Ngay từ khi ra đời, Ðảng ta đã lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản. Nguyên tắc này luôn được Ðảng coi trọng và kiên định, làm tiền đề thực hiện các nguyên tắc khác. Giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ là điều kiện tiên quyết để xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh.


Ảnh: THÀNH ĐẠT

Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng

Mới đây, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Ðào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 và một số đảng viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Ðảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Ðào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 và đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên: Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo; Cách chức tất cả các chức vụ trong Ðảng đối với các đồng chí: Nguyễn Hữu Hảo, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ðảng đoàn, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HÐND tỉnh Khánh Hòa, nguyên: Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm; Lương Dự, nguyên: Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ban Bí thư đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính đối với các cá nhân nêu trên đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng.

Theo kết luận của Ban Bí thư, vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Ðào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 và đồng chí Phùng Xuân Nhạ đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết của Ðảng về giáo dục và đào tạo; nguy cơ gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước, nguồn lực xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Vi phạm của các đồng chí: Nguyễn Hữu Hảo, Lương Dự gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, để lại những hậu quả khó khắc phục, ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, sự phát triển của địa phương, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Trước đó, tại các thông báo kết luận kỳ họp thứ 16, 17, 18 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021; Ðảng ủy Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2015-2020; Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021…, cho thấy, sai phạm của các tổ chức đảng gây hậu quả từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, khó khắc phục. Nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm đều bắt nguồn từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng đã bị cấp ủy xem nhẹ, thực hiện không nghiêm thậm chí không thực hiện, đồng nghĩa với việc làm trái với quy định trong Ðiều lệ Ðảng. Không ít trường hợp người đứng đầu hoặc cố tình không thực hiện, áp đặt, lộng quyền, hoặc đã lợi dụng sự "tập trung" ý kiến tập thể để hợp thức hóa ý đồ cá nhân, hoặc phục vụ "nhóm lợi ích". Tình trạng đó dẫn đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện nghị quyết của Ðảng không hiệu quả; công tác cán bộ không bảo đảm yêu cầu; nội bộ mất đoàn kết, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm…

Bảo đảm thống nhất ý chí và hành động trong Đảng

Theo Ðiều lệ Ðảng Cộng sản Việt Nam, Ðảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động. Tập trung dân chủ được xem là nguyên tắc căn bản chi phối các nguyên tắc khác nhằm bảo đảm thống nhất ý chí và hành động trong Ðảng. Trong đó, tập trung và dân chủ là hai mặt thống nhất, dân chủ là điều kiện để tập trung; tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được thực hiện. Nếu tập trung dân chủ không được thực hiện hoặc thực hiện mang tính hình thức sẽ dẫn đến các nguyên tắc khác dễ bị vô hiệu hóa, sai phạm xảy ra là tất yếu.

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cho thấy, hầu hết các vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu đều có nguyên nhân từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhiều cấp ủy chưa cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản này thành quy định, quy chế hoạt động của cấp ủy, hoặc có mà không thực hiện.

Mặt khác, cần hiểu đúng, đầy đủ khi nào cần dân chủ, khi nào cần tập trung.

Tập trung dân chủ là dân chủ thảo luận để tiến tới thống nhất trong hành động; vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Ðảng là tất cả đảng viên được bày tỏ chính kiến để thống nhất các vấn đề cần bàn và tổ chức thực hiện. Vì vậy, dân chủ cho mục tiêu tập trung, tránh dân chủ tùy tiện, phân tán, dân chủ hình thức. Dân chủ để đi đến thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động.

Biểu hiện của tập trung là tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Ðảng; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.

Do đó, nhằm phát huy tốt hơn nữa nguyên tắc tập trung dân chủ, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, từ đó thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, xây dựng đoàn kết thống nhất trong các tổ chức đảng. Có tập trung dân chủ, đoàn kết, mới phát huy trí tuệ tập thể, tạo đồng thuận trong ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước.

Những sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên gần đây cho thấy bài học sâu sắc, đó là cần cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy chế làm việc. Mối quan hệ công việc cần được thống nhất bằng quy chế, rõ thẩm quyền, có phân công, phân nhiệm, để vừa tránh sự tùy tiện, lạm quyền, lộng quyền, vừa làm căn cứ xem xét kết quả thực hiện, trách nhiệm tập thể, cá nhân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tập trung dân chủ cần đi liền với tăng cường kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trong Ðảng; bảo đảm thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Và ở đó, cần nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, tập trung dân chủ có thực chất hay không, phần quyết định ở phẩm chất, năng lực, uy tín của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Ðể khắc phục những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, và phối hợp công tác, trong nhiệm kỳ XII, Trung ương đã ban hành Quy chế làm việc mẫu của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; của Ðảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở Quy chế làm việc mẫu và các quy định của Trung ương có liên quan, các cấp ủy xây dựng quy chế làm việc phù hợp yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương, đơn vị.

Theo các Quy chế làm việc mẫu, Ban Bí thư quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể (tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy/đảng đoàn, ban cán sự đảng), và của từng cá nhân (ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư-chủ tịch ủy ban nhân dân/thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng/bí thư, phó bí thư, vụ trưởng vụ tổ chức, cán bộ).

Quy chế làm việc mẫu cũng nêu rõ mối quan hệ công tác của tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy/đảng đoàn, ban cán sự đảng, với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và tổ chức đảng trực thuộc…

Về nguyên tắc và chế độ làm việc, đối với tỉnh ủy, ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, Ban Bí thư yêu cầu, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Ðiều lệ Ðảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh ủy và nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh. Cá nhân được quyền phát biểu và bảo lưu ý kiến của mình, nhưng phải chấp hành nghị quyết của tập thể. Ý kiến bảo lưu có thể được phản ánh lên cấp trên, nhưng không được tuyên truyền, phổ biến ra bên ngoài. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo; đồng thời, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu; phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Ban Bí thư yêu cầu, đảng đoàn, ban cán sự đảng, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Ðối với những chủ trương công tác, vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền phải xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khi bàn về nhân sự diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà các thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng có ý kiến khác nhau, qua thảo luận không thống nhất (biểu quyết không đạt đa số quá bán) thì báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau đó với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Cùng với các điều khoản cụ thể về thực hiện chương trình công tác, chế độ hội nghị, chế độ thông tin, báo cáo, ban hành, quản lý văn bản; thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình; tiếp xúc với cơ sở; Quy chế giám sát và phản biện xã hội, các quy định cụ thể về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực… cho thấy hệ thống các quy định của Ðảng ngày càng chặt chẽ, giải pháp mang tính đồng bộ, gắn liền xây và chống. Tuy nhiên, quá trình thực thi tập trung dân chủ vẫn cần hơn nữa sự chủ động, tích cực, quyết tâm chính trị cao, hành động cụ thể của các cấp ủy, nhất là người đứng đầu.

Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, nhấn mạnh yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, gắn với thực hiện Cương lĩnh, Ðiều lệ và các chủ trương, đường lối của Ðảng, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Cội nguồn sức mạnh vô địch của Đảng

Thực tiễn lịch sử dân tộc ta, thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới đã chứng minh một chân lý: Có dân là có tất cả; mất dân cũng có nghĩa là mất tất cả.

Đảng bộ thị trấn Chi Nê đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống 

(HBĐT) - Thời gian qua, Đảng uỷ thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) đã lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo được những dấu ấn đậm nét. Năm 2022, thị trấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tiếp tục phấn đấu xây dựng đô thị văn minh.

Nhân dân quan tâm đến thông tin xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm

(HBĐT) - Những thông tin về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH; công tác xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm của cơ quan chức năng được công khai trên các phương tiện thông tin chính thống thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cán bộ và Nhân dân, góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của người dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Bản lĩnh vững vàng trước thông tin xuyên tạc

Lợi dụng xã hội thông tin mở và đa dạng hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá nước ta.

Khẳng định vị thế, nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người

Nhân dịp Việt Nam trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023- 2025. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu về ý nghĩa quan trọng của việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền ngay tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ).

Không thể xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước luôn có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của các tôn giáo. Với phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo", "tôn giáo đồng hành cùng dân tộc", nhiều tổ chức tôn giáo cùng các chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước, cùng đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục