Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã bảo đảm chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

 
Chú thích ảnhTrong 2 năm 1973 - 1974, Đoàn 125 đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43.000 tấn hàng, đưa hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo, vượt qua chặng đường 158.292 hải lý an toàn. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở tuyến vận tải chiến lược này (23/10/1961 - 23/10/2021), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: "Đường Hồ Chí Minh trên biển và bài học về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay” của Đại tá Chu Văn Lộc, Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng).

Năm 1959, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh cách mạng miền Nam, cùng với việc mở tuyến chi viện chiến lược trên bộ vượt dãy Trường Sơn (Đoàn 559), Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở tiếp tuyến chi viện chiến lược đường biển. Tuy nhiên, do khó khăn về điều kiện phương tiện cũng như nguồn nhân lực, nên tuyến chi viện bằng đường biển chưa thành công. Sang năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Mỹ - chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách đối phó, chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965).

Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết thành lập Đoàn vận tải biển 759 có nhiệm vụ "mua sắm phương tiện, vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Việc quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển và quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong điều kiện địch tổ chức ngăn chặn, phong tỏa rất gắt gao là một quyết định đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, quân đội và nhân dân ta. Đó vừa là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời là sự sáng tạo độc đáo, tạo nên những giá trị nghệ thuật quân sự đặc sắc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong những ngày đầu hoạt động, kinh nghiệm và hiểu biết của ta về vận tải biển chưa nhiều; cùng với đó là sự đánh phá ác liệt của địch gây cho ta bao khó khăn, nhưng với phương châm hoạt động bí mật bất ngờ, thần tốc, táo bạo, sử dụng linh hoạt nhiều loại tàu thuyền, nhiều cung, nhiều tuyến vận tải khác nhau, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam. Khi tuyến đường vận tải biển được khai thông, Đoàn 759 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện động viên, biểu dương cán bộ, chiến sỹ và căn dặn cần rút kinh nghiệm các chuyến đi, tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, để Bắc - Nam sớm sum họp một nhà.

Trong suốt 14 năm (1961 - 1975) thực hiện vận chuyển chiến lược bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 (sau này là Đoàn 125 Quân chủng Hải quân) cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải có tuyến đường đi qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chuyển 152.760 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay tàu chiến của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Cùng với vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh vô cùng quan trọng, đó là đưa đón hơn 80.026 lượt cán bộ, chiến sỹ, trong đó có hàng trăm cán bộ trung, cao cấp của Đảng, quân đội từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Chiến công và thành tích đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chú thích ảnhĐảo Phan Vinh, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) được lấy theo tên Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Phan Vinh, Chỉ huy tàu C235, đã hy sinh anh dũng tại khu vực Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) trên Đường Hồ Chí Minh trên biển, tháng 3/1968. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngày nay, Đảng và nhân dân ta đang tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức: sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức tác động tiêu cực đối với môi trường kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh... Ngay tại khu vực Đông Nam Á, việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo, diễn ra căng thẳng, phức tạp. Sự ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu mới. Nhiệm vụ chi viện bảo đảm cho các hướng, các địa bàn chiến lược, trong đó trên biển, đảo là hết sức phức tạp và nặng nề. Vận dụng những bài học kinh nghiệm từ hoạt động của "Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau: 

Một là, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về "Phát triển kinh tế biển”, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển bền vững, giàu, mạnh từ biển, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Hai là, xây dựng các chính sách phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm khai thác tiềm năng và các lợi thế về biển; phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các vùng biển, đảo. Mở rộng chính sách liên kết ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam với những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, tạo ra những đối tác đan xen lợi ích để phát triển kinh tế biển. Thông qua đó, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, hạn chế âm mưu lấn chiếm biển đảo của các thế lực thù địch, tạo thế và lực mới để giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp trên biển, đảo với các nước có liên quan. Có chính sách thu hút, khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển, ưu tiên du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển.

Chú thích ảnhCựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển thả hoa trên biển tại Hòn Hèo, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa để tưởng nhớ các liệt sỹ tàu C235 Anh hùng. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Ba là, không ngừng tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, tiếp tục xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của của Tổ quốc vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển và lực lượng Kiểm ngư vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, trọng tâm là chi bộ và vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo.

Tổ chức điều chỉnh, bố trí và triển khai thế trận quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên vùng biển, đảo một cách hợp lý. Kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên các đảo với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, xây dựng "thế trận lòng dân” trên biển, đảo vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng, an ninh trên biển. Đây là chủ trương chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Bốn là, quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là hoạt động đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế về biển. Tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên biển. Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ biển, đảo. Tham gia tốt các hoạt động giao lưu với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển... Tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ nhân dân làm ăn trên các vùng biển và ổn định đời sống nhân dân trên các đảo, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh và phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; chủ động, sáng tạo, cần kiệm trong lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Các tin khác


Bảo vệ “lõi vàng văn hóa Đảng”: Bài 2 - Tự phê bình và phê bình - "vũ khí" sắc bén

Nguyên tắc tự phê bình và phê bình (TPB&PB) được đưa vào Điều lệ Đảng từ Đại hội II của Đảng năm 1951.

Bảo vệ “lõi vàng văn hóa Đảng”: Bài 1 - “Pháp bảo” của đội tiên phong

Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng. Làm thế nào để Đảng cầm quyền nhưng không bị tha hóa là niềm trăn trở của mọi đảng viên chân chính.

Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu tổ chức Đảng trong cuộc chiến chống tội phạm trên không gian mạng

(HBĐT) - Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tội phạm triệt để lợi dụng không gian mạng (KGM) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là loại tội phạm mới, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Để triệt phá thành công các đường dây đánh bạc qua mạng là quá trình đấu trí căng thẳng của các trinh sát hình sự. Đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của tổ chức Đảng, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng đơn vị trong đấu tranh với loại tội phạm "trên trời” này.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế

(HBĐT) - Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (NQ 26) xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: Từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 - 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện dưới 40 tuổi. Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

Điểm nghẽn mặt bằng, điểm nghẽn trách nhiệm trong đầu tư công

(HBĐT) - Theo báo cáo về tình hình triển khai và giải ngân dự án đường vào khu công nghiệp (KCN) Yên Quang (TP Hòa Bình) do Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh làm chủ đầu tư cho biết, vốn đầu tư công (ĐTC) được giao năm 2021 là 13 tỷ đồng, tiến độ giải ngân đến hết tháng 8 đạt 8,76 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 sẽ vượt tiến độ giải ngân được giao (do khối lượng thi công được nghiệm thu đã vượt 16 tỷ đồng). Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện mới giải phóng được khoảng 32,45% diện tích của dự án.

Luận điệu "ngược đời" của linh mục Đặng Hữu Nam khi cổ xúy người dân không tiêm vaccine

Trong thời gian vừa qua, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine cho người dân nhằm tạo ra lá chắn hiệu quả trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tất cả các loại vaccine đang triển khai đều được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục