Đại biểu Trần Đăng Ninh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu QH Hòa Bình phát biểu tham luận tại tổ.
Tại kỳ họp thứ
4, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2017), trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện quý
IV, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội năm 2017 với 08 chỉ tiêu đạt và 05 chỉ tiêu vượt mục tiêu
kế hoạch trong tổng số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được
Quốc hội giao.
Đến nay, trên
cơ sở tổng hợp kết quả cả năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 được
đánh giá bổ sung với những số liệu cụ thể và có thay đổi so với ước thực hiện. Trong số 13 chỉ tiêu đã được thông qua, có 04 chỉ tiêu đạt và 08 chỉ tiêu vượt
kế hoạch, tăng thêm 03 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội. Gồm:
tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (số đã báo cáo là 6,7%), tốc độ tăng giá tiêu
dùng (CPI) bình quân 3,53% (số đã báo cáo khoảng 4%) và giảm tỷ lệ hộ nghèo
theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,51%, riêng các huyện nghèo giảm 5% (số báo cáo lần
lượt là 1-1,5% và 4%).
Tham gia buổi
thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được về thực hiện
kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và quý I năm 2018. Đại biểu Trần
Đăng Ninh - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH
tỉnh Hòa Bình cho rằng các chỉ tiêu kinh tế có những bước khả quan, tăng trưởng
GDP cao nhất, chỉ số tăng trưởng nông nghiệp ở mức khá cao là 4.05%, việc xử lý
các dự án thua lỗ, thất thoát lớn đã có những bước tiến triển nhất định, tuy
nhiên còn một số điểm cần quan tâm. Về cải cách thủ tục hành chính đối với môi
trường đầu tư kinh doanh: các bộ ngành đã có nhiều cố gắng để giảm thủ tục hành
chính nhưng đến nay chưa đi vào cuộc sống, có sự chồng chéo của một số quy định
trong Luật đầu tư công, Luật bất động sản, Luật nhà ở, Luật đầu tư, Luật ngân
sách làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội. Kế hoạch vốn cho các
xã đặc biệt khó khăn thường giao chậm, điều này gây trở ngại đối với tỉnh miền
núi như tỉnh Hòa Bình. Việc giải ngân ODA gặp còn nhiều bất cập, bởi lẽ theo
quy định của Luật đầu tư công, việc giải ngân ODA phải tuân thủ theo Hiệp định,
trong khi theo Luật ngân sách và kế hoạch vốn hàng năm thì giải ngân ODA theo kế
hoạch năm, điều này dẫn đến tình trạng thiếu vốn của nhiều dự án hiện nay. Đại
biểu đề nghị có biện pháp tăng mức trần nợ công và tăng vốn ODA nhằm bảo đảm vốn
đầy đủ cho các Hiệp định đã ký kết, đàm phán được những dự án mới để phục vụ phát
triển kinh tế xã hội. Vấn đề tai nạn giao thông cũng được Đại biểu đặc biệt
quan tâm trong buổi thảo luận, mặc dù tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí,
tuy nhiên các vụ tai nạn đều vẫn rất thảm khốc, số lượng tử vong khoảng 9.000
người/năm, trong đó có nguyên nhân từ cơ sở hạ tầng và công tác quản lý của các
cơ quan chức năng, việc kiểm tra kiểm soát tải trọng xe chưa tốt, hiện tượng tiêu
cực vẫn xảy ra hàng ngày, dẫn đến việc mất an toàn trong sử dụng và điều kiển
phương tiện giao thông.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quách Thế Tản, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng: qua nghiên cứu báo cáo kết quả khái quát nông, công nghiệp đều tăng và phát triển ổn định. Tuy nhiên, còn có vấn đề kiểm toán nhà nước năm 2016-2017 kiến nghị xử lý hơn 4.000 tỷ đồng về dự án BOT, cần xem xét lại vấn đề đấu thầu công khai
và có lợi ích nhóm hay không. Về giáo dục, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện Đề án xã hội hóa giáo dục, học tập theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có tổng kết đánh giá giai đoạn của đề án, và trên thực tế vẫn còn xảy ra vấn đề bạo lực học đường.
Đánh giá cao
những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và
ngân sách nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018 trong báo cáo của Chính
phủ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc
hội, ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, để có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực,
cố gắng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trong đó phải kể đến vai trò chỉ đạo,
định hướng quyết liệt từ Bộ Chính trị, sự điều hành của Chính phủ, các bộ ngành
địa phương, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đại
biểu thể hiện trăn trở khi các chỉ số về kinh tế - xã hội có chiều hướng khả
quan nhưng đời sống của người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, một số mặt
hàng nông sản vẫn phải xuất khẩu với giá thấp hơn giá trị thực. Đại biểu Nguyễn
Thanh Hải đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội; công tác giải
quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở. Việc kiểm tra thanh tra trong công tác phòng
cháy chữa cháy; công tác phòng chống tham nhũng để đem lại lòng tin cho nhân
dân; có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân. Chú ý đến công tác quy hoạch về
sản xuất nông nghiệp; tập trung đầu tư về khoa học công nghệ trong các khâu sản
xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của
nông dân./.
Ngô Thị Hường(Văn phòng Đoàn ĐBQH Hòa Bình)