Tạo niềm tin trong nhân dân từ hoạt động tiếp xúc, đối thoại
Các huyện, thành ủy đã ban hành kế hoạch và tổ chức tiếp xúc được nhiều cuộc với những nội dung, đối tượng khác nhau. Cụ thể, công tác tổ chức thực hiện, năm 2016 có 6/11 huyện, thành ủy; năm 2017 có 100% huyện, thành ủy và đầu năm 2018 có 9/11 huyện, thành ủy tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Hội LHPN tỉnh cũng ban hành Hướng dẫn số 49, ngày 19/8/2016 thực hiện "Quy định về việc tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân”. Từ đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các địa phương, đơn vị đối với công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia ý kiến vào các lĩnh vực của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Oanh, UV BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh cho biết: "Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại đã tập trung vào những vấn đề nhân dân quan tâm, có nhiều bức xúc liên quan đến phát triển KT-XH, triển khai các công trình, dự án liên quan đến đất đai, đền bù, GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng… Việc chủ động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để nắm được kết quả quá trình lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra, giải quyết những mâu mắc ngay tại cơ sở, không tạo ra điểm nóng”.
Từ khi BTV Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 232, kết quả thực hiện cho thấy nhiều vấn đề phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời thông qua đối thoại trực tiếp. Điển hình như năm 2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân thôn Gò Mu, xã Thanh Lương (Lương Sơn) để giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai. Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành, huyện Lương Sơn khẩn trương rà soát các nội dung khiếu nại, giải quyết đầy đủ, dứt điểm, công khai kết quả để nhân dân được biết, không để xảy ra điểm nóng.
Năm 2017, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đối thoại với nhân dân xã Hợp Thịnh, Hợp Thành (Kỳ Sơn) về việc khai thác cát…
Huyện Lạc Sơn tổ chức đối thoại với nhân dân xóm Nam Hòa, Nam Hòa 2, xã Xuất Hóa và nhân dân xóm Đồi, xã Bình Chân. Huyện Đà Bắc đối thoại với nhân dân xóm Nà Chiếu, xã Cao Sơn. Huyện Lương Sơn đối thoại với các tiểu thương chợ cũ chuyển vào chợ mới tại thị trấn Lương Sơn…
Bên cạnh đó, một số huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện tốt công tác này như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) tiếp xúc, đối thoại với nhân dân các xóm về nội dung liên quan đến đất đai, việc thực hiện chế độ, chính sách. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) đối thoại trực tiếp với nhân dân các xóm về công tác GPMB, thu hút đầu tư… Hội LHPN tỉnh tổ chức đối thoại với nhân dân về Đề án quy hoạch chi tiết khu công viên thành phố. Đầu năm nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với nhân dân khu vực chuẩn bị đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt Nhật Bản và Trung tâm giết mổ gia súc tại xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn). Lãnh đạo thành phố đối thoại trực tiếp với một số hộ dân xóm Ngọc, xã Trung Minh thuộc diện bồi thường, hỗ trợ, GPMB để thực hiện dự án. Qua tuyên truyền, giải thích, 100% hộ dân đồng ý với giá đền bù đã được phê duyệt.
Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, những bất cập trong công tác lãnh, chỉ đạo được các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tiếp thu, đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan rà soát các nội dung kiến nghị, đề xuất, phản ánh của nhân dân, tập trung giải quyết theo đúng quy định pháp luật, không để kéo dài, trở thành điểm nóng về an ninh chính trị.
Từ hoạt động đối thoại giúp tăng cường vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội. Thể hiện sự phối hợp hiệu quả công tác dân vận của Đảng, MTTQ, các đoàn thể và công tác dân vận chính quyền. Quá trình đối thoại đảm bảo khách quan, dân chủ, tập trung, phát huy tối đa vai trò làm chủ của nhân dân, làm sáng tỏ những vấn đề người dân quan tâm. Đối với những vụ việc cần thời gian để giải quyết, các cơ quan liên quan đã tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu, bước đầu đem lại lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền.
Nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế để sửa đổi
Thực tế cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy định tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ở một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên, kịp thời, nội dung đối thoại có nơi còn giống như tiếp xúc cử tri. Từ nhận thức chưa đầy đủ về tính hiệu quả của việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của một số cấp ủy, chính quyền nên có nơi chỉ tổ chức tiếp xúc, đối thoại khi xảy ra các vụ việc phức tạp, căng thẳng do người dân gây sức ép, do vậy nên hiệu quả việc đối thoại chưa đạt được mục đích đề ra. Việc tiếp xúc, đối thoại ở một số cơ quan, đơn vị mới dừng lại ở lồng ghép với hội nghị CB,CC, VC, người lao động; chưa thực hiện được các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với CB,CC,VC, người lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị đối với lĩnh vực ngành phụ trách. Có những kiến nghị của nhân dân còn chậm được giải quyết sau đối thoại.
Những nguyên nhân chủ quan, khách quan đã tác động phần nào đến việc tổ chức thực hiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị như việc một số cấp ủy, chính quyền chưa chủ động nắm tình hình nhân dân để lãnh, chỉ đạo và tiếp xúc đối thoại; nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiếp xúc, đối thoại. Một số kiến nghị, đề xuất của nhân dân cần có thời gian để nghiên cứu, vận dụng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như chính sách đất đai hay GPMB… Đây cũng là những "nút thắt” cần nhanh chóng giải quyết để tăng tính hiệu quả việc tổ chức thực hiện.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, để tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc, đối thoại, trước tiên cần làm tốt khâu khảo sát, thu thập thông tin, tổng hợp, đánh giá tình hình nhân dân để lựa chọn, xác định vấn đề cần tiếp xúc, đối thoại. Thực hiện phân loại các ý kiến theo từng lĩnh vực KT-XH, QP-AN… Trên cơ sở đó, phân loại các nguồn ý kiến, phân tích nội dung các vấn đề bức xúc của nhân dân và xác định các bên liên quan; tổ chức hội nghị, thống nhất chủ đề tiếp xúc, đối thoại và phân công các cơ quan chuẩn bị nội dung phục vụ hoạt động đối thoại. Xác định rõ thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành và thông báo, tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân nơi tổ chức đối thoại trước 7 ngày, đảm bảo nhân dân biết chương trình để thu xếp thời gian tham dự.
Khi tổ chức hội nghị đối thoại, các cơ quan chức năng cần trả lời trực tiếp các nội dung nhân dân nêu và nêu vấn đề để nhân dân trả lời. Cần nhanh chóng tổ chức rút kinh nghiệm sau đối thoại, kiểm điểm, đánh giá tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết ý kiến thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả đến người dân bằng văn bản và qua hệ thống thông tin đại chúng. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng và kết quả đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Có như vậy mới từng bước nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc, đối thoại, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân, tạo nền tảng vững chắc giúp tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và cải thiện xã hội.
Thanh Sơn