(HBĐT) - Có người bạn đến với Đà Lạt, đắm chìm trong những nét đặc trưng tuyệt vời ở nơi này để rồi tự đặt câu hỏi và nhận ra rằng: "Điều gì làm nên bản sắc Đà Lạt? Đó là cảnh quan, sương mù bảng lảng giăng huyền ảo trên những đồi thông làm lòng người đa cảm. Cái lạnh se se khiến người ta phải mặc kín đáo, sống thâm trầm, có nhu cầu tìm đến nhau. Không gian tinh sạch, thơm tho của nhựa thông tỏa khắp không gian khiến tâm hồn người thơ thới để nghĩ và làm những chuyện tao nhã…”.
|
Thành phố Đà Lạt trong sương. 1. Nhắc đến Đà Lạt là gợi nhớ hình ảnh "Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông”. Thông hiên ngang vươn lên trời xanh, reo vi vu suốt bốn mùa là một bộ phận cấu thành của thiên nhiên Đà Lạt, văn hóa Đà Lạt. Người Pháp đã khéo chọn nơi đây để dựng xây một đô thị mà ở đó đặc sản là núi đồi, rừng xanh, là "phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Chỉ nơi đây mới có "đặc sản” ấy vì nó là đô thị xây trên những đồi thông. Nếu người ta ví núi đồi vùng Tây Bắc "như những cô gái gầy cao lêu nghêu” thì Đà Lạt lại là những đồi thông xanh mướt mỡ màng như "người con gái dịu dàng mới bước vào thì mười tám, đôi mươi”. Thông xanh reo vi vút từ những con đèo dẫn vào thành phố. Thông bao bọc Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3 – những căn nhà một thời của Bảo Đại. Thông che lối đường lên đồi Trà, lên giảng đường cho sinh viên Đại học Đà Lạt. Thông xanh mướt cả đồi Cù soi bóng bên hồ Xuân Hương – cái đồi Cù mà một thời là nơi hò hẹn của người trẻ Đà Lạt. Có gã thất tình đã phải thốt lên rằng "em ơi Đà Lạt vô tình quá, anh hóa đồi Cù lăn lóc dưới chân em”… Đà Lạt ra đời trong núi và đồi nên đường sá nương theo đồi, núi. Khi người Pháp vẫn giữ nguyên lối cũ đặt vào đây hệ thống đường bàn cờ nhưng nó mềm mại, tôn trọng tối đa những đặc tính của địa hình. Đó là lý do Đà Lạt là thành phố duy nhất ở Việt Nam không có đèn xanh, đèn đỏ. Nhưng cứ đi như vậy thì xa lắm, chẳng những với Đà Lạt đi bộ ngày xưa mà với cả Đà Lạt đầy đủ những phương tiện giao thông như ngày nay cũng vậy. Và như thế sự khéo léo của con người trong tồn tại đã được phát huy. Có ai đó đã nói rằng người Đà Lạt đem "Cầu thang rải giữa trời”. Khách đến với Đà Lạt, phải đi bộ mới biết tất cả các con đường ở Đà Lạt đều có bậc thang thông với nhau gọi là dốc, nên nói "Đứng trên triền dốc” là vậy. Mỗi con dốc được gắn với một địa chỉ cho dễ nhớ. Đó là "Dốc Sông Lô” bởi có khách sạn Sông Lô ở cuối đường, "Dốc Nhà làng” nơi ngày xưa có cái đình làng trên đồi để cung kính đất mới, "Dốc Tin Lành” bởi có nhà thờ Tin Lành, "Dốc Nhà thương” bởi ngày xưa đây có nhà thương để cứu người, ngày đó người ta không gọi bệnh viện, "Dốc Nhà bò” đi qua trại nuôi bò của ông Tây Lafairo thời thuộc địa xa xưa… Bậc thang như nét riêng của Đà Lạt. Có lẽ vậy nên nhạc sĩ Lam Phương mới thốt lên rằng "Thành phố nào vừa đi đã mỏi”. Và có lẽ cũng vì bậc thang mà người Đà Lạt chầm chậm bước nên người ta vẫn gọi đây là "Thành phố thong thả”, sống chậm. Một nét riêng chẳng thể lẫn vào đâu… 2. Cô bạn tôi lên Đà Lạt và quyết định gắn bó với nơi này. Tình yêu và đám cưới của cô gái trẻ đã diễn ra ở phố núi. Trên facebook của mình, cô viết: "Đà Lạt dễ thương từ con đường tôi đi làm mỗi buổi sáng. Tôi đã đi ngang qua bãi cỏ bên hồ Xuân Hương, ở đó có vài chú ngựa ngái ngủ, gượng gạo ngoắt đuôi bắt đầu ngày mới. Đà Lạt sáng mai sẽ có làn sương sớm đậu trên cỏ, thi thoảng có một thảm hoa bồ công anh màu vàng. Trong làn gió nhẹ nhàng đủ làm tóc tôi lung lay, trong cái lạnh se se, trong những nhịp thở sâu chưa từng thấy, tôi nhận ra mình yêu Đà Lạt quá rồi”.
Nông dân Đà Lạt chăm sóc hoa trong hệ thống nhà kính. Đà Lạt dễ thương khi vệt nắng chiều nghiêng nghiêng chiếu xuyên qua làn nắng lạnh. Mà có lẽ ngoài Đà Lạt ra ít có nơi nào người ta dám đối diện thẳng với ánh nắng chiều như thế. ở Đà Lạt, không phải đợi tới mùa đông người ta mới nhìn thấy khói bay ra từ hơi thở. Đà Lạt là nơi mà bất cứ ai cũng khó có thể chống đỡ nổi cái cảm giác thèm lăn qua, lăn lại, ngủ nướng trong chăn cho phép mình lười biếng lâu nhất… Và có lẽ cũng vì thế mà người cô đơn không nên chọn Đà Lạt. Bởi thành phố này chỉ hợp với những người yêu nhau, với những vòng tay ôm, những nụ hôn nồng nàn trong mỗi buổi sớm mai khi mà ngoài khung cửa sổ kia sương còn đọng trên nhành hoa, kẽ lá… Với Đà Lạt, sẽ dễ tìm thấy trên phố mì Quảng Hội An, bún bò Huế, phở Bắc, cháo lươn Xứ Nghệ… Bởi từ lâu, thật lâu người dân tứ xứ đã tìm về vùng đất này làm kinh tế mới. Những người con xứ Quảng, xứ Huế vào làm phu đường lập nên ấp ánh Sáng, Thái Phiên, người Nghệ Tĩnh vào hình thành ấp Nghệ Tĩnh, người Hà Đông (Hà Tây) vào lập nên ấp Hà Đông… và cho đến tận bây giờ những cái tên và nét đặc trưng vùng miền vẫn còn ở vùng đất đó. Cũng bởi vậy mà tận Nam Tây Nguyên, tiếng Quảng, tiếng Huế, tiếng Nghệ, tiếng Hà Nội vẫn hài hòa với nhau và vang lên "đặc sệt”. Đến Đà Lạt, sẽ là hạnh phúc lắm nếu tay trong tay cùng người thương đi trên đường Quang Trung rụng trắng hoa ban, đường Trần Hưng Đạo rực rỡ mai anh đào, đường vào chợ Đà Lạt thương nhớ màu phượng tím… Khi nào đôi chân mỏi sẽ dừng chân tại những quán xá nhỏ xinh mà người Đà Lạt yêu thương gọi là tiệm. Đó là tiệm cà phê Hoa Hồng với tràn ngập các loại hoa hồng rung rinh khoe sắc, tiệm cà phê Cô Bông với cách bài trí và những thức quà của những năm 80… hay khác một chút là cơm trưa ở Cửa Hàng Mậu Dịch, uống trà ở Quán Của Thời Thanh Xuân… Tối về lữ khách dừng chân trong những homestay nhỏ: Đà Lạt House, Là Nhà, Nhà của Gió, Tre’s House… Những căn nhà thiết kế độc đáo trong ống cống hay nhà gỗ bên đồi… đã thu hút hàng ngàn lượt du khách đến với Đà Lạt. Trong một thời gian ngắn, Đà Lạt có đến 332 cơ sở lưu trú, homestay đăng ký với trên 2.000 phòng, trên 5.600 giường. Có quá nhiều người đắm say thành phố này, nên nếu không có homestay thì sẽ là quá sức cho hệ thống dày đặc khách sạn, nhà nghỉ ở thành phố này trong việc đón chào du khách. 3. Dù là người ở đâu, đến Đà Lạt với lý do gì thì khi sống ở đất này với sơn lam chướng khí, với cái lạnh từ se se đến se sắt, người ta buộc phải tìm đến nhau để nương tựa, làm nên bản tính hiền hòa, đa cảm, bao dung, độ lượng. Sương mù, khí hậu mát lạnh quanh năm buộc người ta phải ăn mặc kín đáo rồi từ đó hình thành phong cách sống đĩnh đạc, lịch sự ở xứ sở đồi núi nối núi đồi, trong lãng đãng khói sương này … Người Đà Lạt dễ thương lắm. Bên ngoài chiếc áo dài trắng của cô nữ sinh bao giờ cũng có những chiếc áo len mỏng. áo len màu rêu của nữ sinh trường Trần Phú, áo len màu đỏ của những trí tuệ trường chuyên Thăng Long… Sáng sáng, trên những cung đường đến trường, tà áo dài bay bay trong gió lạnh va vào những ánh nắng chiếu xuyên qua rừng thông. Không có những xe đạp hoa như ở Hà Nội, Đà Lạt - thành phố hoa với các làng hoa bao lấy thành phố. Làng hoa hồng Vạn Thành ở phía bắc, làng hoa Thái Phiên ở phía nam và làng hoa Hà Đông ở phía đông thành phố. Sáng sáng, trên đường ra chợ Đà Lạt hay vào những vựa hoa, người nông dân chở sau chiếc