Ngày 5/2 (tức ngày Rằm tháng Giêng Xuân Quý Mão), Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Bình phối hợp với UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) tổ chức Lễ hội Cầu ngư và phát động Lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2023.
Hàng trăm năm qua, người dân xã Cảnh Dương chủ yếu mưu sinh bằng các hoạt động phát triển kinh tế biển nên Lễ hội Cầu ngư là một hoạt động không thể thiếu ở nơi đây.
Đoàn rước kiệu trong lễ Cầu ngư. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Ngay từ sáng sớm 5/2, ngư dân, chủ tàu thuyền, các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã đã tập trung về Đền thờ Ngư Linh Miếu và An Cầu ngư để dâng hương, dâng lễ vật cúng tế Thần Ngư. Tại đây thờ hai bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân thường gọi là cá Ông và cá Bà.
Lễ hội Cầu ngư gồm hai phần. Đầu tiên là lễ rước Thành Hoàng về dự lễ cầu ngư; phần hai là Lễ Cầu ngư và phát động ra quân đánh bắt hải sản.
Tại buổi lễ, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương Trần Trung Thành nhấn mạnh: Lễ hội Cầu ngư, ra quân đánh bắt hải sản đầu năm được tổ chức tại Cảnh Dương với mong muốn trong mùa biển mới, ngư dân vươn khơi được thuận buồm xuôi gió, tàu về tôm, cá đầy khoang.
Đây cũng là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, động viên ngư dân tích cực sản xuất, khai thác hải sản, phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo quan niệm của các ngư dân, cá voi là loài cá trợ giúp để tàu thuyền của ngư dân vững vàng trước gió bão. Phần nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ hội Cầu ngư là đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất được làng chọn thực hiện dâng hương và đọc văn tế.
Bài văn tế thể hiện sự biết ơn đối với việc che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà đối với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời nguyện cầu mong muốn của ngư dân về một mùa biển yên bình, bội thu. Kết thúc buổi lễ là màn múa hát dân ca làng biển Cảnh Dương và Múa bông chèo cạn. Sau buổi lễ, các tàu cá trong xã sẽ chuẩn bị ra khơi đánh bắt thủy hải sản đầu năm.
Lễ hội Cầu ngư ở Cảnh Dương là một lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng biển, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng.
Rước ảnh Bác Hồ trong lễ Cầu ngư.
Cũng tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Đồn biên phòng Ròn đã trao tặng cho các ngư dân, chủ tàu hàng trăm lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Qua đó, động viên, chia sẻ, sát cánh cùng ngư dân trong công cuộc vươn khơi bám biển, khai thác thủy hải sản và khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Hàng trăm năm qua, người dân xã Cảnh Dương chủ yếu mưu sinh bằng các hoạt động phát triển kinh tế biển. Xã có làng nghề truyền thống khai thác hải sản lâu đời, có đội tàu cá với trên 500 chiếc, trong đó có trên 300 tàu cá tham gia đánh bắt ở vùng xa bờ, nhiều tàu được cấp phép hoạt động trong vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ. Cảnh Dương có các tổ đoàn kết, tổ hợp tác, giúp các ngư dân phát huy tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau khi gặp sự cố và hợp tác trong quá trình khai thác hải sản…
Theo Baotintuc.vn
Cách đây 35 năm, đúng ngày 14/3/1988, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại khu đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Những người lính trẻ đầy nhiệt huyết mãi mãi nằm lại biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Kỷ niệm 35 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam tại đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa của Việt Nam hy sinh để bảo vệ Tổ quốc (14/3/1988 - 14/3/2023), ngày 12/3, tại Đình làng Nại Nam, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (Đà Nẵng), Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng đã tổ chức Lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ.
Lúc 12 giờ 19 phút ngày 10/3, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) đã đưa bệnh nhân bị tai biến về đến thành phố Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng theo quy định.
Sáng 10/3, tại cảng Phan Thiết, đồn Biên phòng Thanh Hải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận) phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã tiếp nhận 11 thuyền viên của tàu Xuyên Á bị nạn khi đang di chuyển trên vùng biển của tỉnh.
Tối 8/3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận có công văn hỏa tốc gửi Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin về việc hai phương tiện bị sóng lớn đánh chìm trên vùng biển Phú Quý.
Chiều 6/3, trực thăng EC 225 số hiệu VN 8622 cùng Đoàn công tác quân y đã đưa bệnh nhân Huỳnh Bình, nghi đột quỵ não, từ đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, về Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục chữa trị.