện DVCTT chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, một bộ phận người dân chưa thay đổi thói quen làm việc trên môi trường điện tử, khả năng hạn chế trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin; tâm lý chưa an tâm về tính an toàn, bảo mật của các loại giấy tờ khi thực hiện trên cổng DVCTT; quá trình thao tác, thực hiện có nhiều vướng mắc, bất cập, đính kèm file lên hệ thống còn chậm, giới hạn về dung lượng, thời gian đồng bộ thông tin giữa cổng dịch vụ công quốc gia với phần mềm chuyên ngành của các đơn vị còn chậm.
Trên thực tế, "nhiều nội dung của Đề án 06/CP mang nhiều nét mới, điểm mới lần đầu tiên thực hiện nên quá trình triển khai tại một số cơ quan, đơn vị đôi khi còn bị động, lúng túng; quá trình thực hiện xác thực, đối sánh thông tin công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn có những bất cập, như quá trình triển khai thực hiện BHXH huyện khi xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gặp trường hợp số định danh không tồn tại hoặc thông tin không chính xác; việc sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB nhưng khi quét thông tin trên thẻ CCCD bị lỗi font chữ hoặc không có thông tin; việc triển khai thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt khi thanh toán chế độ cho các đối tượng chính sách bằng thẻ thanh toán cũng gặp khó khi toàn huyện chỉ có 1 cây ATM... Do vậy, việc triển khai một số nội dung của đề án đang gặp bất cập” - đồng chí Lường Văn Thi chia sẻ thêm.
Mạnh Hùng