Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã tổ chức chu đáo kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa trên cả nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhìn nhận, có chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình an ninh trật tự ổn định; nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao, dự báo triển vọng tốt của kinh tế Việt Nam...
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, còn một số yếu kém, hạn chế, khó khăn, thách thức và đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, bàn kỹ các giải pháp, đối sách cụ thể. Trước hết là tình hình thời tiết, mưa bão, lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, nhất là nông nghiệp, ngay sát Hà Nội cũng ngập úng kéo dài. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trình bày vấn đề này, nêu rõ các biện pháp, nhất là quản lý hồ đập, công trình thủy lợi.
Mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ, theo Thủ tướng, sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra... Thủ tướng đề nghị tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương phối hợp xử lý; đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo cụ thể về vấn đề này. "Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định, nhất là đời sống công nhân, nông dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Cho rằng sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh các ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm các điều kiện kinh doanh, tiếp cận tín dụng, đất đai, các loại phí, chi phí logistics. Một tồn tại nữa là tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai theo lộ trình. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các biện pháp cụ thể và cho biết, sắp tới, Thường trực Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về doanh nghiệp nhà nước; đồng thời giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc chuẩn bị tốt cho Hội nghị.
Nêu một số vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp như tiêu thụ nông sản, hiện tượng tạm nhập tái xuất nông sản, vật tư nông nghiệp,... Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan nêu giải pháp cụ thể. Về kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trình bày vấn đề này, lưu ý tập trung vào các giải pháp khắc phục.
* Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận về các dự án Luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số: 77/2015/NĐ-CP, 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; 161/2016NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Theo chương trình, ngày 1-8, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 sẽ tiếp tục với phần thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và một số nội dung khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định giao quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.