Lãnh đạo Hội LHPN huyện Lạc Sơn trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, công tác Hội với cán bộ, hội viên phụ nữ xã Hương Nhượng.
Ngược dòng lịch sử cách đây 53 năm - thời khắc lịch sử ghi dấu tên gọi phong trào phụ nữ "Ba đảm đang” chính là khi hai miền Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Trong không khí sục sôi của những năm tháng lịch sử đó, ngày 22/3/1965, T.ư Hội LHPN Việt Nam phát động trên toàn miền Bắc phong trào phụ nữ "Ba đảm nhiệm” (đảm nhiệm sản xuất, công tác thay thế nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng, con yên tâm tham gia chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, sẵn sàng gia nhập quân đội, chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần). Sau đó, phong trào được Bác Hồ trực tiếp đổi tên thành "Ba đảm đang”. Hưởng ứng các nội dung của phong trào, phụ nữ Mường Vang (Lạc Sơn) cùng phụ nữ trong tỉnh và phụ nữ cả nước hăng hái thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, tích cực đóng góp công, của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hàng nghìn phụ nữ, nữ thanh niên trong huyện xung phong lên đường nhập ngũ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Phụ nữ ở hậu phương vừa đảm đang sản xuất, công tác, nuôi dạy con, vừa tích cực tham gia dân quân tự vệ và trực tiếp chiến đấu, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, giúp đỡ bộ đội... Với tinh thần thi đua yêu nước "Đồng ruộng là chiến trường”, "Mỗi người làm việc bằng hai”, chị em các dân tộc trong huyện hăng hái tham gia các mặt công tác được Huyện ủy Lạc Sơn và Hội LHPN tỉnh đánh giá cao. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ (HPN): xã Tân Lập với phong trào "Cấy nhanh, cấy khéo”; xã Liên Vũ với phong trào "Chăm sóc bèo hoa dâu”; xã Vũ Lâm với phong trào "Cào cỏ bằng sắt hòng chăm sóc lúa”… Cùng với đó, các hoạt động của HPN sôi nổi, tích cực trong nhiều lĩnh vực công tác như: Chị em công nhân viên chức thi đua lao động đạt năng suất cao. Trong lĩnh vực chăm sóc, nuôi dạy con, HPN đã vận động chị em thay đổi tập tục lạc hậu, học tập kiến thức nuôi, dạy con theo khoa học. Năm 1965, cả huyện có 12 nhóm trẻ với 63 cháu. Năm 1970 tăng lên 73 nhóm với 93 nhà trẻ, 1.352 cháu. Đây cũng là thời kỳ đội ngũ cán bộ nữ được tăng cường và các chị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (năm 1970, Hội LHPN huyện có 10.652 hội viên, trong đó 5.872 hội viên đạt danh hiệu ba đảm đang).
Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội LHPN cấp trên, các cấp HPN trong huyện đã phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trên các lĩnh vưc sản xuất, công tác, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói - giảm nghèo, xây dựng quê hương. Trong đó, những nhiệm vụ trọng tâm, Hội đặt lên hàng đầu chính là phải nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; xây dựng người phụ nữ có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu. Cùng với đó, Hội chú trọng nâng cao hiệu quả hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng. Hiện các cấp HPN quản lý trên 89 tỷ đồng nguồn vốn Ngân hàng CSXH, 17 tỷ đồng vốn Ngân hàng NN&PTTN, gần 3 tỷ vốn Dự án tài chính vĩ mô và CLB Pháp luật và đời sống giúp trên 3.000 lượt hội viên vay phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo. Trong 3 tháng đầu năm, 100% hộ hội viên nghèo, cận nghèo được giúp đỡ dưới nhiều hình thức; hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên giúp hàng trăm hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Công tác hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc được triển khai khá sôi nổi qua tổ chức các chiến dịch CSSKSS; phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, người già, trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; thành lập các CLB phòng, chống ma túy, TNXH, CLB sức khỏe sinh sản...
Hồng Duyên
Chiều 26/4, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tham dự và có bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu tại thành phố Sydney. Dưới đây là toàn văn phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại lễ khai mạc hội nghị: