Toàn cảnh ngày làm việc thứ 2, HDND tỉnh.

Toàn cảnh ngày làm việc thứ 2, HDND tỉnh.

(HBĐT) - Tại phiên làm việc buổi sáng ngày 4/8, Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khoá XVI đã diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đối với các vấn đề đang được dư luận quan tâm. Báo Hoà Bình trích lược đăng tải như sau:

Giải pháp, biện pháp xử lý, ngăn ngừa sinh con thứ 3 trở lên

 

Đại biểu Quách Thanh Hải:

 

Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết việc Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp đề ngăn ngừa hiện tượng sinh con thứ 3, đặc biệt là trong cán bộ, công chức, viên chức đang có xu hướng gia tăng? Có thể ban hành chế tài để xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức sinh con thứ 3 hay không?

 

 

 

                     Đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế:

 

Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 13/CT-UBND ngày 22/10/2013 về tăng cường thực hiện công tác DS-KHHGD nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 30/9/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh an hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 9/12/2013 về triển khai Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 30/9/2015 của BTV Tỉnh uỷ.

 

Trong các chỉ thị và kế hoạch đề ra các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc thực hiện các quy định của pháp luật HN-GĐ và chính sách DS-KHHGD. Trong đó, đưa mục tiêu, nhiệm vụ về HN-GĐ, phòng chống tảo hôn và chính sách DS-KHHGĐ vào Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, chương trình, kế hoạch hoạt động của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương hàng năm; cam kết không sinh con thứ 3 trở lên và đưa quy định này vào hương ước, quy ước xóm, bản, khu dân cư, gia đình văn hoá. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử trí các trường hợp vi phạm pháp luật về HN-GĐ và chính sách DS-KHHGĐ.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục về HN-GĐ và chính sách DS-KHHGĐ dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu, trình độ, nhận thức của các tầng lớp nhân dân ở từng vùng; lồng ghép với các hoạt động văn hoá, lễ hội tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm… để nâng cao nhận thức của cộng đồng, tiến tới xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, phòng chống tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên.

 

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các DNNN, cán bộ xã, phường, thị trấn vi phạm Luật HN-GĐ, chính sách DS-KHHGĐ không xét danh hiệu thi đua, nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, đưa ra khỏi các chức vụ lãnh đạo (nếu có)… đảm bảo tính nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức.

 

Đối với người dân sẽ bị xử lý nghiêm túc theo quy định trong hương ước, quy ước của địa phương. Không xét các danh hiệu thi đua: Gia đình văn hoá, làng văn hoá, xã văn hoá hoặc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá trogn năm đối với gia đình, làng, xã, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp có người sinh con thứ 3.

 

* Về việc thi công các dự án liên quan đến đào mặt đường, vỉa hè trên địa bàn  thành phố ảnh hưởng đến TTATGT và đời sống nhân dân

 

Đại biểu Đặng Thị Hà, Bùi Đăng Khoa:

 

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hoà Bình có nhiều công trình và một số hạng mục công trình trên các tuyến giao thông đào cắt các tuyến đường gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan thành phố. Cử tri thành phố Hoà Bình băn khăn về việc cấp giấy phép dự án hệ thống thoát nước, trách nhiệm của cơ quan chức năng như thế nào, biện pháp khắc phục trong thời gian tới, việc hoàn trả lại mặt bằng sau thi công có đảm bảo chất lượng như ban đầu không?

 

                      Đồng chí Ngô Ngọc Đức, Giám đôc Sở Xây dựng:

 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố  Hoà Bình đang đồng loạt triển khai các dự án liên quan đến đào vỉa hè, mặt đường, công trình thoát nước như Dự án đô thị miền núi phía Bắc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường Võ Thị Sáu, Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Lê Thánh Tông, Hoàng Hoa Thám chiều dài 4,751 km, hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng tháng 12/2016; Dự án nâng cấp  đoạn nối đường Cù Chính Lan và đường Trần Hưng Đạo; Dự án chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp thông tin trên địa bàn thành phố, dự án phải đào cắt qua đường các tuyến An Dương Vương, Trần Hưng Đạo, Cù Chính Lan, Hoà Bình, Phùng Hưng, Hoàng Văn Thụ, Lê Thánh Tông và Thịnh Lang để hạ ngầm, thời gian dự kiến hoàn thành 31/8/2016; Dự án thoát nươc thải thành phố thời gian thực hiện từ 2012-2018, dự án phải đào đường, vỉa hè để thi công khoảng 20km, trải khắp thành phố Hoà Bình với thời gian kéo dài (khoảng 20 tháng), từ tháng 1/2016 đến tháng 8/2017. Về nguyên tắc sau khi thi công hệ thống ống cống và các công trình ngầm thì việc hoàn trả mặt đường và vỉa hè phải đảm bảo chất lượng như ban đầu.

 

Với vai trò quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong đó có các dự án liên quan đến hạ tầng phát triển đô thị, Sở Xây dựng đã thường xuyên làm việc, tham gia ý kiến với chủ đầu tư về các vấn đề liên quan đến thiết kế, thi công, quản lý chất lượng, đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện các dự án, đặc biệt là dự án thoát nước và xử lý nước thải còn nhiều bất cập. Về thiết kế, có nhiều vị trí chưa phù hợp, chồng lấn, phá vỡ kết cấu các công trình hạ tầng khác đã xây dựng. Về thi công, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường, kéo dài thời gian hoàn trả kết cấu mặt đường, vỉa hè như ban đầu. Về quản lý chất lượng, chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, quá trình thi công còn làm ảnh hưởng đến công trình lân cận. các tồn tại, bất cập trên trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư và các đơn vị tham gia dự án. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục cùng UBND thành phố Hoà Bình và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các tồn tại, bất cập để các dự án đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng, giảm thiểu sự ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đối với tuyến đường Trần Hưng Đạo và Chi Lăng, Sở Xây dựng thống nhất với phương án đề xuất của UBND thành phố Hoà Bình là không thực hiện riêng việc hoàn trả mặt đường vì tránh chồng chéo với các dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường, vỉa hè của 2 tuyến này, tránh lãng phí nguồn NSNN.

 

Về thời gian hoàn trả kết cấu mặt đường, vỉa hè: Hiện tại giấy phép đào lòng đường, hè phố để thi công công trình của UBND thành phố Hoà Bình cấp cho đơn vị thi công với thời gian 6 tháng là chưa phù hợp, kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Sở xây dựng đang nghiên cứu, đề nghị với UBND thành phố rút ngắn thời gian hoàn trả còn không quá 1 tháng.

 

Về vấn đề cấp giấy phép: Căn cứ khoản 1, điều 89, Luật Xây dựng thì công  trình này thuộc diện không phải cấp giấy phép xây dựng. Căn cứ khoản 9, điều 3, Quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 10/1/2014 của UBND tỉnh thì thẩm quyền cấp giấy phép đào lòng đường, hè phố để thi công công trình thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hoà Bình.

 

* Sẵn sàng các phương án xử lý sự cố về môi trường

 

Trả lời cử tri huyện Lương Sơn về lượng rác thải tồn đọng chưa được xử lý tại Công ty TNHH thương mại Hoàng Long gây ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn huyện và vấn đề xử lý, giảm thải gây ô nhiễm môi trường tại các nhà máy xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 

 

Đồng chí Đinh Văn Hoà, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT)

cho biết: hiện nay bãi rác thải của thành phố Hoà Bình (TPHB) đã bị đóng cửa. Việc đầu tư xây dựng bãi rác thải mới hiện đang được triển khai xây dựng trên địa bàn xã Yên Mông (TPHB). Trong thơi gian chờ đầu tư xây dựng bãi rác thải mới, lượng rác thải của TPHB đang được đưa về xử lý tại Công ty TNHH Hoàng Long (Lương Sơn) với công suất xử lý khoảng gần 100 tấn/ngày. Do công suất xử lý thấp nên tính đến tháng 6/2016 tại Công ty Hoàng Long còn tồn khoảng 5.600 tấn rác thải. Trước tình hình trên, Công ty đã xây dựng nhiều phương án như mở rộng bãi chứa rác và lót bạt chống thấm, làm rãnh thu nước rỉ và phun thuốc khử mùi tuy nhiên do lượng rác thải tập trung và tồn dư nhiều nên vẫn gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Mới đây, vào ngày 01/8/2016 Cục Cảnh sát môi trường (C49) - BCA đã vào cuộc kiểm tra vì vậy Sở TNMT đang dừng việc kiểm tra chấp hành pháp luật về môi trường của Công ty Hoàng Long, chờ kết quả kiểm tra của C49 - BCA. Hoạt động xử lý rác thải của Công ty Hoàng Long đã giúp cho việc xử lý rác thải của TPHB, các huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn. Tuy nhiên, công suất xử lý của Công ty Hoàng Long rất thấp, hiện đã quá tải so với lượng rác tồn đọng. Trong trường hợp công ty Hoàng Long phải dừng ngay lập tức hoặc từ chối không nhận xử lý rác nữa thì Sở TNMT cũng đã yêu cầu Công ty môi trường đô thị TPHB và UBND thành phố phải xây dựng phương án cho tình huống này. Còn việc bị quá tải hoặc phải dừng việc xử lý thì Công ty Hoàng Long phải có trách nhiệm di chuyển lượng rác thải tồn đọng đến một cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Sở TNMT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TPHB, UBND huyện Lương Sơn và các đơn vị liên quan xây dựng các phương án để sẵn sàng xử lý những vấn đề về môi trường liên quan đến việc xử lý rác thải.

 

Còn đối với việc việc gây ô nhiễm môi trường tại 2 Nhà máy xi măng và một số nhà máy trên địa bàn huyện Lương Sơn, ngành TNMT sẽ tiếp tục phối hợp cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống người dân theo quy định của pháp luật.

 

* Sẽ tập trung triển khai quản lý VSATTP và chống hàng giả, hàng nhái

 

Trả lời chất vấn cuả đại biểu Xa Đức Thọ, tổ đại biểu huyện Đà Bắc về vấn đề tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý hàng hoá giả, kém chất lượng và VS ATTTP:

 

 

Đồng chí Vũ Mai Hồ, Giám đốc Sở Công thương thừa nhận trên địa bàn tỉnh, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. Hằng năm, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3000 vụ, riêng năm 2015, xử lý hành chính 1,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục đã kiểm tra 1700 vụ, xử phạt hành chính 1,7 tỷ đồng. Hiện nay, vấn đề tăng cường kiểm tra, giám sát hàng giả, hàng kém chất lượng được toàn xã hội quan tâm. UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh về chống buôn lậu, với sự tham gia của các cấp, các ngành.

 

Hoà Bình là một tỉnh miền núi, bị chia cắt nên việc kiểm tra, giám sát và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng chưa thể triệt để, trong khi, đội quản lý thị trương vừa mỏng, lại phải trực 10 chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh 24/24 giờ. Để giải quyết vấn này, liên Bộ Công thương và Nội vụ có thông tư 84, hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, bộ máy của Đội Quản lý thị trường, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh và thành lập Đội chống hàng giả để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường hàng hoá với hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, Sở mong muốn, các cơ quan, ban ngành cùng đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ hơn nữa, để chung tay từng bước đẩy lùi vấn nạn trên.

 

Còn vấn đề về vệ sinh ATTP, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, tuyên truyền cho bà con, các cở sở sản xuất, kinh doanh để họ hiểu được các nội dung, quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP.

   

                                            Nhóm PV Phòng BĐTL - TH

 

 

 

Các tin khác


Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xây dựng Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc vững mạnh toàn diện

Nhờ chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tội phạm được kiềm chế là nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận an ninh, trật tự từ cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục