(HBĐT) - Trường học chỉ có duy nhất 1 lớp. Lớp học có 30 người, kể cả thầy hiệu trưởng. Để bảo vệ an toàn cho lớp học đặc biệt ấy, Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình yêu cầu phải tuyển chọn 36 tự vệ phố Vụ Bản ngày đêm canh gác chia thành nhiều vòng. Lớp học được khai giảng vào đầu tháng 8/1945 và do yêu cầu của tình hình thực tế, sáng ngày 17/8, lớp học đột ngột bế giảng. Thực hiện theo Quân lệnh số 1, học viên của lớp học chính là lãnh đạo quân sự các tỉnh khẩn trương xuyên rừng ngày đêm về địa phương lãnh đạo khởi nghĩa, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.


Cụ Bùi Văn Bỉnh, xóm Khảnh, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) trân trọng lưu giữ những tài liệu ghi chép về lớp học và cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Trong những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi tìm về chiến khu Mường Khói, tìm về chân núi Bu Lọt – địa điểm được Xứ ủy Bắc Kỳ lựa chọn làm trường học quân sự ngay trong lòng chiến khu Mường Khói. Tại đây, chúng tôi đã được gặp một nhân chứng sống của lớp học "Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu”, đó là cụ Bùi Văn Bỉnh – cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Sở Nội vụ) hiện đang sống cùng con cháu tại xóm Khảnh, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn.

Cụ Bỉnh là con trai cụ Bùi Văn Mão – một lý trưởng yêu nước từng nuôi giấu đồng chí Phan Bổng trốn khỏi nhà tù của thực dân Pháp năm 1941. Năm nay cụ Bỉnh 88 tuổi nhưng còn khá minh mẫn, vẫn giữ gìn cẩn thận nhiều sách, tài liệu ghi chép về những tháng ngày lịch sử của xã Tân Mỹ, của huyện Lạc Sơn.

Hơn 70 năm qua đi nhưng ký ức những ngày tháng 8/1945 dường như vẫn còn khá nguyên vẹn đối với cụ Bỉnh. Trò chuyện với chúng tôi, cụ nhớ lại: Để chuẩn bị cho lớp học, cách mạng đã cử đồng chí Vương Thừa Vũ vừa mới ra tù ở Tuyên Quang về tìm địa điểm mở lớp và làm giảng viên, kiêm hiệu trưởng. Qua nhiều ngày tìm, khảo sát, vào tháng 7/1945, đồng chí Vũ đã đến Lạc Sơn nhờ bác Quách Rưỡng và bố tôi là lý trưởng Bùi Văn Mão đi tìm địa điểm mở lớp ở khu vực Mường Lọt. Địa điểm chọn đặt làm lớp học là xóm Lọt vì ở sau dãy núi kín đáo, có các chòm nhà tạo thế chân vạc, tiến – thoái đều tiện, lại có bãi phẳng để tập, rất phù hợp cho việc đóng quân hay lớp học dưới 40 người. Khu vực chân núi Bu Lọt đã được chọn làm địa điểm tổ chức trường học quân sự trong chiến khu Mường Khói cho Xứ ủy.

Để chuẩn bị cho lớp học, bác Quách Rưỡng lúc đó là "Lang non” rất được người dân kính trọng đã dặn dò kỹ lưỡng chòm 8 hộ gia đình ở xóm Lọt phải thực hiện "3 không” để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lớp học. Đồng thời, để bảo vệ lớp học thật an toàn, Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình đã giao cho đồng chí Trương Đình Dần tuyển chọn 36 tự vệ phố Vụ Bản do đồng chí Vũ Vĩnh Hòa chỉ huy, ngày đêm canh gác từ xa. Còn tại xóm Lọt thành lập tổ cảnh giới cho chính cụ Bỉnh được giao làm tổ trưởng Tổ cảnh giới những người lạ ra, vào xóm và vận động đội thiếu nhi làm nhiệm vụ. Gia đình cụ Bỉnh chính là điểm tiếp nhận lương thực từ cấp trên chuyển đến xóm Cai, sau đó các hội viên Hội cứu quốc chuyển đến xóm Lọt. Gia đình cụ Bỉnh cũng tích cực vận động quần chúng nhân dân đóng góp lương thực để duy trì lớp học.

