Chiều 12/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại xã Ayun (huyện Chư Sê), đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng hiện vẫn là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.

 

Tổng Bí thư thăm hỏi bà con nhân dân xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: TTXVN

Cùng đi với Tổng Bí thư có các Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo xã Ayun, huyện Chư Sê, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, hoan nghênh những nỗ lực cố gắng và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Đến nay, Ayun vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê và của tỉnh Gia Lai. Thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 7,8 triệu đồng/năm, bằng 1/5 so với bình quân toàn tỉnh và 1/6 bình quân của cả nước; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 88% dân số.

Phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan vì sao Ayun vẫn là xã đặc biệt khó khăn, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Trung ương, của tỉnh và của huyện, như một “cú hích” ban đầu, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Ayun cần nỗ lực vươn lên, không cam chịu đói nghèo. Muốn vậy, địa phương cần huy động được sức dân, toàn dân cùng làm với Nhà nước; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp các ngành, các cấp; phải thay đổi nếp nghĩ, tập quán làm ăn, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi; chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ tại chỗ.

Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đều nhất trí với kiến nghị, đề xuất của xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai về những giải pháp mang tính căn cơ, sát đúng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra nhằm khai thác phát huy tiềm năng lợi của địa phương, đưa Ayun thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, các kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc tiếp tục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo tại xã Ayun, huyện Chư Sê, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Với hai hạng mục gồm đập dâng và hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước vào đồng, công trình thủy lợi Plei Keo sau khi hoàn thành sẽ tạo nguồn nước tưới cho 500 ha cây trồng, bao gồm 400 ha lúa và 100 ha hoa màu.

Tổng Bí thư chỉ rõ: “Đây là một cú hích quan trọng, địa phương đang khao khát chỗ này”, đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan thúc đẩy để công trình sớm được triển khai thực hiện theo đúng quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Ayun phát triển đi lên.

Tổng Bí thư mong muốn từ nay đến hết nhiệm kỳ, Ayun không còn là xã đặc biệt khó khăn, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Ayun mà còn là nhiệm vụ của huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng quà xã Ayun; đến thăm và tặng quà một số gia đình chính sách khó khăn, gia đình làm kinh tế giỏi của xã.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà một hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN

Cách trung tâm huyện Chư Sê 14 km, xã Ayun có diện tích đất tự nhiên hơn 5.000 ha, với 3.650 nhân khẩu, trong đó 98,7% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn được quan tâm, xã đã xây dựng được 12 km đường nhựa và bê tông. Tỉ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt trên 98%. Địa bàn xã có 3 trường học, đội ngũ giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, cơ sở vật chất bảo đảm nhiệm vụ dạy và học.

Tuy nhiên, trình độ sản xuất của người dân xã Ayun còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước cạn kiệt gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của bà con. Hiện nay, bà con chủ yếu vẫn chỉ trồng được lúa một vụ và trồng sắn, năng suất cây trồng, hiệu quả sản xuất thấp. Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí chưa cao, công tác xóa đói giảm nghèo chưa có nhiều tiến triển, kết quả đạt được chưa bền vững.

 

                                                 TheoBaochinhphu

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục