Đó là yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) vào sáng 20-9.

 

Trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngày 1-9-2016, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), với các nội dung: Sự cần thiết ban hành Luật; mục tiêu, quan điểm chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật; quá trình xây dựng dự án Luật; phạm vi điều chỉnh, những nội dung cơ bản và những điểm mới chủ yếu của dự thảo Luật; vấn đề xin ý kiến Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thông qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Sau đó,  trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Thường trực Ủy ban pháp luật cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nhận thấy hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong định hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020; đồng thời, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan mới được ban hành.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật nêu rõ: Xuất phát từ tổng kết thực tiễn thi hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng làm rõ các thiệt hại được bồi thường và căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

 

Trong phần thảo luận về dự án luật, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan tâm tới việc xác định trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Tán thành với việc ban hành dự án luật này song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn khi cho rằng tuy dự thảo luật đã kế thừa nhưng chưa phù hợp với Hiến pháp. Dẫn Điều 30 và 31 của Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” (Điều 30); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự” (Điều 31), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi hay một trường hợp nào. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần xác định lại phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong dự thảo Luật để bảo đảm tính bao quát, phù hợp với quy định của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về cơ quan bồi thường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, hiện nay, qua 6 năm thực hiện Luật thì vấn đề hiện nay, vướng mắc không phải do mô hình cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước mà là do thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường. Do vậy, mô hình cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước không có vướng mắc thì không sửa đổi mà sẽ vẫn giữ như luật hiện hành. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có hành vi gây thiệt hại thì có trách nhiệm giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường của mình. Quy định như vậy gắn trách nhiệm bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Đồng quan điểm này, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cũng cho rằng quá trình giải quyết bồi thường, các cơ quan tố tụng không thấy có khó khăn, chỉ thấy quy định chưa rõ nội dung bồi thường nên tạo ra sự không thống nhất giữa cơ quan bồi thường và người được bồi thường. Bên cạnh đó, cách thức, thủ tục, mức tính bồi thường cũng không thống nhất. Do đó, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể kiến nghị cần có một quy định để các cơ quan Nhà nước làm căn cứ để tính toán mức bồi thường cho hợp lý, thỏa đáng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, luật này cần phải xác định từng bước; mở rộng dần dần để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tác động. Bởi nếu quy định quá “hẹp” sẽ ảnh hưởng quyền công dân, ngược lại quá “rộng” sẽ dẫn tới việc lạm dụng, làm “chùn tay” các cơ quan tố tụng trong đấu tranh chống tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng chỉ ra rằng, trong báo cáo giám sát oan sai cho thấy mô hình tổ chức cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường chưa hợp lý, còn phân tán, thiếu khách quan, giải quyết còn chậm trễ... dẫn đến trường hợp oan lớn trong một thời gian dài nhưng lại chỉ xin lỗi công khai trong vài phút, khiến dư luận và người dân cho rằng làm hình thức, chiếu lệ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đặt vấn đề, liệu luật ra đời có giải quyết được tình trạng các trình tự thủ tục và các yêu cầu đặt ra quá chặt chẽ. “Đi tù mấy chục năm thì việc thăm nuôi lấy đâu ra hóa đơn, chứng từ? Luật có giải quyết được không hay cứ khi xảy ra vụ việc lại đòi chứng từ?” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi và cho rằng cần làm rõ trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai và từ vụ việc oan sai của Ông Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn, đề nghị việc giải quyết bồi thường không thể gây khó cho người được nhận bồi thường.

Về việc bồi thường cho người bị thiệt hại, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, luật quy định bồi thường vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự, song thực tế bồi thường nhiều khi không khôi phục được quyền lợi của người bị hại. “Có những trường hợp không thể khôi phục được quyền lợi như buộc thôi chức, sau đó có quyết định bồi thường, khôi phục lại công việc, nhưng họ đã bị bỏ lỡ cơ hội được cất nhắc, bổ nhiệm...”,  Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh dẫn giải.

Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quyền yêu cầu bồi thường có thể được kết hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính mà không nên hạn chế chỉ theo Luật này. Điều quan trọng là các bên phải thống nhất về các thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường; việc xác định thiệt hại và chứng minh mức độ thiệt hại phải rõ ràng, minh bạch, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Dự thảo Luật có 9 chương, 84 điều dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 2, vào tháng 10 tới. So với Luật 2009, dự thảo đã sửa đổi 47/67 điều, bỏ 20 điều, quy định mới 37 điều.

 

                                           Theo báo Quân đội nhân dân

 

 

Các tin khác


Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xây dựng Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc vững mạnh toàn diện

Nhờ chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tội phạm được kiềm chế là nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận an ninh, trật tự từ cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" huyện Kim Bôi lần thứ VII

Ngày 26/4, Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" lần thứ VII, giai đoạn 2019 - 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục