Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận buổi làm việc
Giai đoạn 2015-2017, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về cơ chế, chính sách, giải pháp, các chương trình, dự án trọng điểm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông. Các lĩnh vực TT&TT đều có bước phát triển khá. Cụ thể như lĩnh vực bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhu cầu của nhân dân. Đến năm 2017, toàn tỉnh có 216 điểm phục vụ bưu chính, mạng lưới khai thác gồm 26 bưu cục với 10 đường thư cấp 2 và 34 đường thư cấp 3; 100% các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị có báo đến trong ngày. Mạng truyền dẫn đã được cáp quang hóa đến 100% huyện, thành phố; 209/210 xã có cáp quang đến trung tâm đạt 99,5%; 184/210 xã có hạ tầng internet băng thông rộng. Toàn tỉnh có 743 nghìn thuê bao di động, phủ sóng thông tin di động theo khu dân cư 95%; tỷ lệ người dân sử dụng internet 50%. Doanh thu viễn thông đạt khoảng 1000 tỷ đồng/năm, nộp NSNN trên 80 tỷ đồng/năm.
Việc sử dụng phần mềm Văn phòng điện tử cũng được duy trì thực hiện tại 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Hoàn thành việc cung cấp ứng dụng chữ ký số với 160 chứng thư số cho các tổ chức, cá nhân. Cổng TTĐT hiện cung cấp 1.930 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. 100% số xã thu được sóng phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; 93% số hộ có máy thu hình, 80% hộ xem truyền hình số bằng các phương thức khác nhau; 71/210 xã có đài truyền thanh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá một số khó khăn, thách thức trong lĩnh vực thông tin - truyền thông như: vấn đề tội phạm trong lĩnh vực CNTT, lợi dụng CNTT để chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ, kích động nhân dân. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông tới các vùng sâu, vùng xa, vùng cao do địa hình. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thông tin và truyền thông chưa đầy đủ, đồng bộ. Việc ứng dụng CNTT trong dịch vụ công và phục vụ cải cách hành chính nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn hạn chế. Vấn đề tuyên truyền về Luật an ninh mạng, kiểm soát tốt các sự cố truyền thông, mạng xã hội.
Các đại biểu cũng đề nghị Sở TT&TT cần có kiểm soát, đánh giá chất lượng hoạt động Cổng thông tin điện tử các sở ngành địa phương, chất lượng các tạp chí ngành. Xây dựng phương án dự phòng đảm bảo thông tin thông suốt khi xảy ra thiên tai, sự cố. Quan tâm quy hoạch xây dựng hệ thống trạm BTS đảm bảo hợp lý, an toàn, thân thiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những kết quả mà ngành TT&TT đã đạt được trong thời gian qua, đã góp phần nâng cao dân trí, cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính; kịp thời tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...Ngoài ra, Đồng chí cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số điểm yếu hiện nay như: việc ứng dụng CNNT vào quản lý hành chính; quản lý nhà nước về hoạt động thông tin còn lúng túng, chưa có giải pháp hiệu quả; hạ tầng CNTT chưa được quan tâm đúng mức, nhất là CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; chưa coi CNTT là giải pháp mạnh mẽ để CCHC, minh bạch hóa thủ tục hành chính; một số cơ quan chưa chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Các cấp ủy Đảng cần tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng về công tác thông tin tuyên truyền, nhất là giai đoạn hiện nay. Điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công trung hạn đầu tư cho hạ tầng CNTT. Quan tâm cải thiện việc QLNN về CNTT, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch hành chính nhanh hơn, chính xác hơn. Có giải pháp phát huy hiệu quả các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện. Nghiên cứu sắp xếp các tạp chí, thực hiện quy hoạch báo chí sao cho có hiệu quả, hiệu lực, nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng cơ quan báo chí trong sạch. Xây dựng lộ trình tiếp nhận chuyên gia giỏi về CNTT, phục vụ cho cơ quan, đơn vị và quản lý hành chính. Nghiên cứu xây dựng mô hình thư viện điện tử.
Đồng chí nhấn mạnh: các sở, ngành, cơ quan thông tấn báo chí cần quan tâm quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển VH-KT địa phương; tổ chức các sự kiện có hiệu quả. Quan tâm giải quyết vấn đề an ninh mạng, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng mạng internet vi phạm pháp luật. Nghiên cứu ban hành cơ chế cung cấp thông tin; nâng cao chất lượng họp báo, tổ chức họp báo đột xuất khi cần thiết. Tăng cường tổ chức họp trực tuyến; nâng cao chất lượng hoạt động trang thông tin điện tử các ngành, địa phương; thực hiện tốt quy chế người phát ngôn báo chí; đánh giá lại kết quả phối hợp tuyên truyền với Báo Nhân dân.
Các cơ quan báo chí cần làm tốt công tác tuyên truyền về Luật An ninh mạng; có phương án đảm bảo Luật được thực thi hiệu quả.
Dương Liễu