Từ khi ban hành chính sách tới nay, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh qua các năm, tạo áp lực lớn đối với việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm thất nghiệp. Đến hết năm 2022, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt mốc hơn 14,3 triệu người. Vì thế, rất cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là dịch vụ tư vấn-giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp.
Phỏng vấn lao động trực tuyến. (Ảnh: HCES)
Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân 3,5 triệu đồng mỗi tháng
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, thông tin về tình hình lao động-việc làm từ 40 địa phương cho thấy, đến hết ngày 20/5/2023, có khoảng 509 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Để kịp thời ổn định tình hình thị trường lao động trong thời gian gần đây, ngày 10/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.
Thời gian qua, nhiều chính sách đã được thực hiện kịp thời đối với người lao động thôi việc, mất việc làm. Cụ thể nhất là các chính sách như: trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…
Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Ngân Anh)
Trong 5 tháng đầu năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 393.377 người, tăng 8% so cùng kỳ năm 2022. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 337.432 người, giảm 0,91% so cùng kỳ năm 2022. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động cả nước hiện nay là 3,5 triệu đồng/người mỗi tháng.
Tổng số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm là gần 755 nghìn lượt người, giảm 1,38% so cùng kỳ năm 2022. Số người được hỗ trợ học nghề là hơn 8.200 người, giảm 4,93% so cùng kỳ năm 2022.
Cùng với đó, Quỹ quốc gia về việc làm cũng đóng góp đáng kể trong tạo việc làm cho người lao động. Chỉ trong quý I năm 2023, doanh số cho vay từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là gần 2.195 tỷ đồng. Qua đó, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 62 nghìn lao động.
Phát huy vai trò "cơ chế chống sốc tự động”
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009, với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Người tham gia được thụ hưởng 4 chế độ: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng phát huy vai trò quan trọng là cơ chế chống sốc tự động, hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Đồng thời, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua.
Sau hơn 7 năm thực hiện Luật Việc làm, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3% và tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng theo từng năm. Đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt mốc hơn 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuy nhiên, chính sách này còn có những mặt hạn chế.
Trước hết, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên. Do đó, người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao. Luật cũng chưa quy định bắt buộc tham gia đối với đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện cũng chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về tình hình có việc làm của người lao động. Do vậy, xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Vì vậy, trong hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), cơ quan soạn thảo định hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, bổ sung quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động thông báo cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động;
Với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, từ năm 2010 đến nay, số thu bảo hiểm thất nghiệp luôn vượt số chi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 kết dư Quỹ còn khoảng 90 nghìn tỷ đồng. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đến hết năm 2021, số tiền kết dư Quỹ còn khoảng 61.459 tỷ đồng.
Một trong những mặt hạn chế hiện nay là vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến việc hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp sai quy định. Tính đến hết năm 2022, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn 12.988 tỷ đồng, chiếm 2,91% so với số phải thu.
Đồng thời, một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến phải thu hồi. Cụ thể như: người lao động có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không thông báo theo quy định. Con số này chiếm 96,56% tổng số trường hợp phải thu hồi.
Luật Việc làm hiện nay chưa có các quy định về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp tại trung ương và địa phương. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hầu như không được bố trí như: giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; đánh giá hiệu quả và chất lượng cung ứng dịch vụ của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; đánh giá, dự báo cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hằng năm; nghiên cứu, xây dựng và thiết kế các chế độ hỗ trợ ứng phó với những "cú sốc” của thị trường lao động, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái … ảnh hưởng nặng nề đến người lao động, người sử dụng lao động. Điều này dẫn đến những khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.
Quy định mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở không còn phù hợp định hướng trong giai đoạn tới về thực hiện chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Tại hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), ban soạn thảo đã có một số kiến nghị, đề xuất. Đáng chú ý như: Bổ sung các quy định cụ thể về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.
Ban soạn thảo cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: nguyên tắc đầu tư bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả và thu hồi khi cần thiết; danh mục đầu tư theo tính chất sở hữu, khả năng sinh lời và quản lý rủi ro chặt chẽ, phù hợp với tính chất của Quỹ ngắn hạn.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ bảo hiểm thất nghiệp
Lao động làm việc tại doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Hữu Tùng)
Một trong những nội dung quan trọng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là dịch vụ bảo hiểm thất nghiệp. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến thời điểm 31/12/2021, trên cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh/thành phố đang thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, 221 điểm tiếp nhận và ủy thác hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp.
Từ khi ban hành chính sách tới nay, số lao động đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh qua các năm, tạo áp lực lớn về khối lượng công việc đối với việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm thất nghiệp. Số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ hơn 7 triệu người năm 2010 lên hơn 14,3 triệu người vào năm 2022. Trong khi đó, tổng số cán bộ theo định biên năm 2020 là 1.260 cán bộ. Số cán bộ thực tế tại các điểm tiếp nhận và ủy thác bảo hiểm thất nghiệp là 1.519, tăng 20,55% người so với định biên lao động, chưa kể lao động hợp đồng theo thời vụ.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ bảo hiểm thất nghiệp là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp. Đây hiện đang là điểm yếu nhất trong các dịch vụ bảo hiểm thất nghiệp.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng của dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, song, nguyên nhân chính là thiếu thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; phân bổ kinh phí chi phí quản lý hoạt động sự nghiệp về bảo hiểm thất nghiệp cho các trung tâm dịch vụ việc làm hằng năm đều có dòng kinh phí thu thập thông tin việc làm trống, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức chi trả.
Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ, từ vấn đề xây dựng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, cần đặt ra vấn đề thu phí như thế nào với dịch vụ việc làm công khi sửa đổi Luật Việc làm (sửa đổi) trong thời gian tới.
Sửa đổi Luật Việc làm nhằm tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi cho người dân. Hơn nữa, cũng giúp chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số.
Theo báo Nhân Dân
(HBĐT) - Những năm gần đây, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
(HBĐT) - Tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có trên 78 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, đạt 95,3% kế hoạch, tăng 1.119 người (1,4%) so với cùng kỳ năm 2022; trên 12 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 77,6% kế hoạch; trên 70 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đạt 91% kế hoạch; trên 764 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 92,7% kế hoạch, tăng 4.752 người (0,6%) so với tháng 2/2023, giảm 4.480 người (0,6%) so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ bao phủ BHYT là 86,85% dân số.
(HBĐT) - Ngày 12/4, tại TP Hòa Bình, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng nghiệp vụ thông tin truyền thông năm 2023 khu vực miền Bắc. Tham dự có đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam và 450 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Phòng Truyền thông của BHXH 20 tỉnh, thành phố phía Bắc; cán bộ phụ trách truyền thông BHXH Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
(HBĐT) - Ngày 30/3, UBND huyện Lạc Thuỷ phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn huyện Lạc Thủy.
(HBĐT) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 386/UBND-NVK ngày 24/3/2023 về việc đẩy mạnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD), ứng dụng VneID, phối hợp thực hiện làm sạch thông tin công dân trong việc trong việc triển khai Đề án 06/CP.
(HBĐT) - Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh vừa tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2023 – 2025.