Ảnh: Đoàn đại biểu Quốc hội Hòa Bình tham gia thảo luận tổ vào chiều 30/5
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV,
chiều
30/5, Tổ thảo luận số 16 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Hòa Bình, Gia Lai, Hà Tĩnh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã tiến thành thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đối với Dự thảo của Luật Giáo dục đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Phó
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị dự thảo cần quan tâm đến giáo dục Mầm non, trong
đó có vấn đề miễn học phí cho trẻ độ tuổi mầm non. Còn đối với sinh viên sư phạm
cần cân nhắc vấn đề bao cấp, miễn học phí mà cần quan tâm tới cách lựa chọn,
phương pháp học, chế độ đãi ngộ, vấn đề chuẩn đối với giáo viên, từng bậc học,
tránh lãng phí trong đào tạo kỹ năng của giáo viên quan trọng hơn là bằng cấp...
Về chương trình sách giáo khoa, tiêu chí để các trường chọn sách giáo khoa đại
biểu băn khoăn liệu có thể xảy ra vấn đề tiêu cực hay không, sách sử dụng một lần
gây lãng phí.... Do vậy, đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc cho phù hợp với vùng
miền, điều kiện kinh tế, đồng thời phát huy hiệu quả, tránh lãng phí.
Đối với Dự thảo của Luật Giáo dục đại học: đề nghị Ban soạn thảo nên
giữ quy định Đại học là "tổ hợp các trường đại học” như Luật hiện hành và cần
danh mục chi tiết các cơ sở giáo dục đại học. Về nội dung liên quan đến Hội
đồng trường, cần rà soát kỹ các quy định của Luật về Hội đồng trường để bảo đảm
chặt chẽ và có tính khả thi, đặc biệt là về cơ chế phân chia trách nhiệm, phối
hợp hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu (Hiệu trưởng) trong quản
trị nhà trường cũng như vai trò, vị trí và cơ chế giám sát của các tổ chức chính
trị, đoàn thể nhằm bảo đảm dân chủ ở cơ sở; phân định rõ hơn mối quan hệ
giữa nhà trường và cơ quan quản lý liên quan. Ngoài ra, đại biểu cho rằng
việc đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại
học; đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới
quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội
đồng trường. Về vấn đề đại học Vùng hiện nay, đại biểu cho rằng đang đi ngược lại
chủ trương, chất lượng không cao, tính tự chủ mất đi, hiệu quả thấp, đại biểu đề
nghị cần đánh giá lại loại hình đại học này.
Nhận xét về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, đại biểu Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch TW Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình cho rằng so với Luật Giáo dục hiện hành thì số lượng các điều luật được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo lần này chiếm khoảng 30% các điều luật, vì vậy dùng tên gọi là luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Giáo dục là hợp lý. Tuy nhiên đại biểu đề
nghị ban soạn thảo cần đánh giá một cách tổng thể về thực trạng của nền giáo dục nước ta, để từ đó bổ sung, hoàn thiện thêm vào luật những quy định nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục, Luật cần cụ thể hóa các quy
định
của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục. Về Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định tại
Điều 77 của dự thảo Luật, đại biểu cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn
đào tạo của giảng viên đại học và giáo viên trung học cơ sở như trong Dự thảo
Luật. Tuy nhiên, đối với giáo viên tiểu học, đại biểu còn băn khoăn về tính khả
thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học, đại biểu
cho rằng cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương
thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ
thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao
đẳng khi chính sách này được thực hiện. Đại biểu đề nghị, việc chuẩn hóa trình
độ, chuyên môn của đội ngũ giáo viên phải đi liền với việc chuẩn hóa cả chính
sách đối với lực lượng này, thông qua việc bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với
trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo để khuyến khích sinh viên theo học
trình độ phù hợp, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường
vụ Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hòa: Về loại hình
cơ sở giáo dục đại học, đại biểu đồng ý với việc phân loại cơ sở giáo dục đại
học theo sở hữu như thể hiện trong Dự thảo Luật. Theo đó, Loại hình cơ sở giáo
dục đại học gồm: cơ sở giáo dục đại học công lập và cơ sở giáo dục đại học ngoài
công lập quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo
Luật cần làm rõ hơn các hình thức cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập
ngay trong Luật này. Theo dự thảo Luật, cơ sở giáo dục đại học xác định mục tiêu
phát triển, định hướng hoạt động theo hai loại: cơ sở giáo dục đại học định hướng
nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng. Chính phủ quy định tiêu
chí công nhận cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu trên cơ sở kết
quả đào tạo, nghiên cứu; có chính sách phù hợp để phát triển các cơ sở giáo dục
đại học định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng. Đối với các hình thức giáo
dục thường xuyên, đại biểu cơ bản tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong
Dự thảo Luật song đề nghị cân nhắc làm rõ trong Luật các hình thức thực hiện,
bảo đảm tương thích với Luật Giáo dục; đồng thời có quy chế thích hợp bảo đảm
chất lượng trong giáo dục thường xuyên.
Ngô Hường
(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tổng hợp)