Các đại biểu Quốc hội tỉnh ta tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, UVUBTVQH, Chủ nhiệm ủy ban QP&AN của QH Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng (ANM). Các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật ANM.
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, bởi nhiều sự kiện trong thời gian gần đây liên quan đến ANM không chỉ gây ảnh hưởng nhỏ lẻ đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước; nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, lợi ích quốc gia…
Các đại biểu cho rằng, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Việc ban hành Luật ANM sẽ góp phần phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa ANM; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến bảo vệ ANM. Việc ban hành Luật cũng góp phần đấu tranh ngăn chặn và chế tài xử lý một cách có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cũng như vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Có đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM; nhiệm vụ cụ thể của lực lượng ANM nhằm quản lý chặt chẽ, tránh việc sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ vào các hoạt động xâm phạm lợi ích, ANTT của Nhà nước; hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để vi phạm như vụ việc sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền tại tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố đang được thụ lý.
Đối với quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, có ý kiến cho rằng, dự án Luật nên bỏ quy định tại Điều 30 về nội dung này, bởi về cơ bản các nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Trẻ em năm 2016 (Điều 33 quy định về quyền được tiếp cận thông tin; Điều 54 quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng). Nội dung này cũng không thực sự liên quan nhiều đến chủ đề ANM mà dự án Luật điều chỉnh. Việc giữ quy định tại Điều 30 của dự án Luật sẽ tạo ra sự chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, gây chồng lấn về thẩm quyền QLNN giữa các bộ, ngành có liên quan đối với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Cũng có đại biểu lại cho rằng, cần có quy định cụ thể về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong dự án Luật. Dự án Luật cần quy định về quyền bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của gia đình, người chăm sóc tham gia bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ về ANM trên mạng; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên mạng, cơ quan QLNN và cơ quan bảo vệ ANM; đồng thời cần có quy định về bổn phận của trẻ em khi tham gia trên không gian mạng…
Cũng trong phiên thảo luận, các ĐBQH đã dành nhiều thời gian trao đổi về việc có nên hay không việc giáo dục ANM được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục QP-AN trong nhà trường; về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam...
Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
P.V (TH)