xe máy "cà tàng” một bó hoa lớn được cuộn tròn trong chiếc chiếu. Chiếu giữ cho làn gió lạnh không đập vào gãy mất dù chỉ vài cánh hoa. Hoa ra chợ, người nông dân quay lại nhâm nhi ly cà phê nguyên chất để "tỉnh táo” cho một ngày lao động chuyên cần. Người Đà Lạt hầu như không uống cà phê đá. Ly cà phê sáng bao giờ cũng đặt trong một bát nước nóng để "giữ ấm”. Người Đà Lạt cũng không uống cà phê mà màu "đen như địa ngục”. Khi bao quanh Đà Lạt là những vùng chuyên canh cây cà phê ở Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh với hàng ngàn ha thì người Đà Lạt chỉ uống cà phê nguyên chất. Mùi cà phê có vị chua chua không lẫn tạp chất, màu cà phê còn có chút xanh rêu… Người ta nói ở Đà Lạt nghề giàu nhất là làm nông. Nông dân Đà Lạt tân tiến trồng rau, hoa thương phẩm. Ngoài những súp lơ, cải thảo, xà lách, cà rốt… người ta còn trồng cà chua baby, dưa peppino. Không chỉ trồng rau trên đất mà còn trồng trên nước với công nghệ rau thủy canh. Trên tất cả các ruộng rau ở Đà Lạt, người ta lắp đặt hệ thống nhà kính với kinh phí hàng trăm triệu đồng trên một sào. Với công nghệ sản xuất hoa trong nhà kính, nhà lưới, hoa Đà Lạt xuất hiện trong các siêu thị cao cấp, các chợ trên toàn quốc, toàn cầu. Đáng chú ý, ở Đà Lạt nổi lên danh tiếng của Công ty Dalat Hasfarm - một công ty sản xuất những chủng loại hoa đẳng cấp cao, có mặt ở hầu hết các thị trường thế giới mà thường xuyên nhất là Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Anh, ô-xtrây-li-a, Thái-lan… Bên cạnh còn có các công ty như Rừng Hoa, Nông ích, Lâm Thăng, Ponifarm; trang trại của các ông Trần Huy Đường, Chế Quang Đệ, Phan Thanh Sang, Nguyễn Xuân Trường… cũng khẳng định chỗ đứng và thương hiệu của mình. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày xưa chỉ biết treo mấy giò lan rừng cho vui góc nhà sàn, nay đã trở thành những hộ nông dân sản xuất giỏi, giàu có từ nghề trồng hoa theo hướng công nghệ cao. Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục tạo sự đột phá mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị cao hàng đầu Đông Nam á. Toàn tỉnh có trên 43 ngàn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 16,4% diện tích đất canh tác. Riêng cây rau có trên 12 ngàn ha, gần 2, 5 ngàn ha hoa công nghệ cao. Thu nhập bình quân của người sản xuất rau, hoa công nghệ cao đạt 200 - 300 triệu đồng /ha, cá biệt có 11.000 ha đạt trên 500 triệu đồng /ha/năm. Trong đó có 700 ha đạt doanh thu từ 1 - 3 tỷ đồng… Dù nông dân hay công chức, doanh nhân hay công nhân lao động, người Đà Lạt vẫn sống nhẹ nhàng vẫn yêu hoa lá, cỏ cây thật tao nhã. Khách du lịch đổ về Đà Lạt, có người không kìm nổi đã đưa tay hái bông hoa. Nghệ sỹ nhiếp ảnh MPK nhắc nhẹ "Hoa Dã Quỳ lìa cành sẽ héo ngay. Các cháu chụp hình thôi đừng hái hoa mà tội”. Khách chen nhau đứng chụp hình làm dạt cả hàng mua tím, anh bộ đội dừng xe nhắc "Ai cũng như mấy bạn vậy thì người sau lên Đà Lạt lấy đâu hoa mà ngắm và chụp ảnh”. Trên con đường ngập hoa hồng, đường 2 chiều Ba Tháng Tư có anh chàng thất tình đã lỡ tay hái bông hồng để dỗ người yêu. Cô công chức đi ngược chiều đã quay xe lại để nhắc nhở. Cùng với đó là ánh mắt đầy chê trách của tất cả các cô hàng quán hai bên đường. Anh thanh niên và cô bạn gái rời đi đầy ngại ngùng… Cứ nhẹ nhàng vậy thôi mà thành nét đặc trưng của Đà Lạt. Người thành phố hoa như thế mới giữ và làm cho nơi này xứng danh thành phố ngàn hoa.
Ngọc Ngà |