Chuyển biến từ thực tiễn
Huyện Lương Sơn đã bước đầu tạo được hiệu quả cao trong việc phát huy vai trò, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, huyện tạo được kết quả khả quan trong triển khai Tháng hành động thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố” trên địa bàn. Vấn đề nhức nhối về họp chợ lấn đường ở khu vực thị trấn Lương Sơn cơ bản được giải quyết. Lương Sơn đã xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng họp chợ lấn đường trên quốc lộ 6 khu vực thị trấn, tiếp tục duy trì ông tác giải tỏa hành lang giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Vũ Chi đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý chống lấn chiếm, tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang giao thông các tuyến đường; tiếp tục tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tự giác tháo gỡ vi phạm hành lang ATGT đường bộ, tổ chức ký cam kết với các hộ dân không lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT, lập biên bản vi phạm hành chính, buộc tháo gỡ vi phạm, tổ chức cưỡng chế nếu không chấp hành.
Bên cạnh đó, huyện Lương Sơn tạo được sức nóng "truyền lửa” nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền trong thay đổi lề lối, tác phong làm việc, xây dựng công sở văn minh, tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân đến làm việc, giao dịch cũng như giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra…Nhiều đơn vị, tổ chức, địa phương đã tạo được kết quả rõ rệt khi phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị.
Cùng với đó có thể kể đến Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Trần Hải Lâm đã quyết liệt trong thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức toàn huyện, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn; chỉ đạo thành lập Trung tâm hành chính công của huyện đi vào hoạt động bảo đảm chất lượng.
Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Quách Tất Liêm chỉ đạo có hiệu quả các giải pháp thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Lạc Thủy là đơn vị đầu tiên của tỉnh thành lập Trung tâm Hành chính công hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao dịch của tổ chức, cá nhân…
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy (Kim Bôi) Bùi Văn Lực không chỉ là người đầu tiên đưa nhãn Hương Chi về đồng đất quê nhà mà còn phát huy vai trò đầu tầu gương mẫu, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa với thương hiệu nhãn Sơn Thủy đem lại cơ hội xóa đói- giảm nghèo và làm giàu cho người dân xã, nhận được sự tin yêu, trân trọng của cán bộ và người dân trên địa bàn...
Tiếp tục nâng cao năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu
Theo Báo cáo số 173-BC/BCTU ngày 11/7/2017 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ: Hầu hết các đồng chí được giao trọng trách phụ trách cơ quan, đơn vị đã xác định rõ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo triển khai, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước và chương trình kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị, đồng thời tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị ban hành quy chế làm việc. Theo đó phân công, phân cấp nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng đến các cấp phó và từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền đúng quy định. Các cơ quan, đơn vị không để xảy ra vụ việc phức tạp gây điểm nóng. Đa số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đều nhận thức rõ tầm quan trọng và quan tâm đến công tác CCHC, nhất là đối với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính... Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công được giao; đảm bảo an toàn lao động tại cơ quan, đơn vị. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về văn hóa công sở, nhất là thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Quan tâm chỉ đạo, hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, nhũng nhiễu công dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ…
Bên cạnh đó cũng còn những hạn chế, tồn tại như: Một số đồng chí được giao trọng trách phụ trách cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu . Còn thụ động trong chỉ đạo triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước và kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị cũng như việc tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Chưa chú trọng chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị; việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo trong phạm vi thẩm quyền còn lúng túng. Chưa thực sự quan tâm đến công tác CCHC; chưa xử lý nghiêm đối với tổ chức và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, nhũng nhiễu công dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đối với công tác tổ chức cán bộ, một số ít đồng chí chưa thực sự công tâm, khách quan, còn có biểu hiện cục bộ địa phương, nhất là cấp cơ sở. Việc đánh giá cán bộ vẫn còn nể nang, ngại va chạm, chưa thực sự gương mẫu, chạy theo thành tích...
Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xuất phát từ thực tiễn, hiện nay, tỉnh đang tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với cơ chế kiểm soát trách nhiệm, xác định khung thời gian cụ thể cần phấn đấu giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, nâng cao hiệu quả phát triển KT-XH, QP-AN. Tỉnh đã đề xuất với Trung ương xây dựng bộ tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý; tiêu chí đánh giá đối với chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hoàn thiện danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, từ đó xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá của từng vị trí việc làm. Mỗi cán bộ, công chức lập kế hoạch công tác cá nhân trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình và kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cá nhân cán bộ, công chức có bản mô tả công việc cụ thể sẽ là cơ sở cho việc theo dõi, giám sát tiến độ, chất lượng công việc để có đánh giá chuẩn xác về kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Công việc lãnh đạo của người đứng đầu là quyết định toàn bộ mọi vấn đề một cách đúng đắn, chính xác; tổ chức chỉ đạo thực hiện những vấn đề ấy có hiệu quả; chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động bảo đảm đúng nghị quyết, đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và có kết quả cụ thể, thiết thực. Vì vậy, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu giữ vai trò tạo đà, cơ hội cho phát huy thế mạnh, khắc phục những mặt còn yếu kém của cơ quan, đơn vị.