Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh kết luận buổi làm việc với BTV Huyện uỷ Yên Thuỷ.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh thăm và kiểm tra tình hình sản xuất tại Làng nghề chế tác đá cảnh tại xã Phú Thành (Lạc Thủy).
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh thăm và tìm hiểu tình hình sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Nam Sơn tại xã Đoàn Kết (Yên Thuỷ).
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh tìm hiểu tình hình thực hiện hợp đồng liên kết trồng và tiêu thụ Ớt giữa Công ty TNHH Thiên An và các hộ dân xã Yên Trị (Yên Thuỷ).
Làng nghề chế tác đá cảnh xã Phú Thành được thành lập tháng 12/2016, đến nay có tổng số 30 hộ tham gia, tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động địa phương, mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu/người/tháng.
Mô hình sản xuất vật liệu xây dựng gồm gạch không nung, đá lát nền của Công ty TNHH Nam Sơn thành lập và đi vào hoạt động năm 2015, công xuất thiết kế 1 triệu viên/năm; giải quyết việc làm cho trên 40 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ mở rộng SX-KD bằng việc đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo để đáp ứng yêu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh.
Vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm là tình trạng hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thủy đang khốn đốn và bức xúc trong thực hiện liên kết trồng và tiêu thụ ớt Đài Loan với tổng diện tích trên 13 ha. Theo hợp đồng giữa Công ty TNHH Thiên An với các nhóm hộ, Công ty cung cấp giống, phân bón, với giá thu mua là 5.500 đồng/1kg. Nhưng doanh nghiệp chỉ tiêu thụ vụ thu hoạch đầu tiên, các vụ sau không thực hiện đúng cam kết để mặc các hộ dân tự xoay sở. Hiện tại, toàn huyện tồn đọng trên 80 tấn, giá bán trên thị trường chỉ đạt từ 1000-1.500 đồng/1kg nhưng việc tiêu thụ rất thụ động và khó khăn, gây tâm lý hoang mang cho người dân trên địa bàn.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh đánh giá cao kết quả hoạt động của Làng nghề chế tác đá cảnh xã Phú Thành. Đề nghị huyện Lạc Thủy và các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, quảng bá hoạt động của Làng nghề để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Cùng với khuyến khích phát triển sản xuất để phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn phải hết sức lưu ý đến việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa và công tác bảo vệ môi trường. Quan tâm công tác đào tạo nghề, tổ chức cho các hộ dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm để đẩy mạnh SX-KD, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Sản xuất gạch không nung, đá lát nền và tiến tới sản xuất cát nhân tạo của Công ty TNHH Nam Sơn là mô hình mới cần phát huy để tiếp tục đẩy mạnh SX-KD. Đồng thời, lưu ý quá trình khai thác phải đáp ứng yêu cầu thiết kế mỏ và thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính về khai thác khoáng sản. Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh có cơ chế khuyến khích việc sản xuất, tiêu thụ cát nhân tạo cho doanh nghiệp.
Về sản xuất và tiêu thụ nông sản, trên cơ sở bản đồ thổ nhưỡng, huyện Yên Thuỷ phải quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ và tiến tới xuất khẩu nông sản. UBND tỉnh rà soát các cơ chế liên kết, hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh để các hợp đồng hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo lợi ích hợp pháp giữa doanh nghiệp và người dân. UBND huyện Yên Thuỷ làm trọng tài để xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện liên kết trồng và tiêu thụ ớt theo hợp đồng giữa Công ty TNHH Thiên An với các nhóm hộ trên địa bàn huyện về quy cách, chất lượng sản phẩm, thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa. Trước mắt, làm việc với Công ty TNHH Thiên An để thương lượng, xem xét, giải quyết và phối hợp với các sở, ngành làm việc với các doanh nghiệp khác để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm và tổ chức lại sản xuất. Trong trường hợp không thương lượng được với Công ty TNHH Thiên An, xem xét khởi kiện theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần xác định rõ đây là bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, vì trong thực tế đã gây thiệt hại cả về vật chất và tư tưởng của người dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đức Phượng