Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm hỏi công nhân lao động tại Công ty may SEYOUNG (Khu công nghiệp Lương Sơn).
Năm năm qua (2013 - 2018), trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI, giành được những kết quả quan trọng về KT-XH, QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Năm 2017, KT-XH tỉnh Hòa Bình có bước phát triển tích cực, có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 9,46%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.188 tỷ đồng. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,82% (còn khoảng 18,72%); sự nghiệp GD&ĐT đạt được nhiều kết quả tích cực; hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sôi nổi, phong phú; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.
Đạt được kết quả trên là do phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, sự phối hợp của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Công đoàn tỉnh ta.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể, phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực. Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, kết luận chỉ đạo hoạt động công đoàn như: Kết luận số 93-KL/TU, ngày 15/5/2013 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 29/10/2014 về "Tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh”; Kế hoạch số 44-KH/TU, ngày 9/8/2016 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất”; Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 8/2/2018 về "Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”.
Công đoàn các cấp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ với tổng số tiền trên 16,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 74 nhà "Mái ấm công đoàn” với số tiền 1,5 tỷ đồng, giúp đỡ các xã vùng 135 theo quyết định của tỉnh giao, các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ nhân dân bị thiên tai, bão lũ, thăm hỏi, tặng quà CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 11,3 tỷ đồng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 183.400 lượt CNLĐ và người sử dụng lao động; phối hợp với các ngành chức năng giải quyết 4 vụ ngừng việc tập thể tại một số doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, QP-AN. Vị thế của tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng lên.
Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo bước đột phá thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, xây dựng tỉnh Hòa Bình giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển KT-XH của tỉnh. Tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ mới; thực hiện NQT.ư 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong CNVCLĐ.
Hai là, Công đoàn cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới CNH-HĐH đất nước. Trong điều kiện hiện nay có rất nhiều yêu cầu mới, vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi đội ngũ CNLĐ phải nâng lên một tầm cao mới. Tầm cao không chỉ lao động có trí tuệ và sáng tạo, mà tầm cao cả về nhận thức vai trò, vị trí chính trị to lớn của giai cấp công nhân, giai cấp làm chủ vận mệnh của đất nước, đang có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng ngày càng tri thức hóa. Vì vậy, cần tập trung đổi mới hơn nữa về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở và người lao động; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong đoàn viên và người lao động.
Ba là, Công đoàn cần chủ động phối hợp với chính quyền phát động sâu rộng và tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng trong CNLĐ, động viên đông đảo CNLĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển KT-XH. Phải liên tục đổi mới nội dung và các hình thức thi đua phù hợp với đặc điểm của từng ngành, địa phương và cơ sở; tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống CNLĐ, góp phần tăng trưởng kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương. Công đoàn cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để CNLĐ có quyền chủ động, sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh và thụ hưởng xứng đáng với những đóng góp của mình góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Bốn là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, tâm huyết với hoạt động công đoàn, gắn bó với đoàn viên, xây dựng tập thể Ban Chấp hành công đoàn các cấp đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, trách nhiệm vì lợi ích đoàn viên và người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, phấn đấu ở đâu có CNLĐ ở đó có tổ chức Công đoàn.
Năm là, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, thường xuyên chăm lo lãnh đạo phong trào công nhân và hoạt động của tổ chức Công đoàn. Các cấp ủy phải định kỳ và thường xuyên nghe tình hình công tác của tổ chức Công đoàn và nguyện vọng của CNLĐ để kịp thời có ý kiến chỉ đạo. Đồng thời, lãnh đạo chính quyền, chuyên môn, MTTQ, các đoàn thể và các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Công đoàn trong các mặt công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho Công đoàn hoạt động có hiệu quả.