|
Đến dự buổi giao lưu có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng:
Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng
Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo giao
lưu; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong năm 2017, chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, trong nội bộ” đã được các tỉnh ủy,
thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chú trọng quán triệt trong đội ngũ
cán bộ chủ chốt, nhằm thống nhất nhận thức, hiểu đúng, nắm chắc những nội
dung cơ bản để liên hệ với địa phương, cơ quan, đơn vị và bản thân mỗi cá
nhân để xây dựng kế hoạch làm theo.
Những điển hình tiêu biểu tại buổi giao lưu đại diện cho nhiều tập
thể và cá nhân trên khắp mọi miền của đất nước, là những bông hoa đẹp trong
vườn hoa thi đua, yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng tập thể lực lượng cứu nạn hàng hải.
Đại diện tập thể duy nhất trong buổi giao lưu là Trung tâm Phối
hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam. Tại buổi giao lưu, đại diện cho hơn
300 chiến sĩ cứu nạn, ông Nguyễn Anh Vũ, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Trung
tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam cho biết, hàng năm, Trung tâm
tổ chức cứu hàng trăm vụ, với hàng nghìn người gặp nạn trên biển, trong đó đặc
biệt là ngư dân. Hầu hết các vụ việc xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu như
bão, áp thấp nhiệt đới, giông, lốc…, nên chuyện "liều mình vượt bão” với lực
lượng cứu nạn không hề xa lạ.
"Rất nhiều vụ tàu gặp nạn ở vùng biển xa, tàu bị chìm đắm ở vùng
biển sâu, tàu cháy nổ, có người bị nạn trôi dạt trên biển nhiều ngày, có người
bị nạn mắc kẹt trong tàu, chìm dưới đáy biển, có người bị thương, thậm chí tử
vong ngay sau khi tai nạn xảy ra, và tìm họ như tìm kim dưới đáy bể. Nhưng với
bất kể vụ tai nạn dù khó khăn đến đâu chúng tôi luôn xác định mục tiêu phải
tìm kiếm bằng được những người còn sống, chữa trị kịp thời những người bị
thương tích và những người bị nạn nếu không may tử vong thì cố gắng tìm kiếm
thi thể của họ, thậm chí những mảnh thi thể để đưa về gia đình quê hương, làm
dịu nổi đau những người còn sống”, ông Nguyễn Anh Vũ chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết, trong môi trường làm việc phức tạp
như vậy, lực lượng cứu nạn hàng hải luôn xác định kế thừa truyền thống hơn 70
năm trước của ngành giao thông vận tải: cứu người bị nạn bằng cả trái tim,
coi người bị nạn như người thân ruột thịt trong gia đình, và đã ra đi là phải
hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng những người cứu nạn vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở khi
còn một bộ phận người đi biển là ngư dân còn chủ quan với tình bình thời tiết
xấu, chủ quan với an toàn hàng hải, thiếu những kỹ năng báo nạn, tự cứu mình,
tự cứu những người khác gặp nạn. Hàng năm vẫn còn hàng trăm người chết, mất
tích và thương tật trên biển.
Để liều mình vượt bão, lực lượng cứu nạn có những thuyền trưởng
quả cảm, họ thường được ví von là những "sói biển”. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, để
trở thành sói biển, người thuyền trưởng phải hội đủ các điều kiện: phải đủ sức
khỏe, có chuyên môn tốt, có lòng gan dạ, có bản lĩnh và đặc biệt phải có tính
chủ động, linh hoạt cao. Giữa biển khơi mênh mông, nhiều thời điểm, ranh giới
giữa sự sống và cái chết người "sói biển” phải có những quyết định nhanh
chóng, kịp thời để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người cứu nạn và người bị nạn.
Người "sói biển” phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, xông pha vào
các điểm nóng, qua đó quy tụ, phát huy sức mạnh của toàn tổ đội cứu nạn.
Trong hầu hết các vụ tai nạn, các nạn nhân thường rơi vào tình trạng hoảng loạn,
người "sói biển” phải có khả năng động viên, an ủi, phục hồi sức khỏe cho họ
nhanh chóng vượt qua sự sợ hãi và phối hợp với lực lượng cứu nạn.
Hình ảnh giao lưu với "sói biển" Nguyễn Mạnh Dũng.
Tham gia giao lưu còn có "sói biển”, Thuyền trưởng tàu SAR 411
Nguyễn Mạnh Dũng và anh Vũ Văn Quảng, người may mắn được chính tàu SAR 411 của
anh Nguyễn Mạnh Dũng cứu sống. Câu chuyện giữa người thuyền trưởng tàu cứu nạn
can trường dày dạn kinh nghiệm và thuyền trưởng tàu cá tàu cá HP 9072 TS được
tàu SAR cứu cùng ba thuyền viên khác vào tháng 10-2017 khiến những người tham
gia buổi giao lưu xúc động và hiểu hơn về công việc của các chiến sĩ cứu nạn.
Ngoài tập thể điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tham gia buổi giao lưu còn có các cá
nhân điển hình gồm: Sư cô Thích Nữ Uyên Liên, Trụ trì Chùa Phổ Quang, thành
phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; anh Sùng A Lầu Bí thư chi bộ thôn Lũng Vài,
xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; anh Lê Quốc Thanh, công nhân xí
nghiệp cơ khí Lộc Hiệp, cao su Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; Đại úy Đoàn Tư
Thiên, công tác tại Ban Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức, tỉnh Đác
Nông; Thiếu úy Nguyễn Duy Tưởng, cán bộ đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện
Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
|
TheoNhandan