Vốn chính sách giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bắc Phong (Cao Phong) đầu tư trồng cam, nâng cao thu nhập.
Xã Bắc Phong (Cao Phong) đã được công nhận đạt chuẩn NTM, hiện đang thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao. Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt làng quê, đời sống của nhân dân ở Bắc Phong đã thực sự "thay da, đổi thịt". Bên cạnh sự quan tâm, đầu tư về hạ tầng thiết yếu thì sự đồng hành của vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội là điểm tựa quan trọng để nhiều hộ dân xã Bắc Phong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Điển hình như gia đình bà Bạch Thị Liệu, xóm Dệ, với khoản vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gia đình bà chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên diện tích hơn 1ha đất vườn trước chỉ trồng cây ngô, cây sắn, gia đình bà Liệu đã chuyển đổi sang trồng cam, quýt. Đến nay, sau gần 10 năm vay vốn, thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể, từ hộ khó khăn vươn lên khá giả.
"Trồng cam đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gia đình tôi đầu tư phân bón, chăm sóc cam để có được thu nhập ổn định”, bà Liệu chia sẻ. Được biết, xã Bắc Phong có diện tích trồng các loại cây trên 500 ha, trong đó có trên 200 ha cam, quýt, trên 25 ha cây mía, còn lại là diện tích đất trồng lúa. Đồng chí Khương Xuân Lịch, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong nhấn mạnh: Nhờ vốn chính sách mà thu nhập của người dân đã tăng đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Những năm qua, Đảng uỷ, HĐND, UBND xã tăng cường chỉ đạo Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội, các xóm tuyên truyền về tín dụng chính sách đến với người dân. Đến nay, cơ bản hộ thuộc đối tượng được hưởng thụ đều đã được tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ tín dụng chính sách của xã Bắc Phong gần 60 tỷ đồng, với 18 tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 900 khách hàng còn dư nợ. Thời gian tới, xã mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục quan tâm, nhất là nguồn vốn cho vay hộ đã thoát nghèo, giải quyết việc làm để làm động lực cho xã trong giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM.
Việc thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội đã giúp huyện Cao Phong cơ bản khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, góp phần ngăn chặn "tín dụng đen". Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 427 tỷ đồng, tăng trên 275 tỷ đồng so với năm 2014, mức cho vay bình quân đạt 45 triệu đồng/hộ. Trong 10 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 4 nghìn lượt hộ trên địa bàn huyện Cao Phong vượt qua ngưỡng nghèo; gần 1,2 nghìn lao động được thu hút, tạo việc làm mới; trên 200 lượt người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 600 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; 752 hộ nghèo được xây mới nhà ở; 7.424 công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, sửa chữa và cải tạo. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, như: tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, môi trường.
Viết Đào