Cụ Bỉnh nhớ lại: Lớp học có khoảng 30 người là lãnh đạo quân sự các thuộc các tỉnh: Sơn La, Sơn Tây, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình… Các học viên phiên chế thành 3 tiểu đội, ăn ngủ tại 3 chòm chân vạc của xóm Lọt. ở giữa bãi tập chôn 2 đoạn tre có lỗ để giữ lấy cây hóp to, có con xỏ xiên ngang làm cột cờ. Sáng nào học viên cũng xếp hàng chào cờ, hát bài "Tiến quân ca” rồi mới tập đội ngũ, xạ kích, ném lựu đạn, đâm lê… Các học viên được học tình hình trong nước và thế giới, cách xây dựng cơ sở quần chúng, chỉ đạo phong trào cách mạng, chiến thuật đánh du kích… Lớp học nhận được sự che chở, đùm bọc của bà con Mường Lọt và sự bảo vệ an toàn tuyệt đối qua nhiều vòng.

Lớp học diễn ra được khoảng nửa tháng thì có lệnh tổng khởi nghĩa. Cụ Bỉnh còn nhớ như in buổi sáng ngày 17/8/1945. Hôm đó, lớp học vẫn tổ chức các hoạt động bình thường. ăn cơm chiều xong, thầy Vũ – Hiệu trưởng mới cho tập hợp lớp rồi trịnh trọng tuyên bố bế giảng đột ngột vì đã có lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay trong đêm, các học viên của lớp cũng là lãnh đạo quân sự các tỉnh tức tốc lên đường trở về địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Tại tỉnh ta, bám sát ý kiến chỉ đạo của T.ư và Xứ ủy Bắc Kỳ về lệnh khởi nghĩa để chắc thắng, châu Lạc Sơn đã được chọn khởi nghĩa đầu tiên trong ngày 20/8. Sáng 20/8/1945, LLVT, các đoàn thể Việt Minh khu căn cứ Mường Khói, nhân dân các xã xung quanh châu lỵ, lực lượng cứu quốc và quần chúng nhân dân đã rầm rập biểu tình giành chính quyền tại Vụ Bản. Trước khí thế sôi sục đó, quân lính của châu đã xin đầu hàng, nộp vũ khí gồm 50 khẩu súng, nhiều đạn dược cho lực lượng cách mạng. Khởi nghĩa ở châu Lạc Sơn thành công. Khí thế đó nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh. Hòa Bình cùng cả nước đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử, mở ra trang mới tươi sáng của dân tộc.

Dương Liễu


Các tin khác


Bế mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Chiều 17-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đã bế mạc sau năm ngày làm việc chính thức tại Hà Nội.

Ngành GD&ĐT triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019

(HBĐT) - Ngày 17/8, Sở GD&ĐT đã tổ chức tổng kết năm học 2017 – 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh, Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

(HBĐT) - Đảng bộ huyện Lạc Sơn hiện có 60 tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng với 7.784 đảng viên, sinh hoạt tại 543 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ cơ sở. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015-2020, những năm qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) luôn được cấp ủy huyện quan tâm chỉ đạo và coi đây là chức năng lãnh đạo nhằm đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Hỏi - đáp về thi hành kỷ luật Đảng

(HBĐT) - Hỏi: Các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật được quy định như thế nào?

Lãnh đạo Huyện tiếp xúc đối thoại với đoàn viên thanh niên

(HBĐT) - Ngày 16/8, Huyện ủy Kim Bôi tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với cán bộ, ĐVTN năm 2018. Hội nghị thu hút gần 200 ĐVTN trên địa bàn huyện tham gia.

Huyện Kỳ Sơn nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã

(HBĐT) - Huyện Kỳ Sơn hiện có 10 đơn vị cấp xã, gồm 9 xã và 1 thị trấn. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có 213 người, trong đó 100 cán bộ chuyên trách, 113 công chức. Về trình độ chuyên môn, 77 người có trình độ đại học, chiếm 36,1%; cao đẳng 20 người, chiếm 9%; trung cấp 115 người, chiếm 53,9%. Về trình độ lý luận chính trị, trung cấp có 133 người, chiếm 62,4%; sơ cấp 34 người, chiếm 15,9%; chưa qua đào tạo 46 người, chiếm 21,5%. Số cán bộ không chuyên trách cấp xã toàn huyện có 134 người. Những năm qua, huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc bầu cử, bổ nhiệm được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, quy định. Việc quản lý, sử dụng dần đi vào nề nếp, hầu hết cán bộ, công chức phát huy vai trò, trách nhiệm với công việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục