Liên quan đến nội dung này, VietnamPlus đã tổng hợp lại ý kiến của một số đại
biểu, trong phiên thảo luận ở tổ chiều nay 31/5.
Đại biểu Quốc
hội Hoàng Văn Cường. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:
"Tôi ủng hộ phương án giao cho cơ quan Thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập
việc này vừa có thể giúp tập trung công việc vào một đầu mối đồng thời có thể
quy được trách nhiệm của cơ quan đó.
Hơn nữa, để chống tham nhũng không thể 1-2 ngày mà phải nhiều năm và cần có cơ
sở dữ liệu quốc gia về tài sản, do vậy một cơ quan là cách hay nhất để hình
thành cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng sân sau để rút tài sản của Nhà nước và tham
nhũng, do vậy trong dự thảo luật mới cần tính đến việc kiểm soát đối tượng này,
tránh thất thoát tài sản.
Cần phải thấy rõ, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước làm đúng trách
nhiệm thì không xảy ra các sự việc tham nhũng. Ngoài ra, để đấu tranh hiệu quả
với tội phạm tham nhũng cần có chế chế tài để huy động được sức mạnh toàn dân
và nhiều tổ chức."
Đại biểu Nguyễn Đức Sáu, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh:
"Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này có phạm vi quá rộng, bao quát nhiều
vấn đề. Dự thảo đã mở rộng 125 điều so với 91 điều trước đây và có nhiều tiến bộ,
nhiều quy định mới.
Dự thảo lần này đã có quy định rõ trách nhiệm của người ra quyết định. Khoản 6
Điều 65 quy định rõ: 'Người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm
toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, báo cáo kiểm
toán của mình. Trường hợp thanh tra, kiểm toán phát hiện hành vi vi phạm nhưng
không có kết luận, kiến nghị xử lý hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm
sang Cơ quan điều tra thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm
toán và cá nhân, tổ chức có liên quan phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của
pháp luật.'
Điều ngày có nghĩa là sau này khi cơ quan điều ra phát hiện ra những sai phạm
không đúng với kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra phải chịu
trách nhiệm Quy định này sẽ nâng cao được trách nhiệm của những người tham gia
thanh tra, kiểm toán, tránh tình trạng bỏ lọt cán bộ tham nhũng. Chính từ chuyện
bỏ lọt sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng không bị
phát hiện thì thời gian về sau để lại hậu quả nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng cả
đến công tác tổ chức cán bộ.
Về kê khai, các minh tài sản, thu nhập, Khoản 2 Điều 49 quy định: 'Trường hợp
cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xét thấy việc giải trình hợp lý thì không tiến
hành xác minh và thông báo cho người đã giải trình biết. Trường hợp xét thấy việc
giải trình không hợp lý hoặc người kê khai không giải trình thì cơ quan, đơn vị
có thẩm quyền quyết định xác minh.' Theo tôi cần phải làm rõ cụm từ giải trình
"hợp lý” và phải sửa đổi thành "hợp pháp” để có cơ sở pháp lý để đối chiếu.
Không thể có trường hợp tài sản kê khai bổ sung đột biến quá lớn mà lại lý giải
là do chăn nuôi heo, nuôi gà, bán chổi đót này khác mà có được tài sản như vậy...
cần phải siết chặt việc kê khai, xác minh tài sản.”
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:
"Dự thảo luật đã mở rộng việc kiểm soát tham nhũng đối với cả đối tượng ngoài
cơ quan nhà nước, dù trước mắt chưa hợp lý nhưng trong tương lai thì quy định
này là cần thiết vì cơ quan trong và ngoài nước thường có mối quan hệ chặt chẽ
với nhau, nếu không đưa ra quy định chặt chẽ, rất có thể xảy ra hiện tượng
"bắt tay" chuyển tài sản từ trong ra ngoài và không kiểm soát được.
Trong khi đó, liên quan đến việc xử lý tài sản không minh bạch, trong dự thảo
luật cần bổ sung các biện pháp xử lý. Theo đó, có thể áp dụng hai hình thức xử
lý là hình sự hoặc hành chính, tùy theo mức độ vi phạm.
Thực tế, việc mở rộng đối tượng là người của cơ quan nhà nước phải kê khai tài
sản, nhưng cần mở rộng cả cơ quan ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, việc công khai tài sản mới quy định ở cơ quan, tổ chức, do vậy luật
cần quy định việc giám sát cả ở nơi cư trú, qua đó mới có thể giúp phát hiện được
các hành vi tham nhũng.”
Các đại biểu
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh:
"Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định nguyên tắc công khai, minh bạch
tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước để phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên 8
hình thức công khai chưa đặt ra nguyên tắc dễ hiểu, dễ tiếp cận thì sẽ dẫn đến
tình trạng công khai cho có, thiếu thực chất. Nếu công khai mà người dân không
thể tiếp cận thì việc công khai chỉ mang tính hình thức.
Đơn cử như công khai lấy ý kiến nhưng người dân lại không dễ để tiếp cận những
dự án luật. Hiện nay, việc công khai, minh bạch ở cơ sở cũng đang vướng, nhiều
nơi chỉ mang tính hình thức. Nếu không thật lòng công khai thì có thể lựa chọn
những hình thức khó tiếp cận nhất, diễn đạt rối ren khiến người đọc không hiểu.
Do đó, đối với phòng ngừa tham nhũng, công khai là rất quan trọng để người dân
hiểu và phải có người giải thích, hướng dẫn để người dân dễ tiếp cận.”
Đại biểu Dương Ngọc Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh:
"Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc cho thấy sự cần thiết của việc mở rộng phạm
vi Luật Phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Chẳng hạn trong lĩnh
vực ngân hàng, nhiều vụ việc bản chất là tham ô, tham nhũng nhưng do luật chưa
quy định nên cuối cùng xử lý tội chiếm đoạt à không đúng bản chất hành vi phạm
tội. Do đó, tôi ủng hộ mở rộng phạm vi luật ra ngoài khu vực Nhà nước.
Tuy nhiên, việc thanh tra kiểm tra phòng, chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước
thì nếu giao cho cơ quan thanh tra sẽ là quá sức. Hiện nay, cơ quan thanh tra
được giao thanh tra các cơ quan nhà được nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra
do năng lực còn hạn chế, nếu giao cho cơ quan này thanh tra cả khu vực ngoài
nhà nước sẽ quá sức, nên chằng chúng ta cải tiến, có những cơ chế, quy định
ràng buộc đối với khu vực này.”
TheoVietnamplus