(HBĐT) - Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) nhận thấy dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách mới; sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản nhất trí với dự thảo luật và tham gia ý kiến tại một số chương, điều như sau:

Chương VI: THU HỒI ĐẤT, TRƯNG DỤNG ĐẤT

Điều 78. Thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng

Việc thu hồi đất (THĐ) vì lợi ích quốc gia, công cộng, đề nghị dự thảo luật cần định nghĩa rõ khái niệm "THĐ để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng”, giúp xác định đúng các trường hợp áp dụng theo cơ chế này, trong đó cần bảo đảm yếu tố THĐ thật sự cần thiết vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi liệt kê danh sách các trường hợp THĐ theo mục đích đặt ra, cần giải thích rõ các khái niệm trong danh sách đó nhằm bảo đảm hiểu đúng và thống nhất, giúp phân loại chính xác các dự án phát triển KT-XH cho mục đích quốc gia, công cộng. Đồng thời, cần loại bỏ các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích công, nhất là các khái niệm dự án dễ bị lạm dụng, như khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới..., làm rõ đối tượng thụ hưởng phải là Nhân dân, ngân sách đầu tư là của Nhà nước và lợi nhuận phải do Nhà nước thu.

Đồng thời, cần định nghĩa cụ thể việc THĐ phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo. Hiện tại đang có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh. Như một số dự án xây dựng chùa, đền phải làm rõ chỗ nào là tôn giáo, chỗ nào là kinh doanh, phần nào là tôn giáo thì giao đất không thu tiền, còn phần nào kinh doanh thì phải nộp tiền ngân sách cho Nhà nước.

Dự án xây dựng chợ tại các xã vùng nông thôn; dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cần quy định rõ dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh. Đề nghị bổ sung quy định về các tiêu chí để xác định rõ ràng, cụ thể Nhà nước THĐ phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm tránh việc lợi dụng, tùy tiện THĐ nông nghiệp tràn lan, kém hiệu quả làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Việc bố trí đất cho các dự án "thương mại”, "dịch vụ” về bản chất không thuộc trường hợp "THĐ để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng”, mà cần được thực hiện thông qua cơ chế thỏa thuận với người sử dụng đất. Vì vậy, Nhà nước không nên đứng ra cho các dự án này.

Chương XI: TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI, GIÁ ĐẤT

Khoản 3, Điều 150. Căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền   thuê đất

"Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất (SDĐ), tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền SDĐ, quyết định công nhận quyền SDĐ, gia hạn SDĐ, chuyển hình thức SDĐ, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất”. Đề nghị sửa như sau: "Thời điểm tính thu tiền SDĐ, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền SDĐ, kết quả trúng đấu thầu dự án có SDĐ, quyết định công nhận quyền SDĐ, gia hạn SDĐ, chuyển hình thức SDĐ, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất”.

Điều 154. Bảng giá đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất hàng năm. Nhưng vấn đề cốt lõi là làm sao xác định được chính xác giá đất phổ biến trên thị trường, trong khi giá đất thường xuyên biến động? Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ về các phương pháp xác định giá đất.

Việc bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định giá đất sát thực với giá đất thị trường để đạt được mục tiêu hoàn thiện cơ chế giá đất.

Nhà nước xác định giá đất sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) khi THĐ và tăng thu thuế, phí, lệ phí từ đất cho Nhà nước.

Thực tiễn nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang phát triển mạnh là do   dựa vào nguồn lực đất đai, được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước. Trong khi đó, người dân được hưởng lợi ít, thậm chí không được hưởng lợi, nhất là những người nông dân gắn     bó mật thiết với đất, nguyên nhân là  giá đền bù đất luôn thấp hơn so với giá thị trường.

Cần quy định cụ thể hoạt động GPMB, đảm bảo hài hòa lợi ích, không để người dân bị thiệt.
Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải ban hành cụ thể cho hoạt động đền bù GPMB theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư với việc xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và không ai bị bỏ lại phía sau, khi đó sẽ giảm được lãng phí, tiêu cực, giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai…

Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để xác định chính xác giá đất phổ biến trên thị trường? Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ về các phương pháp xác định giá đất. Thành lập cơ quan chuyên trách, chuyên môn tư vấn xác định giá đất phải độc lập. Nêu cao trách nhiệm từng ngành là thành viên tham gia Hội đồng thẩm định giá đất để thấy rõ việc thẩm định giá đất không chỉ là trách nhiệm của ngành Tài nguyên và môi trường, ngành Tài chính; nêu cao tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, bổ sung cơ quan công an và cơ quan tư pháp là thành viên của Hội đồng thẩm định, thành phần Hội đồng thẩm định cơ bản là các chuyên gia trong lĩnh vực thẩm định để đánh giá một cách khách quan.

Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh phải là Hội đồng độc lập với UBND cấp tỉnh, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi và cần phải được quy định cụ thể trong Luật Đất đai.      


Phạm Thanh Bình
Phó Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh)


Các tin khác


Huyện Kim Bôi lấy ý kiến tham gia góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)

(HBĐT) - Chiều 23/2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Kim Bôi phối hợp với Phòng TN&MT huyện tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự hội nghị có 45 đại biểu là lãnh đạo huyện, đại diện các ngành, đoàn thể và Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ huyện.

TOÀN VĂN: DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) - LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN GÓP Ý

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn và rất mong các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến. 

Tòng Đậu sau 3 năm về đích nông thôn mới

(HBĐT) - Đến Tòng Đậu, Mai Châu những ngày này có thể cảm nhận rõ đổi thay trong diện mạo nông thôn. Nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục