Ngư hộ xóm Vôi, xã Thái Thịnh (TPHB) được tuyên truyền, giáo dục các quy định về đánh bắt thủy sản.
(HBĐT) - Nguồn lợi thủy sản tại các sông, suối, hồ, đầm trên địa bàn tỉnh đang ngày càng trở nên cạn kiệt do tác hại của việc đánh bắt không chấp hành quy định. Một trong những hành vi mang tính chất hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường là sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản. Thực trạng trên vẫn đang diễn ra khá thường xuyên, nổi cộm trong thời gian gần đây tại khu vực lòng hồ sông Đà.
Theo ông Nguyễn Văn Phẩm ở xóm Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), cách đây chừng 2 năm, bình quân mỗi ngày đêm, ông thu gom được trên, dưới 1 tấn cá, tôm. Giờ thì khác, ngày cao điểm nhất, ông cũng chỉ thu gom được chừng 2 - 3 tạ. Một số loài cá đặc trưng vùng hồ như chiên, trạch, ngạnh hiếm dần. Những con cá mè, cá măng có trọng lượng từ 20 - 40 kg hầu như không còn gặp nữa. Hàng chục năm nay, ông vừa làm nghề đánh bắt, vừa đầu tư, tổ chức thu gom tôm, cá cho hơn 100 ngư hộ trong vùng. Lượng thủy sản đánh bắt giảm sút là thực tế đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của ngư hộ.
Nhiều ngư hộ đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ sông Đà cũng phản ánh và bức xúc cho rằng tình trạng sử dụng kích điện đánh cá ở khu vực này chính là nguyên nhân khiến sản lượng đánh bắt ngày càng giảm sút. Đa số những người dùng kích điện đánh cá từ nơi khác đến, dùng thuyền loại nhỏ, hoạt động lén lút vào ban đêm. Ông Đinh Văn Bảo ở xóm Vôi, xã Thái Thịnh (TPHB) làm nghề đánh bắt trên vùng hồ sông Đà đã 5 năm. Theo ông, cuộc sống của ngư hộ đang ngày càng khó khăn bởi lượng đánh bắt ít đi, bình quân mỗi ngày đêm chỉ đánh được vài kg tôm, cá. Nếu trừ đi các khoản chi phí về rọ, mồi, ngư hộ chỉ kiếm được vài chục ngàn, không đủ trang trải các chi phí sinh hoạt khác.
Hiện nay, loại ngư cụ được các hộ đánh bắt sử dụng để khai thác thủy sản chủ yếu là vó, rọ, đáy... Bên cạnh đó vẫn còn có một số trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ông Lê Huy Hải, Đội Phó đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT tỉnh cho biết: Mặc dù hàng năm, các lực lượng phối hợp đã triển khai nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt quả tang và xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng chất nổ, xung điện trên vùng hồ sông Đà nhưng tình trạng trên vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Không riêng người từ nơi khác đến, ngay cả một số ngư hộ khu vực các xã vùng hồ do nhận thức, ý thức hạn chế vẫn mua, sử dụng xung điện (chủ yếu là xung điện dùng ắc quy cỡ nhỏ) để đánh bắt.
Không chỉ hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, việc sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc còn ảnh hưởng xấu đến hoạt động nuôi thủy sản, nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ do luồng điện phát ra cực mạnh, quá gần khu vực lồng cá. Thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, công cụ kích điện lén lút trên vùng hồ sông Đà, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã phối hợp các địa phương vùng hồ triển khai vận động hộ dân tự giác giao nộp hàng trăm bộ xung điện, công cụ kích điện, đồng thời, ký cam kết không mua, sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện, hóa chất, chất độc trong hoạt động khai thác thủy sản. Lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm quy định cấm đánh bắt cá bằng xung điện. Mới đây, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy, cảnh sát PCTP môi trường tổ chức đợt tuyên truyền trực tiếp, cấp phát tờ rơi truyền thông về các quy định đánh bắt thủy sản, đặc biệt là quy định cấp đánh bắt cá bằng xung điện, chất nổ, chất độc. Đợt tuyên truyền đã góp phần phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư hộ tuyệt đối không sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và cả mai sau.
Bùi Minh
(HBĐT) - Từ tháng 2/2013 đến nay, sản xuất và đời sống của các hộ dân đã có giấy CNQSD đất cùng diện tích đất đã được UBND xã Độc Lập (Kỳ Sơn) làm thủ tục cho thuê ở khu vực Thung Cả, địa điểm người dân xóm Nưa (Độc Lập) gọi là Bưa Bún bị xáo trộn mạnh khi có một số người vào nương rẫy đang canh tác chôn cọc bê tông, đóng cọc gỗ với lý do: “Xác định ranh giới cho một số hộ thuộc xã Sủ Ngòi đã có giấy CNQSD đất. Sự việc trên đã được 5 hộ gia đình gồm Nguyễn Anh Tuấn, Lê Văn Lạc, Nguyễn Văn Đô, Trần Văn Thạnh, Đàm Văn Thanh báo cáo UBND xã Độc Lập và làm đơn đề nghị gửi các ngành chức năng và Báo Hòa Bình.
(HBĐT) - Sở LĐ – TBXH phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp Lương Sơn vừa tổ chức lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ tại khu công nghiệp Lương Sơn. Tham dự lớp tập huấn có 150 công nhân của các Công ty: TNHH Minh Trung; BĐS An Thịnh- Hoà Bình; Techno Lương Sơn và Việt- Pháp Victory (Tân Vinh – Lương Sơn).
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 23 doanh nghiệp, HTX hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ với 542 phương tiện các loại.
(HBĐT) - Liên tiếp trong những ngày tháng 5, ở nhiều địa phương trong tỉnh lại xuất hiện thêm những trận giông, lốc tố diễn biến cục bộ. Nghiêm trọng hơn cả là tại xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã có 1 trường hợp bị sét đánh chết. Mức độ thiệt hại về tài sản theo số liệu thống kê từ các huyện, thành phố khoảng 6 tỷ đồng.
(HBĐT) - Những cơn mưa đầu hạ làm cho cả vùng Thung Rếch thuộc xã Tú Sơn (Kim Bôi) đang khát cháy hồi sinh mạnh mẽ đến kỳ lạ. Cũng đã làm vợi đi nỗi lo thiếu nước sinh hoạt của người dân vùng Thung. Những cơn khát tuy không còn gay gắt nhưng vẫn luôn là một nguy cơ hiện hữu khi trước mắt vẫn là những ngày hè oi nắng. Ông Triệu Phúc Thành ở xóm Thung Dao cho biết: Từ xưa đến nay, với người dân vùng Thung Rếch thì nước sinh hoạt luôn là một vấn đề cấp thiết.
(HBĐT) - Chịu ảnh hưởng của trận lốc tố xảy ra vào chiều ngày 18/5, tại thành phố Hòa Bình và huyện Tân Lạc đã có thêm các địa bàn báo cáo mức độ thiệt hại.