CCB chi hội 2, xóm Yên Hòa 2 giúp đồng đội sửa lại phần nhà bị tốc mái.
(HBĐT) - Chúng tôi về xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình), nơi cách đây chỉ mới ít ngày vừa hứng chịu mưa giông, lốc tố làm tốc mái 69 nhà dân, 1 nhà văn hóa. Giông, lốc đi qua địa bàn các xóm Bắc Yên, Mỵ, Mời Mít, Khang Mời, Bún, Thia và Yên Hòa 2 còn ảnh hưởng gẫy đổ nhiều cây to, diện tích rừng trồng của hộ dân, dứt đường điện 0,4 kV của xóm Mời Mít. Ước giá trị thiệt hại của trận giông, lốc trên 100 triệu đồng.
Chịu thiệt hại nặng nhất, nhà ở bị tốc mái hoàn toàn có một số hộ như ông Nguyễn Đình Chuyên ở xóm Mời Mít, ông Thọ ở xóm Yên Hòa 2… Trong đó, gia đình ông Nguyễn Đức Thọ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại là thương binh, nạn nhân CĐDC. Trước những tổn thất về nhà ở, cây cối, hoa màu của các gia đình, lực lượng của xã, xóm đã được huy động, giúp hộ bị thiên tai khẩn trương khắc phục hậu quả, mau chóng khôi phục sản xuất, ổn định sản xuất và sinh hoạt.
Đến thăm thương binh, nạn nhân CĐDC Nguyễn Đức Thọ ở xóm Yên Hòa 2, chúng tôi cảm nhận sâu sắc nghĩa tình đồng đội của những CCB chi hội 2 qua nghĩa cử giúp người bạn chiến đấu khi xưa sửa sang, lợp lại mái nhà vừa bị tốc do lốc. So với bà con chòm xóm, nhà của ông Thọ còn đơn sơ và tương đối tuềnh toàng. Ông Thọ bày tỏ niềm xúc động: Những lúc thế này, tôi thêm biết ơn và trân trọng những bạn bè, đồng chí luôn ủng bộ, hỗ trợ kịp thời khi tôi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, chi hội trưởng chi hội CCB Yên Hòa 2, cảnh ngộ của thương binh Thọ éo le, nhà đang ở bây giờ còn là nhà tạm, lợp mái cọ. Gặp gió lốc, toàn bộ phần mái bị tốc đi hết cả. Thấy vậy, anh em trong chi hội thông tin cho nhau, đồng thời đến nhà thăm hỏi, động viên ngay khi đó và bàn cách tháo gỡ. Phần mái cọ lượm lặt quanh khu vực còn tận dụng được cộng với số lá cọ do gia đình mua mới, anh em trong chi hội huy động khắc phục, ủng bộ thêm cây que, vật liệu để lợp lại mái trong thời gian sớm nhất. 5 ngày sau giông, lốc, gia đình ông Thọ đã được dọn về nhà cũ với phần mái lợp cọ vừa hoàn thiện, gia đình không còn phải lo ngấm dột dù rằng phần cột, móng của ngôi nhà chưa thật vững chãi.
Cũng sau gần 1 tuần kể từ khi bị ảnh hưởng của thiên tai, mọi sinh hoạt và đời sống sản xuất của hộ dân các xóm đã dần ổn định. Công tác khắc phục hậu quả được cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ. Bên cạnh ý thức tự khắc phục của hộ dân còn có sự dốc lòng ủng hộ ngày công, nguyên vật liệu của các tổ chức, đoàn thể, hội, lực lượng dân quân - tự vệ xóm, xã. Hầu hết nhà dân, công trình nhà văn hóa đã huy động cộng đồng lợp lại bằng ngói, tôn, tấm lợp, sửa chữa nhỏ bảo đảm kết cấu vững chắc, an toàn. Theo lãnh đạo UBND xã, đến thời điểm này, các xóm đã cơ bản khắc phục hậu quả thiên tai, tiến hành lợp lại 140 m2 mái tôn, gần 1.000 tấm tôn lợp prôximăng và ngói viên đỏ, hơn 30 tấm úp nóc. Hệ thống đường điện 0,4 kV cũng đã được sửa chữa phục vụ nguồn điện cho sinh hoạt của các hộ.
Bùi Minh
(HBĐT) - Mai Châu là huyện vùng cao của tỉnh, tổng diện tích tự nhiên là 56.388,48 ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 80% tổng diện tích tự nhiên của huyên, trong đó, diện tích rừng tự nhiên 29.269,4 ha, rừng trồng 5.787,2 ha.
(HBĐT) - Ngày 24/5, huyện Mai Châu tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCLB & TKCN năm 2012, triển khai công tác PCLB & TKCN năm 2013.
(HBĐT) - Ngày 24/5, tại thành phố Hoà Bình, Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế, Chương trình hỗ trợ bảo tồn Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Hiệp hội vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đã đồng tổ chức Hội thảo chính sách “Đồng quản lý rừng đặc dụng Việt Nam: Những bài học thực tiễn và khuyến nghị chính sách”.
(HBĐT) - Ngày 23/5, tại xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuỷ sản năm 2013 cho 120 đại biểu là Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường các huyện Kỳ Sơn, Đà Bắc, Mai Châu, thành phố Hoà Bình; công an xã và các hộ dân làm nghề đánh bắt cá thuộc các xã ven lòng hồ Hoà Bình.
(HBĐT) - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn Nguyễn Văn Khang cho biết: Năm 2012, lũ bão không gây thiệt hại về người nhưng lại ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Tổng thiệt hai do mưa lũ và thiên tai gây ra trên địa bàn khoảng 1,2 tỷ đồng. Việc thủy điện Hòa Bình không xả lũ những năm gần đây đã gây tâm lý chủ quan cho người dân vùng hạ lưu sông Đà. Năm 2012, thủy điện Hòa Bình xả lũ 2 đợt gây ngập úng 180 ha cây trồng, trong đó có 110 ha lúa, 20 ha ngô, 20 ha rau màu các loại của nhân dân các xã Phú Minh, Hợp Thành, Hợp Thịnh và một phần thị trấn Kỳ Sơn. Mưa bão, thiên tai cũng đã làm 40 công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng.
(HBĐT) - Nguồn lợi thủy sản tại các sông, suối, hồ, đầm trên địa bàn tỉnh đang ngày càng trở nên cạn kiệt do tác hại của việc đánh bắt không chấp hành quy định. Một trong những hành vi mang tính chất hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường là sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản. Thực trạng trên vẫn đang diễn ra khá thường xuyên, nổi cộm trong thời gian gần đây tại khu vực lòng hồ sông Đà.